Thưa quí thính giả, nhân dịp ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung quốc đến thăm Việt Nam, chúng tôi đã tiếp xúc với Tiến sĩ Brantly Womack, giáo sư chính trị học tại đại học Virginia và là một chuyên gia trong ngành quan hệ chính trị giữa Việt nam và Trung quốc. Trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây, chúng tôi mời quí vị theo dõi một số nhận xét của giáo sư Womack về mối liên hệ giữa hai nước mà ông vẫn thường gọi là Con Rồng Lớn và Con Rồng Nhỏ ở Á châu này.
1.Thưa giáo sư Womack, xin ông vui lòng cho biết nhận xét tổng quát của ông về mối quan hệ hiện nay giữa Việt nam và Trung quốc.
Theo tôi thì mối quan hệ giữa hai nước đã tiến triển dần dà qua một thời gian khá lâu kể từ năm 1991, khi tình trạng thù nghịch chấm dứt. Trong thập niên 1990, quan hệ này tuy gọi là ở trong giai đoạn bình thường nhưng đôi bên vẫn còn có rất nhiều căng thẳng và đôi khi xảy ra tình trạng khủng hoảng. Lúc đó cả đôi bên cùng ra sức kèn cựa nhau để duy trì uy thế và gia tăng ảnh hưởng của mình tuy không có xung đột công khai. Mối quan hệ thương mại, mậu dịch ngày càng tăng trong thời gian này đã khiến cho Việt nam và Trung quốc tiến tới gần nhau hơn, và trong 5 năm qua, quan hệ song phương đã có những tiến bộ rất khả quan, và có thể nói là rất ngoạn mục. Những cuộc tiếp xúc trao đổi ngoại giao cấp cao cũng diễn ra thường xuyên hơn, và chuyến viếng thăm lần này của ông Hồ Cẩm Đào tới Việt nam có thể xem là một bước khác nữa để đôi bên tiến tới trong chiều hướng này.
2.Lâu nay, các mối tranh chấp về vấn đề chủ quyền lãnh thổ đã là một trở ngại lớn đối với những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Việt nam và Trung quốc. Oâng có nghĩ rằng các cuộc thảo luận giữa ông Hồ Cẩm Đào với các nhà lãnh đạo ở Hà nội lần này sẽ mang lại những giải pháp nào hay không?
Tôi không nghĩ là họ sẽ có được khai thông nào đáng kể về các vấn đề liên quan tới những vụ tranh chấp lãnh thổ. Một phần là vì một vấn đề lãnh thổ quan trọng nhất đã có được khai thông. Vụ tranh chấp về đường ranh giới trên bộ đã được giải quyết trên nguyên tắc hồi khoảng năm 1999 và năm 2000, và đã được thực thi từ dó tới nay. Về phần quần đảo Trường Sa, vụ tranh chấp này đã chuyển từ khuôn khổ của một vụ đối đầu song phương trong thập niên 1990 sang một tình trạng mới, trong đó có những thỏa thuận đa phương với những cam kết của các phe liên hệ là không gây thêm căng thẳng. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Trung quốc, Việt nam và Philipin cũng đã đồng ý tiến hành những cuộc khảo sát chung trong vùng biển này. Đây quả là một diễn tiến rất đáng phấn khởi.
3.Hồi gần đây, một nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt nam đã phổ biến trên internet một lá thư cảnh báo, trong đó nói rằng, khi ông Hồ Cẩm Đào đến thăm Việt nam lần này, giới hữu trách Hà nội có thể sẽ nhường quyền xử dụng vịnh Cam Ranh cho Trung quốc để đổi lấy việc giành lại quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Nguồn tin này có đáng tin hay không, thưa giáo sư?
Tôi rất ngạc nhiên về điều này. Theo tôi biết thì sau khi Nga rút khỏi Cam Ranh năm 2002, giới hữu trách Việt nam đã có những cuộc thảo luận về việc có nên tiếp tục cho thuê hay không, và Hoa kỳ cũng đã xem xét tới việc này. Sau đó đã có quyết định là vịnh Cam ranh chủ yếu là dùng cho các mục tiêu dân sự. Và nếu có những hoạt động quân sự của nước ngoài trong vịnh này thì tôi nghĩ rằng đó chỉ là những chuyến ghé thăm của các chiến hạm để bày tỏ tình hữu nghị giữa quân đội các nước, chứ không phải là một diễn tiến có tính chiến lược của Hoa kỳ hay là của Trung quốc. Theo tôi được biết, có nhiều người ở Việt nam và nhiều người trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài không muốn thấy Việt nam và Trung quốc xích lại gần hơn, và thái độ này cũng dễ hiểu nếu chúng ta xét về những mối bất hòa trong lịch sử. Tuy nhiên, xét theo thực tế hiện nay ở vùng Đông và Đông Nam Á, việc Việt nam tiếp tục giữ khoảng cách với Trung quốc là một hành động không mấy khôn ngoan, và có thể nói là nguy hiểm, trong lúc mọi nước khác trong vùng này đều xích lại gần Trung quốc, như Philipin, Thái lan, Malaysia, và Singapore. Ngay cả Indonesia cũng vậy.
4.Chuyến viếng thăm của ông Hồ Cẩm Đào diễn ra không lâu sau khi đảng Cộng sản Trung quốc kết thúc hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương và quyết định từ bỏ đường lối phát triển gọi là ‘tiên phú luận’ của ông Đặng Tiểu Bình, để theo đuổi một chiến lược phát triển mới, gọi là ‘đồng phú luận’. Chuyến đi này cũng trùng hợp với những sự chuẩn bị ở Việt nam cho Đại hội XI của đảng Cộng sản, là lúc mà theo dự liệu, giới lãnh đạo Hà nội sẽ đưa ra những thay đổi về chính sách và nhân sự. Oâng có nghĩ rằng ông Hồ Cẩm Đào sẽ nhân chuyến đi này để thuyết phục Việt nam thay đổi theo đường hướng mới của Bắc kinh hay không?
Đây là một câu hỏi thú vị. Oâng Hồ Cẩm Đào đã xướng xuất một chủ trương gọi là phát triển có tính khoa học, theo đó Trung quốc cần phải chú tâm đến tính chất lâu bền của sự phát triển chứ không thể chỉ quan tâm tới việc là phải phát triển càng nhanh càng tốt như hiện nay. Chủ trương này dường như là điều đã được nhấn mạnh trong kế hoạch ngũ niên mới mà hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương của đảng Cộng sản Trung quốc đã thông qua mới đây. Theo tôi, ở một vài phương diện Việt nam tiến xa hơn Trung quốc trong lãnh vực này, và vấn đề ở đây không phải là ông Hồ Cẩm Đào thuyết phục giới lãnh đạo Hà nội theo gót Trung quốc, mà có thể là ông ấy sẽ học một số bài học nào đó từ Việt nam. Theo tôi biết, Việt nam hiện nay chưa giàu bằng Trung quốc và cũng có một khối người nghèo khá lớn. Tuy nhiên, theo nhận xét của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và các nhà quan sát quốc tế, Việt nam đã đạt được những tiến bộ rất khả quan trong lãnh vực xóa đói giảm nghèo.
Xin cám ơn giáo sư Womack.