Đường dẫn truy cập

Các công ty Trung Quốc dời hãng xưởng sang Việt Nam


Mỗi năm cứ sau ngày Lễ Tạ Ơn, người dân lại Mỹ bắt đầu bận rộn đi mua sắm cho Giáng Sinh. Nếu chú ý một chút người ta sẽ thấy hầu như tất cả các món hàng được bày bán trong mùa Giáng Sinh, từ những món đồ chơi của trẻ em, cho đến những cây thông giả và các loại đèn trang trí đều có mang hàng chữ Made in China, có nghĩa là được chế tạo tại Trung Quốc. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chính Trung Quốc đã chế tạo những mặt hàng này. Trong những năm gần đây nhiều công ty của Mỹ đã đưa các sản phẩm của họ từ Hoa Kỳ sang chế tạo tại các nước có nhân công rẻ hơn và luật lệ đầu tư dễ dãi hơn, mà nhiều nhất là tại Trung Quốc. Trong khi đó tại Trung Quốc thì lại cũng có người đưa hãng xưởng của mình sang nước láng giềng Việt Nam để làm công việc sản xuất. Sau đây là một số chi tiết liên quan đến sự kiện này, do Trần Nam lược thuật từ các nguồn tin nước ngoài:

Trong một bài viết được đăng trên tờ The Washington Post, nhà báo Peter S, Goodman đã kể lại câu chuyện của ông Lý Thiệu Hưng, chủ nhân của xưởng chế tạo bao Plastic tại Trung quốc, đã dời cơ sở chế tạo của mình sang Việt Nam để gầy dựng lại cơ nghiệp sau khi bị thất bại nặng nề tại Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc từ bao lâu nay vẫn nổi tiếng là nơi nhân công rẻ và có những luật lệ dễ dãi về môi trường, tuy nhiên theo lời ông Hưng thì ông đã gặp những khó khăn như phải tăng lương cho công nhân, năng lượng bị thiếu thốn trong khi sản phẩm của ông thì lại không thể tăng giá.

Vì lý do đó, cũng giống như những chủ nhân khác thường hay làm, ông Hưng đi kiếm một nơi nào khác để làm ăn có lợi hơn, và ông đã chọn một nước láng giềng của Trung Quốc ở phía Nam là Việt Nam. Ông đã đặt nhà máy chế tạo bao plastic của ông trong 1 khu công nghiệp vừa mới được thiết lập ở miền Bắc, nơi mà lương công nhân chỉ bằng khoảng 2/3 tại Trung Quốc, và các điều kiện an toàn lao động cũng như các tiêu chuẩn về môi trường đều rất thấp.

Cũng theo lời ông Hưng thì sự cạnh tranh tại Trung Quốc càng ngày càng nhiều cho nên đầu tư tại Việt Nam là điều hợp lý. Ông nói rằng trong khu vực này người dân rất khó kiếm việc làm vì vậy họ rất vui khi có việc làm cho dù đồng lương có rẻ mạt.

Trong một nền kinh tế toàn cầu mà mọi người đều cạnh tranh với nhau bằng cách làm thế nào để giá vốn thấp hơn và bán ra có lời nhiều hơn, nhiều nhà chế tạo tại Hoa Kỳ đã chuyển các hoạt động sản xuất của họ sang Trung Quốc thì các nhà tư bản mới của Trung Quốc lại tập trung nỗ lực vào việc tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn tại các nước khác ở Đông Nam Á.

Họ đã chen chân vào những thị trường mới bằng cách bán hàng hóa với giá rẻ hơn, đồng thời giao việc làm cho những người sẵn sàng nhận những công việc nặng nhọc với đồng lương thấp hơn các công nhân Trung Quốc, mặc dầu những điều kiện làm việc có phần cực nhọc hơn.

Tại Việt Nam, các nhà kinh doanh Trung quốc đã tìm thấy được một nước có rất nhiều điểm giống với họ trong thời kỳ chuyển đổi từ một nền kinh tế tập quyền của chủ nghĩa Cộng Sản sang nền kinh tế thị trường. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã quen với lối làm ăn tại Việt Nam, một nước mà những quan hệ cá nhân và sự quen biết với những người có quyền thế có thể giúp họ vượt qua được những khó khăn về luật pháp.

Theo lời ông Châu Thanh Hải, 1 nhà kinh doanh hàng dệt may và cũng là đại diện Phòng Thương Mại cho tỉnh Triết Giang tại Hà Nội thì phương cách phát triển của Việt Nam chỉ là rập khuôn theo kiểu Trung Quốc.

Hiện nay công cuộc đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ phôi thai. Theo các con số do Nhà Nước công bố thì kể từ năm 1988, Việt Nam đã thu hút được những nguồn vốn đầu tư của nước ngoài lên đến hơn 50 tỉ đô la, trong đó khoảng phân nửa là đến từ Đài Loan, Singapore, Nhật bản và Nam Triều Tiên. Trong khi đó số tiền đầu tư của Hoa Lục vào Việt Nam chỉ có 734 triệu đô la.

Tuy nhiên hầu hết những khoản tiền đầu tư lớn lao của Hoa Lục đã được đổ vào Việt Nam qua các đối tác ở Hồng Kông với số tiền lên đến 3 tỉ 700 triệu đô la kể từ năm 1988. Trong những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng tại Việt Nam . Theo các con số của chính quyền ước tính thì mậu dịch 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có thể lên đến 7 tỉ 500 triệu đô la trong năm nay.

Các nhà đầu tư nước ngoài có hãng xưởng tại những khu chế xuất lớn lao ở Trung Quốc đã gia tăng những cuộc thăm dò tại Việt Nam và các vùng khác ở Đông Nam Á để đưa các hoạt động của họ sang những nơi khác thay vì chỉ tập trung tại Trung Quốc.

Điều này lại càng quan trọng đối với các công ty Nhật bản vốn đang lo sợ về những hậu quả của các mối quan hệ ngoại giao đang lạnh nhạt vơi Trung Quốc và những cuộc biểu tình trên đường phố tại nước này để phản đối Nhật về điều mà họ cho rằng đã Nhật phủi trách nhiệm về những hành động tàn ác đối với Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh.

Trong số các công ty Trung Quốc làm ăn tại Việt Nam có nhiều công ty đã tập trung nỗ lực vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong khu vực này.

Hồi tháng 10 khi Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc sang thăm Hà Nội, một công ty khai thác dầu của Trung Quốc đã ký một hợp đồng với một công ty năng lượng của Việt Nam để hợp tác khai thác dầu và hơi đốt trong Vịnh Bắc Bộ.

Hiện nay các nhà chế tạo của Trung Quốc cũng đang tìm cách nới rộng các hoạt động của họ đến Việt Nam, một phần là để chia xẻ thị phần trước khi Hà Nội ký kết một hiệp ước mậu dịch tự do với Trung Quốc như đã được dự trù. Các chủ nhân hãng xưởng hàng dệt may và quần áo đang được chuyển sang Việt Nam để tránh việc áp dụng biện pháp hạn ngạch lên các mặt hàng của họ được xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Hoa Kỳ.

Điều đáng chú ý là một số các hoạt động đầu tư đã được chuyển sang Việt Nam để tránh sự áp dụng gắt gao các tiêu chuẩn về môi trường tại một vài khu vực ở Trung Quốc. Theo một vài nhà kinh doanh tại Trung Quốc không muốn nêu danh tính, thì giới lãnh đạo tại các khu vực duyên hải đã khuyến khích các công nghiệp gây nhiều ô nhiễm như các hãng xưởng chế tạo Plastic, thép, và điện tử, hãy cứu xét việc dời các cơ sở sản xuất của họ sang các nước khác ở Đông Nam Á.

Trong những tháng gần đây các giới chức tại Ôn Châu, một thành phố trong tỉnh Triết Giang, nơi lâu nay vẫn được xem như là một đầu tàu cho công cuộc phát triển trong lãnh vực tư doanh, đã thường xuyên mở những cuộc họp với các nhà doanh nghiệp địa phương để khuyến khích họ dời những hãng xưởng gây nhiều ô nhiễm đi nơi khác.

Ngoài ra trong năm nay, nhà cầm quyền thành phố Ôn Châu và tỉnh Triết Giang đã hợp tác tổ chức khoảng 50 chuyến đi với chi phí do chính quyền đài thọ để các doanh nhân địa phương đi thăm dò những nơi có thể thiết lập các hãng xưởng chế tạo trong tương lai tại Việt Nam và những nơi khác ở Đông Nam Á.

Mặc dù rất ít người xem Trung Quốc như là một nơi lý tưởng về an toàn lao động nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc, trong những cuộc phỏng vấn, đã công nhận rằng Việt Nam là nơi lý tưởng để thiết lập một nhà máy vì giá nhân công rẻ hơn và các luật lệ về môi trường lỏng lẻo hơn Trung Quốc.

Các nhà quan sát tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều hãng xưởng chế tạo của Trung Quốc hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên đi đôi với sự tăng trưởng nhờ các hãng xưởng này, người dân Việt Nam cũng có thể sẽ trở thành những nạn nhân của các loại hóa chất độc hại do các nhà máy này thải ra nếu chính quyền không có một chính sách cứng rắn trước những điều kiện đầy hấp dẫn của các hãng xưởng, nhất là các cơ sở từ Trung Quốc, khi chính nước này đang muốn các hãng xưởng gây nhiều ô nhiễm của họ dời đi nơi khác.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG