Đường dẫn truy cập

Các chính trị gia Shia, Kurd và Sunni ca ngợi bản thỏa hiệp hiến pháp Iraq


Các chính trị gia cao cấp của phe Hồi giáo Shia, Kurd và Hồi giáo Sunni đã tụ họp để ca ngợi thỏa hiệp vào phút chót mà các thương thuyết gia đạt được cho bản sơ thảo hiến pháp của Iraq. Từ Baghdad, TTV Alisha Ryu của đài TNHK tường trình rằng thỏa hiệp này sẽ gia tăng đáng kể cơ may để dân chúng chấp thuận bản hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý vào thứ bảy.

Lên tiếng tại một cuộc họp báo được truyền hình toàn quốc, tổng thống gốc người Kurd tại Iraq, Jalal Talabani gọi những dung hòa vào giờ thứ 11 là diễn biến mang tính cách lịch sử và nói rằng chẳng có lý cớ gì để người Ả Rập Hồi giáo Sunni tẩy chay hay bỏ phiếu bác bản hiến pháp.

Tôi hy vọng sự dung hòa này sẽ là bước khởi đầu cho một sự hợp tác mới giữa tất cả mọi thành phần của người dân Iraq. Xin thượng đế hãy cứu rỗi nước Iraq để quốc gia này tồn tại trong đoàn kết, dân chủ, độc lập theo thể chế liên bang.

Các cuộc thảo luận dài đằng đẵng trong những ngày qua có mục đích tìm kiếm những phương cách để làm dịu bớt sự chống đối của người Ả Rập Hồi giáo Sunni đối với bản hiến pháp, văn kiện bị người Sunni chỉ trích là kỳ thị và thiếu công bằng đối với họ. Hầu hết bản hiến pháp được thảo ra bởi phe đa số Shia và phe sắc tộc người Kurd, tức là những thành phần đã phải chịu thống khổ trong nhiều thập niên dưới quyền cai trị của nhà cựu độc tài Saddam Hussein thuộc phe Hồi giáo Sunni.

Bản hiệp ước tạm đạt được chiều tối hôm thứ ba hứa rằng quốc hội kế tiếp của Iraq, hình thành sau các cuộc bầu cử vào tháng 12 sắp tới, sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để cứu xét các khoản tu chính hiến pháp.

Người Hồi giáo Sunni rất nóng lòng muốn thay đổi 3 điều khoản quan yếu liên hệ tới thể chế liên bang, bản sắc quốc gia của Iraq và qui chế của những cựu đảng viên đảng Ba’ath của Saddam Hussein trước đây.

Thể chế liên bang là vấn đề tranh cãi nhiều nhất vì phe Hồi giáo Sunni lo sợ rằng nếu giữ nguyên bản sơ thảo hiến pháp này thì sẽ cho phép người Hồi giáo Shia và người Kurd thành lập những tiểu quốc đầy giàu hỏa ở miền bắc và miền nam, khiến cho người Hồi giáo Sunni ở trung bộ Iraq trở thành một thành phần nghèo khó và yếu kém về mặt chính trị.

Trên nguyên tắc, thỏa hiệp này sẽ cho người Hồi giáo Sunni khả năng đưa đề nghị những thay đổi mà họ muốn. Những tu chính đó, nếu có, sẽ cần phải được sự chấp thuận của 2/3 thành viên quốc hội và phải được đưa ra trưng cẩu dân ý một lần nữa.

Các thành viên của tổ chức chính trị lớn nhất của Hồi giáo Sunni, có tên là đảng Hồi Giáo Iraq, đã tham gia các cuộc thương thuyết sau hậu trường. Đảng này đã hoan nghênh sự dung hòa này và cho biết đã bắt đầu kêu gọi người Hồi giáo Sunni đi bỏ phiếu ủng hộ bản hiến pháp.

Nhưng chẳng có gì bảo đảm là phe Hồi giáo Sunni sẽ thực hiện được sự thay đổi như họ mong muốn. Các đảng Hồi giáo Sunni lớn khác không tham gia các cuộc thương thuyết nói rằng họ không tin giải pháp này đủ để họ ủng hộ bản hiến pháp.

Người Hồi giáo Sunni cần 2/3 cử tri bỏ phiếu chống ở 3 tỉnh thì bản hiến pháp mới bị bác. Và cho dù là người Hồi giáo Sunni chiếm đa số ở 4 trong số 18 tỉnh của Iraq, họ chỉ chiếm được một đa số áp đảo trong mỗi một tỉnh mà thôi.

Mặc dù cơ hội để người Hồi giáo Sunni bác được bản hiến pháp rất mong manh, Hoa Kỳ vẫn nóng lòng muốn người Hồi giáo Sunni tham gia tiến trình chính trị Iraq để giúp chấm dứt cuộc nổi dậy do người Hồi giáo Sunni cầm đầu.

Tổng thống Talabani đã ghi nhận công lao của đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, ông Zalmay Khalizad, trong nỗ lực đứng trung gian cho một thỏa thuận mà tất cả mọi phe phái có thể chấp nhận.

Tôi phải lên tiếng cảm tạ người bạn thân thiết của chúng ta, đại sứ Khalizad, đã theo đuổi một cách thân thiện và không mệt mỏi trong việc tìm cách cho thấy là Hoa Kỳ hậu thuẫn cho tất cả mọi người dân Iraq.

Những bản sao hiến pháp Iraq đang được phân phát cho dân chúng. Giới lãnh đạo người Hồi giáo Sunni ủng hộ cho giải pháp dung hòa phút chót cho hay họ sẽ nhờ cậy đến các phương tiện truyền hình, truyền thanh và báo chí để khởi sự thông báo cho người dân biết về thỏa thuận mới này.

Và mặc đã có được sự dung hòa và thỏa thuận này nhưng tình trạng bạo động trước ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vẫn tiếp diễn tại Iraq.

Cảnh sát cho hay hôm thứ tư, một tên đánh bom đã tự sát bằng cách ôm bom cho nổ giữa một đám đông những tân binh vừa được tuyển mộ, giết hại ít nhất 30 người và gây thương tích cho 35 người nữa tại một căn cứ quân sự ở Tal Afar, gần biên giới Syrie.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG