Thứ tư vừa qua, chính phủ Trung quốc đã loan báo một chính sách mới về công nghiệp trong đó họ thừa nhận rằng nền công nghiệp của quốc gia đông dân nhất thế giới này đã phí phạm tài nguyên và gây hư hại cho môi trường.
Chính sách này được loan báo một ngày sau khi giới hữu trách Bắc kinh điều chỉnh các số liệu thống kê kinh tế của năm 2004, cho thấy nền kinh tế Trung quốc đã qua mặt Italia để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ sáu và có phần chắc là sẽ vượt qua Anh và Pháp để vươn lên vị trí thứ tư trong năm nay. Mời quí thính giả thêm thêm một số chi tiết về các vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:
Chính phủ Trung quốc mới đây đã công bố một sách lược để điều chỉnh kết cấu công nghiệp nhằm gia tăng tính chất hiện đại và chú ý tới công tác bảo vệ môi trường của các hoạt động kinh tế. Theo sách lược mới – do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia công bố hôm thứ tư ở Bắc kinh, công nghiệp Trung quốc được chia thành ba loại khác nhau thứ nhất là những công nghiệp được khuyến khích phát triển – như viễn thông, hàng không, và giao thông; thứ nhì là những công nghiệp sẽ bị hạn chế như các chương trình xây dựng sân golf, biệt thự, và những chung cư hạng sang; và loại thứ ba là những công nghiệp sẽ bị đào thải dần - như các hoạt động khai thác khoáng sản thiếu hiệu quả kinh tế hoặc không hội đủ điều kiện an toàn.
Ông Lưu Chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách Công nghiệp nói rằng công cuộc phát triển cần chú trọng tới ba mục tiêu là bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn.
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc kinh cũng thừa nhận rằng trong quá trình phát triển nhanh chóng trong hơn hai thập niên qua, công nghiệp Trung quốc đã phí phạm rất nhiều tài nguyên và gây phương hại nghiêm trọng tới phẩm chất môi trường. Họ cho biết sách lược mới về công nghiệp sẽ giúp khắc phục hai vấn đề vừa kể và góp phần xây dựng một xã hội hài hòa mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang ra sức cổ xúy trong thời gian gần đây.
Chính sách mới về công nghiệp đã được loan báo một ngày sau khi giới hữu trách Bắc kinh điều chỉnh các số liệu về tổng sản lượng quốc nội của năm 2004. Ông Lý Đức Thủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trung quốc, phát biểu như sau tại cuộc họp báo hôm thứ ba:
Ước tính sơ bộ của chúng tôi, dựa trên kết quả của cuộc kiểm kê kinh tế, cho thấy rằng GDP của Trung quốc trong năm 2004 là 1,973 tỉ đô la, tăng 284 tỉ đô la so với con số ước tính trước đây. Các số liệu này giúp cho chúng tôi tin tưởng nhiều hơn vào khả năng tăng trưởng lâu bền và tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh chóng của nền kinh tế trong dài hạn.
Các số liệu vừa công bố cho thấy Trung quốc đã vượt qua Italia để trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ 6 trên thế giới trong năm ngoái, và với tốc độ tăng trưởng hơn 9% trong năm nay, Trung quốc có phần chắc sẽ qua mặt Anh và Pháp để vươn lên vị thế thứ tư, sau Hoa kỳ, Nhật bản và Đức.
Ngoài vấn đề vị thế trong bảng xếp hạng, các số liệu mới còn cho thấy rằng kinh tế Trung quốc lành mạnh hơn so với những nhận định trước đây của nhiều chuyên gia quốc tế. Ông Stephen Green, kinh tế gia đặc trách Trung quốc của Ngân hàng Standard Chartered ở Thượng hải, cho biết về vấn đề này như sau:
Có rất nhiều tỉ suất mà nhiều người đã nêu lên khi họ đề cập tới những vấn đề của nền kinh tế Trung quốc, như vấn đề ngân sách, vấn đề ngân hàng, vấn đề đầu tư vân vân. Những tỉ suất này giờ đây đã hạ giảm và không còn mang tính chất nguy hiểm như trước.
Bà Hồng Lương, một kinh tế gia của Tập đoàn Đầu tư Goldman Sachs cũng tán đồng nhận định của ông Green. Bà nói rằng trong vài năm nay nhiều chuyên gia đã nêu lên tỉ suất đầu tư/GDP khá cao của Trung quốc như một chỉ dấu cho thấy kinh tế nước này ‘lên cơn sốt’. Tuy nhiên, với số liệu mới về GDP, vấn đề này không nghiêm trọng như nhiều người vẫn tưởng.
Mặc dầu vậy, người đứng đầu công tác Thống kê của Trung quốc và nhiều nhà phân tích cho rằng nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn còn phải đương đầu với nhiều thử thách rất gay go. Về việc này, ông Lý Đức Thủy cho biết như sau:
Mức tiêu thụ năng lượng quá cao, mức tiêu hao của các tài nguyên thiên nhiên khác cũng quá cao, và các tỉ suất đầu tư và năng suất cũng chưa được tốt đẹp.
Theo ông Lý Đức Thủy, tỉ lệ tiêu hao năng lượng và nguyên vật liệu của Trung quốc còn cần phải được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, GDP của Trung quốc chiếm 4,4% GDP thế giới nhưng dùng đến 7,4% dầu thô, 31% than đá, 30% quặng sắt, 27% thép cuộn và 40% xi măng của toàn thế giới. Ông Lý Đức Thủy nói thêm rằng GDP tính theo đầu người của Trung quốc vẫn còn ở mức thấp hơn hạng 100 trên thế giới; và tính đến cuối năm 2004, vẫn còn khoảng 100 triệu cư dân nông thôn và hơn 20 triệu cư dân thành thị cần trợ giúp tài chánh của chính phủ, và số người sống trong cảnh nghèo túng vẫn cao hơn tổng dân số của phần lớn các nước khác.
Một số các nhà phân tích cho rằng những tiêu chí kinh tế Trung quốc không phản ánh được những sự thay đổi trong phẩm chất cuộc sống của người dân nước này. Một bản phúc trình mới đây của tổ chức Diễn đàn Quốc tế về Toàn cầu hóa ở Mỹ cho biết tâm trạng bất mãn của người Trung quốc đã gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây; với con số những vụ biểu tình phản kháng trong năm 2004 lên tới 74 ngàn vụ, tăng hơn 10 lần so với năm 1994. Các chuyên gia cho rằng sự bất mãn của người dân phát sinh từ tệ nạn tham ô trong chính quyền và hố chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, quyền lợi của nông dân Trung quốc cũng bị phương hại nghiêm trọng trong quá trình toàn cầu hóa. Các số liệu của phúc trình vừa kể cho thấy tỉ lệ dân chúng ở nông thôn được chăm sóc sức khỏe đã từ con số 85% trong năm 1978 giảm xuống không đầy 20% trong năm nay. Ngoài ra các số liệu về môi trường cũng cho thấy cái giá quá đắt mà Trung quốc phải trả cho tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung quốc đứng hàng thứ nhì thế giới, sau Hoa kỳ; khoảng 60% sông ngòi ở Trung quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng; trong số 10 thành phố có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới, có 7 thành phố là ở Trung quốc và số tử vong vì ô nhiễm không khí hàng năm lên tới 300000 người.
Các chuyên gia của Diễn đàn Quốc tế về Toàn cầu hóa nói rằng việc giới hữu trách Bắc kinh làm thế nào để đảo ngược xu thế này chẳng những sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Trung quốc mà còn có ảnh hưởng sâu rộng tới dân chúng trên toàn thế giới.