Đường dẫn truy cập

Một số hoạt động cứu trợ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cho các nạn nhân bão Katrina


Bão Katrina đã chấm dứt cách đây hơn nửa tháng, tuy nhiên hậu quả của thiên tai này vẫn còn kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc. Những dữ kiện liên quan đến số người chết và những thiệt hại vật chất do cơn bão này để lại vẫn còn là những tin tức hàng đầu trên báo chí và các đài truyền thanh truyền hình tại Hoa Kỳ. Sau đây là một số hoạt động cứu trợ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nhằm góp phần làm dịu bớt những khổ đau của các nạn nhân bão lụt, qua các chi tiết được ghi nhận từ báo chí và những người đang trực tiếp tham gia vào công cuộc cứu trợ tại địa phương.

Cùng chung số phận với những nạn nhân người bản xứ trong trận bão Katrina tại Hoa Kỳ, những người Việt sinh sống tại các Tiểu Bang dọc theo vùng duyên hải miền Nam nước Mỹ cũng đã gánh chịu những thiệt hại nặng nề trong thiên tai này. Để giúp đỡ những đồng hương tại các vùng bị bão hoành hành dữ dội như tại các thành phố Biloxi ở Mississippi và New Orleans ở Louisiana, các tổ chức, hội đoàn của người Việt tại nhiều Tiểu Bang ở Hoa Kỳ, nhất là những nơi có đông người Việt như California và Texas, đã tích cực tham gia vào công cuộc cứu trợ ngay trong thời gian đầu dưới nhiều hình thức.

Theo lời ông Đỗ Hoàng Nở một cư dân tại Houston, Texas, nơi có hàng chục ngàn người Việt từ các thành phố bị bão đến lánh nạn thì sự giúp đỡ giữa những người Việt trong thời gian sớm nhất đã giúp làm giảm bớt gánh nặng của chính quyền trong công cuộc cứu trợ chung:

Có một cái điều mà mình hãnh diện là người Việt Nam mình ở đây nai lưng ra cứu trợ những người Việt mình ở bên kia qua là đầu tiên nhất, cho nên những người Việt Nam mình không làm phiền chính quyền. Dân Việt Nam mình cắn răng mà chịu không có than thở gì hết, những người Việt Nam đã đưa vai vô mà gánh vác các chuyện đó một cách rất là đầy đủ cho nên chính quyền ở đây họ cũng khen tặng cái chuyện đó dử lắm.

Các hệ thống truyền thanh truyền hình của người Việt tại các Tiểu Bang California, Virginia, và Texas, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thông tin, liên lạc, và kêu gọi quyên góp cứu trợ các nạn nhân bão lụt.

Một trong những cơ sở truyền thông này là Hệ Thống Truyền Thanh và Truyền Hình Việt Nam Hải Ngoại trong vùng phụ cận thủ đô Washington. Ông Ngô Ngọc Hùng, Tổng Giám Đốc hệ thống này đã kể lại chuyến đi cứu trợ của nhóm ông như sau:

Chuyến đi của em gồm có em và anh Dương văn Hiệp đi máy bay từ Virginia xuống Tampa Bay. Lý do phải đi xuống Tampa là vì các phi trường lớn chung quanh vùng bi bão lụt thì một là mua vé rất khó khăn, 2 là có chỗ không còn có nữa thành ra phải xuống Tampa, rồi từ Tampa mình mới mướn xe tới Alabama nơi chúng tôi đã thăm khoảng trên 2 ngàn người Việt cũng như người Lao và người Miên sinh sống. Vùng đó gọi là Bayou La Patre. Vùng này cũng đã bị ảnh hưởng rất là nặng. Sau khi thăm ở đó xong, thì đêm thứ Năm, khoảng 9 giờ thì mới lái xe đến vùng Biloxi của Mississippi. Khi đến Mississippi khoảng một0 giờ đêm ngày thứ Năm và ở lại đó ngày thứ Sáu và làm việc nguyên ngày thứ Sáu. Đến tối thứ Sáu mới lái xe qua Baton Rouge ở Louisiana và làm việc ở đó một ngày rồi lại lái xe từ Baton Rouge trở lại Biloxi.

Cũng theo lời ông Hùng thì nhóm ông muốn thực hiện việc cứu trợ càng sớm càng tốt cho các nạn nhân trong khu vực này, nhất là việc đáp ứng các nhu cầu về thực phẩm của người Việt, và một một số nhà hảo tâm trong cộng đồng đã tiếp tay với ông trong việc làm này:

Trước khi đi, Đài Vietnam Hải Ngoại có gây một số quỹ để cứu trợ đồng thời một số thương gia ở vùng Virginia khi họ nghe Đài cử người đi họ đã đóng góp một số tiền , trên khoảng 12 ngàn Mỹ kim. Chúng tôi muốn xuống dưới đó để ủy lạo đầu tiên.Khi đến đó kể như cơn bão đã qua là 13 và có những nơi đã trên 14 ngày nhưng chúng tôi thấy rằng người Việt chúng ta rất là bị thiệt thòi vì tiếng nói người Việt rất là yếu trong cộng đồng thành ra các tổ chức thiện nguyện hoặc là cơ quan của chính phủ đã chưa tới giúp đỡ cho các nhóm này. Những người mà chúng tôi gặp là họ đã phải ăn lương thực khô của quân đội trong gần 2 tuần lễ và họ rất thèm cơm thành ra chúng tôi đã đem tiền xuống và đã mua gạo ở thành phố Mobile ở Alabama và đưa số tiền đó cho một mục sư ở Alanama và mua gạo xuống cho đồng bào và đây là số gạo đầu tiên mà họ nhận được sau 2 tuần bị bão hoành hành trong khu vực này

Louisiana và Mississippi là 2 Tiểu Bang ở miền Nam thường hay có bão, vì vậy người Việt ở đây mà phần đông là ngư phủ đã quen thuộc với bão tố, tuy nhiên họ không ngờ rằng Bão Katrina lần này khác hẳn với những cơn bão trước cho nên một số người vẫn ở lại mặc dù có lệnh di tản.

Đây là cơn bão thứ ba trong năm, và mỗi năm thì ở vùng đó có nhiều cơn bão khác nhau tới thành ra người Việt ở đây quá quen với vấn đề chạy lánh nạn bão rồi. Có những người ở những căn nhà mà họ nghĩ rằng trước đây họ không bị thiệt hại trong những cơn bão đã qua cho nên họ ở lại. Số người ở lại Biloxi là vào khoảng 10%. Còn 90% thì một là họ chạy đi xa, tức là đi tới những thành phố ở phía Bắc Alabama hoặc là đi về hướng đông của Mississippi là Panama city để tránh bão . Cũng có những người lên Atlanta, Georgia

Cũng theo lời ông Hùng thì có nhiều người ở lại vì những lý do khác nhau:

Trong số 10% ở lại là những người có những căn nhà chắc chắn , hoặc là những người không có xe tốt để mà đi ra khỏi thành phố thành ra họ bắt buộc phải ở lại hoặc là những người muốn ở lại để trông coi chùa hoặc nhà thờ. Còn một số khác thì họ bắt buộc phải xuống những chiếc ghe đánh cá của họ vì khi mà bão tới thì tất cả các ghe đánh cá đều bị bắt cuộc phải đi vào những con rạch ở phía Bắc của thành phố . Con rạch này nằm giữa thành phố Biloxi và thành phố Diverville. Tại rạch này có khoảng 100 ghe đánh tôm và mỗi ghe như vậy bắt buộc phải có một người coi ghe thành ra có khoảng 100 người ở chỗ tránh bão trong con rạch này.

Mặc dù các tổ chức tôn giáo đã đóng một vai trò chính trong công tác cứu trợ nhưng ông Hùng cũng đã chứng kiến các nỗ lực của tư nhân trong việc tiếp tay xoa dịu những khổ đau của các nạn nhân của bão Katrina.

Khi mà xuống đó rồi thì tôi thấy bên Phật Giáo cũng có người đến bắt đầu giúp đỡ, bên Công Giáo cũng có nhiều nhóm giúp đỡ bên Tin Lành có nhiều nhóm giúp đỡ, bên Phật Giáo Hòa Hảo, chẳng hạn Phật Giáo Hòa Hảo và công ty Lee Sandwitch ở California đã chở 4000 bao gạo và 2000 chai nước mắm. Ngoài ra còn có mì gói. Họ có tất cả 4 chiếc xe trucks rất là lớn đem tới Biloxi nhờ Chùa và Nhà Thờ phân phối. Về vấn đề đồ ăn rất là tốt đẹp.

Theo lời ông Hùng thì sự giúp đỡ các nạn nhân người Việt là điều rất cần thiết vì chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan thiện nguyện của Mỹ như Hồng Thập Tự đã không có đủ phương tiện để đến với tất cả mọi người nhất là cộng đồng người Việt nhỏ bé, không có tiếng nói mạnh như cộng đồng người bản xứ. Cũng theo lời ông Hùng thì các cơ sở tôn giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong công tác cứu trợ song song với các tổ chức cứu trợ khác của người Việt tại địa phương.

Hiện tại bên Công Giáo thì có Liên Đoàn Công Giáo đang tổ chức, bên Phật Giáo thì có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hải Ngoại đứng ra tổ chức. Riêng Đài Việt Nam Hải Ngoại thì quí vị có thể liên lạc qua số điện thoại 703 641 0600. Và cái tổ chức có nhiều văn phòng tại Washington và những nơi khác ở Hoa Kỳ là Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS. Họ cũng có văn phòng tại Houston để giúp đỡ các đồng hương . Họ có riêng một nhóm để thực sự lo về vấn đề này . Chúng tôi xin đề nghị đồng bào hãy liên lạc với văn phòng Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS qua số điện thoại 703 538 2190.

Thưa quí thính giả, trong bài nói chuyện với quốc dân tối hôm thứ Năm, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush có hứa sẽ cung cấp khoảng 200 tỉ đô la cho công tác tái thiết những nơi bị bão Katrina tàn phá dọc theo vùng duyên hải miền Nam Hoa Kỳ.

Tổng số người chết tại 5 Tiểu Bang trong khu vực này, tính đến hôm thứ Năm là 794 người, trong đó đứng đầu là Tiểu Bang Louisiana với 558 người. Trong số này, người ta vẫn chưa rõ có bao nhiêu người Việt.

Đối với một số nạn nhân người Việt trong trận bão Katrina thì đây là lần trắng tay thứ ba trong đời họ. Lần đầu tiên là cuộc di cư từ Bắc vào Nam trong năm 1954 sau khi Cộng Sản lên cầm quyền tại miền Bắc. Lần thứ hai là năm 1975 sau khi Saigon, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa lọt vào tay quân Bắc Việt ngày 30 tháng 4, và bây giờ tại Hoa Kỳ, họ phải bỏ nhà cửa từ New Orleans chạy đến thành phố Houston Texas để lánh nạn. Tuy lần di tản này không xa mấy nhưng tất cả vốn liếng, tài sản gầy dựng được trong mấy chục năm qua, nay đã tan như bọt nước, và bây giờ, với tuổi đời chồng chất, đã là quá trễ để họ có thể gầy dựng lại từ đầu.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG