Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn bà Lien Yeomans, chủ nhà hàng Green Papaya, một quán ăn Việt Nam nổi tiếng ở Brisbane, Australia


Trong Câu Chuyện Phụ Nữ kỳ này, mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn bà Lien Yeomans, chủ nhà hàng Green Papaya, một quán ăn Việt Nam được nhiều người biết đến ở Brisbane thuộc bang Queensland do Minh Phượng thực hiện trong thời gian nghỉ phép đi thăm Australia.

Bà Liên Yeomans là một trong những du học sinh thuộc những đợt đầu được Kế Hoạch Colombo tuyển chọn đi du học tại Australia. Tốt nghiệp về ngành thư viện, bà Liên đã làm việc tại trường đại học ở Cairns một thời gian nhưng sau khi chán công việc văn phòng, bà đã mở một quán ăn có tên là Green Papaya.

Ngoài nhà hàng Green Papaya, bà Lien Yeomans còn mở những lớp dậy nấu ăn và được một tạp chí địa phương là Brisbane News mời viết một cột báo hàng tháng giới thiệu cách chế biến những món ăn Việt Nam.

Minh Phượng đã đến quán Green Papaya vào một buổi tối thứ ba, mà số thực khách cũng chiếm khoảng 1/3 số bàn của nhà hàng. Được biết đa số khách đều đặt chỗ trước, phần nhiều qua điện thoại hoặc qua website của quán trên mạng Internet.

Nhà hàng nằm ở East Brisbane, gần một sân vận động nhỏ được xây nhân dịp Thế vận hội Olympic năm 2000, nhưng không phải thuộc một khu trung tâm đông du khách. Nhà hàng được trang hoàng rất trang nhã, bát chén chọn lọc, với hai nữ tiếp viên là người Úc rất xinh xắn và tươi cười. Đặc biệt là cách trình bầy các món ăn rất mỹ thuật.

Gần như toàn bộ thực khách là người tây phương và Minh Phượng đã hỏi chuyện một người khách tên là Pauli. Ông này cho biết ông là người Úc gốc Phần Lan, và đã đến ăn ở quán nhiều lần:

Minh Phượng: Ông nhận thấy thức ăn ở Green Papaya ra sao?

“Ngon. Lúc nào cũng ngon. Đây là một trong những tiệm ăn ngon nhất ở tỉnh này.”

Minh Phượng: Theo ông, điều gì hấp dẫn khách ăn đến quán Green Papaya?

“Đó là tiêu chuẩn các món ăn được giữ vững liên tục. Thường thường ở Australia, khi có một quán ăn mới mở, khách hàng đến ăn và trầm trồ khen ngợi. Rồi họ đến ăn chừng 1 năm, thì tiêu chuẩn tự dưng sụt xuống và khách hàng thôi không đến nữa. Nhưng tại quán của bà Liên thì trong 11 năm ròng, khách hàng luôn trở lại, và đó là điều hiếm xảy ra đối với các nhà hàng ở Úc.”

Minh Phượng: Ông có thử đi ăn ở nhà hàng Việt nào khác chưa?

“Có, tôi có đến một vài tiệm nhưng tôi thấy không thể nào ăn được vì họ dùng bột ngọt nhiều quá.”

Minh Phượng: Vậy theo ông, quán Green Papaya có gì đặc biệt?

“Trước tiên là thực đơn được thiết kế rất cẩn thận. Vì thế có sự phối hợp hài hòa giữa đồ biển, thịt gà vịt, thịt đỏ và đồ ăn chay, và nay lại có những thực phẩm hữu cơ. Một trong những điểm nổi bật của thực phẩm tại quán là thức ăn rất tươi tốt, và nhất là sự phong phú trong thực đơn khiến khách hàng có thể chọn lựa giữa nhiều món...”

Minh Phượng: Thế ông có đi Việt Nam bao giờ chưa, và ông thấy thức ăn ở quán này khác với thức ăn ở Việt Nam ra sao?

“Vào lúc tôi đến năm 1992 thì Việt Nam còn đang trong tình trạng hồi phục sau chiến tranh nên có nhiều thứ còn hiếm. Nhưng tôi cũng thích ăn một vài món. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thức ăn của bà Liên có thể cạnh tranh với bất cứ tiệm Việt Nam nào trên thế giới.”

Vị khách hàng này chỉ có một đề nghị là ánh sáng trong quán nên dịu hơn để hấp dẫn những khách hàng trẻ tuổi cần sự ấm cúng. Giá cả ở quán có cao hơn so với những tiệm ăn Việt Nam, nhưng theo ông thì khách hàng nên biết thưởng lãm sự chọn lọc trong những thực phẩm được phục vụ ở nhà hàng Green Papaya.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG