ĐẠI NHẠC HỘI TÂN-CỔ “VÀO THU.”
Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 23 tháng 10 mới đây, một chương trình đại nhạc hội chủ đề “Vào Thu” đã diễn ra tại hí viện Long Beach Terrace Theater, ở miền nam California - - Với nhiều tên tuổi thuộc cả hai bộ môn tân và cổ nhạc Việt Nam, như nghệ sĩ Tấn Tài (mới từ Việt Nam đi ra,) và Lệ Thủy, Tài Linh, Phượng Liên, Chí Tâm, Hương Lan, Châu Thanh, Túy Hồng, Mạnh Đình, Phi Nhung và, các ca, nhạc sĩ Chí Tài, Hoài Linh, Thế Sơn, Bảo Hân, Như Loan, Trần Thái Hòa, Lương Tùng Quang, Calvin Hiệp, Đoan Thy...MC của chương trình là Đỗ Thanh và, Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Buổi diễn được ghi nhận là thanh công tốt đẹp.
THU PHƯƠNG VÀ 3 ALBUM MỚI.
Những người yêu thích tiếng hát và nghệ thuật trình diễn của nữ ca sĩ Thu Phương, hẳn chưa quên, cách đây vài tháng, Thu Phương đã tổ chức ra mắt CD đầu tiên của cô tại hải ngoại, là đĩa nhạc nhan đề “Như một lời chia tay;” thì, cuối tuần qua, tại khiêu vũ trường Majestic, ở quận hạt Orange County, Thu Phương lại ra mắt một lúc, 3 Album khác nữa. Đó là các CD nhan đề “Thời gian ơi,” “Em ra đi mùa thu” và, “Nỗi niềm.”
Trong buổi ra mắt vừa kể, suốt chương trình, Thu Phương đã hát với ban nhạc The Friends, và, bên cạnh đó, là tiếng hát Quang Minh, anh trai của Thu Phương.
Trước đó, trong một cuộc trò chuyện với khán giả, do nhật báo Người Việt tổ chức, khi trả lời câu hỏi của một khán giả về một tiếng hát xa lạ với khán thính giả hải ngoại - - Nhưng lại là giọng hát khá đặc biệt, được thu âm trong CD nhan đề “Nỗi niềm,” thì, Thu Phương trả lời rằng, đó là tiếng hát của Quang Minh, anh trai của cô.
Thu Phương nói: “Phương hy vọng khán giả hải ngoại sẽ đón nhận và, yêu mến tiếng hát Quang Minh. Phương cũng thấy giọng hát của anh trai mình rất truyền cảm và đặc biệt.”
Về sự kiện giới thiệu cùng một lúc 3 sản phẩm âm nhạc của mình, Thu Phương nhấn mạnh: “Tất cả những CD mà Thu Phương đã giới thiệu, đều có đời sống riêng, có tâm sự riêng và đánh dấu những bước ngoặt trong đời sống của Thu Phương...”
CD: 10 THI SĨ QUẢNG NAM – 10 BÀI THƠ PHỔ NHẠC.
Chuyên san Quán Văn, do nhà văn Phạm Quốc Bảo chủ trương, cho biết, một sản phẩm văn học và nghệ thuật mới ra đời; đó là tập nhạc và CD nhan đề “10 Thi sĩ Quảng Nam.”
Tập nhạc “10 Thi sĩ Quảng Nam,” như tên gọi, là mười bài thơ do nhạc sĩ Nhật Ngân chuyển thành ca khúc. Những thi sĩ gốc Quảng Nam đó là các ông Hạ Quốc Huy, Hoàng Lộc, Hồ Thành Đức, Luân Hoán, Nguyễn Nam An, Phan Xuân Sinh, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Trần Trung Đạo, Trần Yên Hòa. Nếu cộng thêm 2 ca khúc khác nữa, vốn là lời và, nhạc của Nhật Ngân thì, tổng số ca khúc trong đĩa nhạc nhan đề “Mười thi sĩ Quảng Nam” là 12 ca khúc tất cả.
Những ca sĩ được mời để chuyển tải thơ-nhạc của các tác giả vừa kể, tới người nghe là: Bảo Yến, Quang Minh, Quang Linh và Thanh Hà.
HỌP MẶT VĂN NGHỆ CHỦ ĐỀ “LÊ TRỌNG NGUYỄN, KỶ NIỆM.”
Nguồn tin từ gia đình cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả ca khúc nổi tiếng “Nắng chiều” cho hay, một buổi họp mặt văn nghệ thân mật đã diễn ra vào cuối tuần qua, tại nhà hàng Huế Imperial ở thành phố Paris. Mục đích của buổi họp mặt này, nhằm nói về những kỷ niệm với tác giả “Nắng chiều,” nhân dịp bà Nguyễn Thị Nga, người bạn đời của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có mặt tại Paris.
Được biết những tên tuổi quen thuộc trong lãnh vực sinh hoạt văn hocï, nghệ thuật tại thủ đô Paris, đã lần lượt nói về thân thế, cũng như sự nghiệp của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, đó là các ông Đỗ Bình, Lê Mộng Nguyên, Xuân Lôi, Lê Minh Cầm...
Tưởng cũng nên nhắc lại, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từ trần ngày 9 tháng Giêng năm 2004, ở thành phố Los Angeles; hưởng thọ 78 tuổi.
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM “KHỞI THẢO KINH THƯ VIỆT NAM.”
Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 16 tháng 10 vừa qua, tại phòng sinh hoạt đài Little Saigòn Radio, ở thành phố Westminster, miền nam California, đã có buổi ra mắt tác phẩm nhan đề “Khởi thảo kinh thư Việt Nam” của giáo sư Nguyễn Xuân Khoan, đến từ Úc Châu.
Giới thiệu tác giả và tác phẩm vừa kể, nhà báo Nguyên Huy viết: “Xuất thân từ Đại học Sư Phạm và, Văn Khoa Saigòn từ trước năm 1975, giáo sư Nguyễn Xuân Khoan với bút hiệu Thiện Nhân đã bỏ nhiều công nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Ông đã cho xuất bản nhiều sách giá trị như ‘Những nét tinh hoa trong thi ca Việt Nam,’ ‘Tâm dịch lý học,’ ‘Khởi thảo kinh thư Việt Nam.’”
Trích lời tựa mở vào tác phẩm của mình, giáo sư Nguyễn Xuân Khoan viết: “...Chúng ta thấy đa số trong các cổ tích Việt Nam được ghi chép theo kiểu quái sự thay vì cố sự. Và chưa có một sự phân tích bình giải có nội dung mang giá trị văn hóa đáng kể nào...’ Giáo sư Nguyên Xuân Khoan đã khởi công ‘san định’ lại cổ sử là những chuyện cổ tích, sự tích, ca dao, tục ngữ...mà chúng ta thường gọi là văn học, văn chương truyền khẩu...
“Điều đáng trách là giới trí thức (VN) từng thời kỳ khác nhau, chịu ảnh hưởng sâu đậm của từng nền văn hóa ngoại lai khác nhau, có thể vì đã bị chế độ ép buộc hoặc bản thân bị tha hóa...mà ghi chép lại theo những quan điểm văn hóa ngoại lai, khiến tinh thần cao đẹp truyền thống nhiều khi bị xuyên tạc thành những ý tưởng phi lý, phản khoa học...”
Vì thế, giáo sư Nguyên Xuân Khoan chủ trương: “...nếu không được chỉnh trang, nội dung tình tiết câu chuyện không được chấn chỉnh, lý giải sắc bén sâu xa cho ai nấy hiểu các tình cao và ý đẹp...thì hậu quả sẽ rất nguy hại, có thể biến những câu chuyện có luân lý rất cao thành ra vô luận...”
Vẫn theo nhà báo Nguyên Huy thì “...Điều rất thích thú là 16 câu chuyện cổ tích Việt Nam ấy lại được lý giải bằng cái nhìn rất ‘dân tộc’, đưa ra những phân tích hợp tình, hợp lý, ‘san định’ lại những chuyện kể được thuật lại trong nhiều sách của các tác giả khác nhau viết về thời ‘thượng cổ thời đại’ Việt Nam...”
Được biết “Khởi thảo kinh thư Việt Nam” của Nguyễn Xuân Khoan do Tủ sách nghiên cứu Việt Học của nhà xuất bản Lạc Việt ở Úc châu ấn hành.
“MIỂNG” TẬP TRUYỆN MỚI CỦA THẢO TRƯỜNG.
Nếu không kể tập truyện nhan đề “Chạy trốn” tái bản, thì, tập truyện nhan đề “Miểng” là tác phẩm thứ năm của nhà văn Thảo Trường ấn hành tại hải ngoại, sau những tác phẩm được nhiều người biết tới như “Tiếng thì thầmn trong bụi tre gai,” “Đá mục, “Mây trôi...”
Tập truyện “Miểng” của Thảo Trường do Quyên Book xuất bản, gồm một số truyện ngắn, tạp ghi và những bài nhận định về sự nghiệp văn chương của Thảo Trường trong dòng văn học miền Nam Việt Nam, hai mươi năm, cũng 30 năm sinh hoạt văn học hải ngoại.
Trong một mục “đọc sách,” phụ trách cùng với Hồng Ngọc, nhà văn Nguyễn Đình Toàn từng ghi nhận về thế giới văn xuôi của Thảo Trường như sau: “Thảo Trường là một trong những nhà văn quan trọng đã đóng góp vào việc hình thành nền văn học miền nam Việt Nam trong hai thập niên từ 55 đến 75. Ông có một văn phong mạnh mẽ, ngắn gọn, nhưng súc tích. Cách bố cục truyện của ông chặt chẽ, mới mẻ. Có thể nói, truyện ngắn Việt nam đến những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trưởng đã hoàn toàn đổi mới, so với dòng văn học trước đó. Viết truyện không còn thuần túy là kể một câu chuyện. Mà hình như nó hàm chứa tất cả những gì liên quan đến thân phận con người nằm trong câu chuyện ấy, hiểu theo nghĩa siêu hình, triết học và thực tế...”
KỶ NIỆM 40 NĂM AN TIÊM...
Nhằm mục đích tiếp tục những dự tính bị bỏ dở vì sự ra đi đột ngột của người chủ trương nhà xuất bản An Tiêm, là ông Thanh Tuệ; một số thân hữu và thân nhân của nhà văn hóa Thanh Tuệ, đã quyết định chọn ngày Thứ Sáu, 28 tháng 10 tới đây, làm ngày kỷ niệm 40 năm hoạt động của nhà xuất bản An Tiêm. Nơi tổ chức sẽ là phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở quận hạt Orange County. Nhật báo Người Việt, trong một bản tin loan tải về buổi kỷ niệm 40 năm An Tiêm, ghi nhận rằng: “Ra đời từ năm 1965 tại Saigòn, nhà xuất bản An Tiêm của ông Thanh Tuệ đã nâng cao phẩm chất sách vở xuất bản lên một bậc, về hình thức lẫn nội dung. Hoạt động được 10 năm thì miền Nam sụp đổ, nhà xuất bản phải ngưng hoạt động trong chế độ mới. Nhưng vào đầu thập niên 1990 thì nhà xuất bản An Tiêm lại tái hoạt động, khi chủ nhân của nó đã định cư tại Pháp...”
Nhân dịp này, tác phẩm nhan đề “Một cành mai” của nhà văn Võ Đình, một trong những cuốn sách mà ông Thanh Tuệ chuẩn bị xuất bản, trước khi thình lình qua đời vì bạo bệnh cách đây gần một năm; cũng sẽ được giới thiệu.
“Một cành mai” của Võ Đình, là tác phẩm viết về một số những bài thơ thiền nổi tiếng trong văn học Việt.
NGUYỄN THANH TY VÀ TÁC PHẨM “DƯ ÂM NGÀY CŨ” # 2.
Gần như cùng một thời gian, tác gỉa Nguyễn Thanh Ty đã cho ấn hành hai tác phẩm. Cuốn thứ nhất, là tập hồi ký nhan đề “Trại Đá Bàn và A.30.” Cuốn thứ nhì, là tập văn xuôi nhan đề “Ma hời;” nằm trong bộ “Dư âm ngày cũ,” cuốn thứ hai.
Trong “Lời Tựa,” mở vào tác phẩm “Ma hời” của Nguyễn Thanh Ty, nhà thơ Song Nhị ở thành phố San Jose, miền bắc tiểu bang California viết: “...Nguyễn Thanh Ty là con người tình cảm. Chất liệu trong con người ông là tình yêu quê hương, tình bằng hữu, tình thân thuộc với lối hành văn dí dỏm, trơn tru nhẹ nhàng, thu hút. Nhưng trong cái dí dỏm nhẹ nhàng đó là tính tiết tháo của một trí thức thẳng thắn vạch trần những gian ngoan, giả trá, áp đặt, của một chế độ lây chủ thuyết ngoại lai, xa rời nguồn cội làm điêu đứng cả một dân tộc, đưa đất nước đến băng hoại luân lý, truyền thống đạo đức, chia rẽ tình tự giống nòi qua các chiêu bài quốc gia với cộng sản, cách mạng với ngụy quyền, trong nước với hải ngoại, yêu nước với phản động...”
Theo tiểu sử in nơi bìa sau tác phẩm “Ma hời” thì, tác giả nguyễn Thanh Ty sinh năm 1942 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông tốt nghiệp Sư Phạm khóa 1 Quy Nhơn, 1964, dạy học tại Lâm Đồng, bị động viên Thủ Đức khóa 25/67. Ông bị tù cải tạo từ năm 1976 tới năm 1981; năm 1991, định cư tại Hoa Kỳ, tiểu bang Massachussetts.