Đường dẫn truy cập

Một số nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Canh về chuyến viếng thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Ðào


Trong tuần qua, ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Nước của Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam trong 3 ngày mà theo tin tức là để thắt chặt các quan hệ hữu nghị và gia tăng mậu dịch giữa 2 nước. Tuy nhiên theo một số nhà phân tích thì trong cuộc viếng thăm này, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn có những mục tiêu xa hơn trong khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam chỉ là một phần trong các mục tiêu của Trung Quốc.

Để tìm hiểu thêm về sự kiện này, chúng tôi đã tiếp xúc giáo sư Nguyễn Văn Canh, thuộc Viện Nghiên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình của Đại Học Stanford ở miền Bắc Tiểu Bang California, và sau đây là một số chi tiết trong cuộc phỏng vấn giáo sư Nguyễn văn Canh do Trần Nam trong Ban Việt ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thực hiện:

VOA: Kính chào giáo sư Nguyễn Văn Canh, thưa giáo sư, hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến thăm Việt Nam trong 3 ngày mà theo tin tức là để gia tăng các mối quan hệ trong lãnh vực kinh tế và ngoại giao giữa 2 nước. Giáo sư nhận định như thế nào về cuộc viếng thăm này?

Trên nguyên tắc thì họ nói là đẩy mạnh giao thương, kinh tế thương mại giữa 2 quốc gia . Vấn đề đó thì có, tuy nhiên tôi rất ưu tư về vấn đề Việt Nam đã thỏa thuận để cho Hải Quân Trung Quốc vào tuần tra vùng vịnh Bắc Việt và thứ hai nữa là vấn đề vịnh Cam Ranh, và người ta đã nói đến rất nhiều về vấn đề này.

VOA: Giáo sư có thể cho biết rõ hơn về những ưu tư trong những vấn đề vừa kể, nhất là vấn đề Vịnh Cam Ranh?

Về Vịnh Cam Ranh thì ảnh hưởng rất lớn. Thứ nhất, sự hiện diện của Trung Hoa Lục Địa trong vùng Vịnh Cam Ranh chứng tỏ rằng Việt Cộng đã nhượng bộ quá nhiều để cho đảng Cộng Sản Trung Hoa từ đó tiến sâu và khu vực Đông Nam Á theo sách lược chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng từ trước đến giờ. Như chúng ta đã biết từ trước đến giờ, theo bản đồ mà họ đã vẽ ra thì cả vùng Đông Nam Á là của Trung Cộng. Thứ hai là từ hải cảng Cam Ranh họ có thể kiểm soát được cái phần phía Nam của Việt Nam. Ngoài cái Đông Nam Á ra còn một cái quan trọng hơn nữa là tại Vịnh Cam Ranh, trước kia, Liên Bang Sô Viết đã có tàu Mink, tức là cái hàng không mẫu hạm lớn của Liên Bang Sô Viết, để hành quân tới Ấn Độ Dương. Ngày nay Trung quốc chưa có hàng không mẫu hạm, tuy nhiên trong tương lai thì họ sẽ có để tiến xa hơn nữa. Đó là vấn đề nguy hiểm cho hòa bình và an ninh của toàn thế giới chứ không riêng gì khu vực này.

VOA: Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7, Thủ Tướng Việt Nam Phan văn Khải có ký một thỏa hiệp với Hoa Kỳ, theo đó các chuyên viên quân sự Mỹ sẽ được gửi đến Việt Nam để làm công tác huấn luyện về kỹ thuật, y khoa và sinh ngữ cho quân đội Việt Nam. Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào là để chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ như thế nào về nhận định này?

Theo tôi nghĩ thì không phải vì cái vấn đề này, Việt Nam chịu sự lệ thuộc của Trung Cộng đã bắt nguồn từ phiên họp của Nguyễn Văn Linh cùng với Phạm văn Đồng và Thủ Tướng Đổ Mười từ năm 1989. Sự nhượng bộ đã quá rõ rệt, và từ đó trở đi có ảnh hưởng lớn. Thành ra cái việc Phan Văn Khải thỏa hiệp với phía Mỹ tại Washington để cho huấn luyện một cách hạn chế về vấn đề quân sự thì nó chỉ là biểu tượng mà thôi. Cái ảnh hưởng của Trung Quốc rất mạnh là vì tất cả những người lãnh đạo của Cộng Sản Việt Nam kể từ Đại Hội 7 của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1991 đến nay, rõ ràng là đã chịu ảnh hưởng của Trung Cộng, và thực thi chính sách của Trung Cộng thì đúng hơn.

VOA: Thưa giáo sư nói đến Đại Hội Đảng thì cuộc viếng thăm của ông Hồ Cẩm Đào có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp nào đến Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 10 của Việt Nam, mà theo dự trù, sẽ được tổ chức vào năm tới hay không?

Theo tôi thì cái truyền thống từ năm một99một trở về sau này thì luôn luôn những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa đều trực tiếp liên hệ và có ảnh hưởng đến việc lựa chọn những người thân với họ nằm trong giới lãnh đạo Việt Nam. Qua các Đại Hội, từ Đại Hội 7 đến Đại Hội 9, họ đã làm công việc đó. Và bây giờ ông Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam để mà làm áp lực mạnh hơn để có được những người nào trong đảng Cộng Sản thân Trung Hoa, hay nói khác đi là tay sai của đảng Cộng Sản Trung Hoa nằm trong đảng Cộng Sản Việt Nam là điều rất là rõ rệt và chắc chắn. Và theo dự trù thì họ tổ chức Đại Hội 10 vào giữa năm tới, hay vào tháng 6 gì đó trong năm 2006 thì tôi nghĩ rằng không có gì trở ngại cho việc đảng Cộng Sản Việt Nam tìm những người lãnh đạo thân Trung Cộng trong thời điểm đó.

VOA: Thưa giáo sư đó là về mặt chính trị, về kinh tế thì trong những cuộc thảo luận vừa qua tại Việt Nam, ông Hồ Cẩm Đào đã đề nghị Việt Nam nên nắm lấy mọi cơ hội để hợp tác với Trung Quốc về mặt kinh tế, và đặt ra mục tiêu là 10 tỉ đô la trong các hoạt động mậu dịch giữa 2 nước từ nay cho đến trước năm 2010. Giáo sư có nghĩ rằng Trung Quốc là một đối tác hàng đầu cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam hay không?

Theo tôi nghĩ thì quan điểm của đảng Cộng Sản Việt Nam là coi Trung Quốc như là một quốc gia hàng đầu trong việc buôn bán mà trong năm rồi đã lên đến 7 tỉ mấy, và trong những năm tới có thể lên đến 10 tỉ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là lợi hay hại. Khiếm ngạch mậu dịch trong năm ngoái của Việt Nam là rất nhiều, lên đến mấy tỉ Mỹ kim, và trong tương lai thì ảnh hưởng của Trung Quốc còn mạnh hơn nữa để tràn ngập hàng hóa vào thị trường Việt Nam, và Việt Nam không có đủ khả năng để đối phó với vấn đề này và luôn luôn luôn bị thua lỗ mậu dịch.

Hiện nay họ có một âm mưu rất lớn là lập ra những khu buôn bán tự do ở vùng biên giới để rồi từ đó hàng hóa của Trung Quốc tràn vào Việt Nam một cách mãnh liệt hơn, nhiều hơn, vả lại còn một yếu tố nửa là cái đường hỏa xa Hải Phòng, Lạng Sơn cũng như là từ Cao Bằng đi xuống sẽ được khuếch trương rất mạnh để rồi từ đó hàng hóa không những đi vào Việt Nam mà còn đến các nược trong vùng Đông Nam Á, hay nói khác đi thì cửa ngõ của Việt Nam đi Đông Nam Á đó là một phần trong chiến lược của Trung Cộng để mà phát huy ảnh hưởng kinh tế thương mại của họ đến phần phía Nam.

VOA: Thưa giáo sư, dường như trong số hơn 10 thỏa hiệp mà đôi bên đã ký kết, Trung Quốc có hứa sẽ giúp Việt Nam những khoản tiền vay nhẹ lãi. và 2 nước cũng đã cam kết sẽ gia tăng hợp tác trong các lãnh vực điện năng, viễn liên và chuyển vận, nhất là về vấn đề hợp tác để khai thác dầu hỏa và khí đốt trong Vịnh Bắc Bộ. Giáo sư nghĩ như thế nào về ảnh hưởng của Trung Quốc trong những hợp tác này?

Chắc chắn là ảnh hưởng của Trung Cộng là trên nhiều mặt chứ không phải trong vấn đề năng lượng. Việt Nam sẽ mua điện của Trung Cộng tại một số tỉnh ở dọc theo biên giới, đồng thời mấy nhà máy điện ở Quảng Ninh cũng được Trung Cộng cung cấp tiền bạc để khai thác, tôi nghĩ rằng cái ảnh hưởng đó lớn hơn. Ngoài ra cái than đá cũng như là dầu hỏa, Việt Nam sẽ bán cho Trung Cộng, cung cấp cho Trung Cộng để Trung Cộng phát triển nhiều hơn là cho Việt Nam.

VOA: Thưa như vậy theo lời giáo sư thì sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc nói chung, vẫn là điều không có lợi nhiều cho công cuộc phát triển của Việt Nam, so với các nước khác?

Kinh tế ở miền Nam cũng đã kiệt quệ vì vấn đề hàng hóa của Trung Cộng trong cả chục năm nay rồi và bây giờ càng ngày càng bành trướng mạnh do sự lệ thuộc của đảng Cộng sản Việt Nam vào đảng Cộng Sản Trung Hoa. Đó là một cái nguy hiểm vô cùng lớn lao cho dân tộc của mình.

VOA: Cám ơn giáo sư đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay. Thưa quí thính giả vừa rồi là giáo sư Nguyễn Văn Canh, thuộc Viện Nghiên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình, Đại Học Stanford ở miền Bắc Tiểu Bang California, nhận định về cuộc viếng thăm mới đây của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Việt Nam.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG