Vào lúc Việt Nam đang chuyển đổi qua một nền kinh tế thị trường hiện đại, khu vực viễn thông của Việt Nam đang trở thành một chiến trường mới của các công ty điện thoại di động đi tìm các thị trường đang phát triển trong vùng châu Á Thái Bình Dương.
Theo như bài tường thuật của hãng thông tin tài chính Dow Jones, thị trường viễn thông trong nước được kiểm soát chặt chẽ với sự tham gia hạn chế của nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư dự đoán là tham vọng gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào cuối năm nay của Việt Nam sẽ mở đường cho các cải cách trong khu vực này.
Một chuyên gia tại công ty nghiên cứu Gartner là bà Eleana Liew nêu nhận xét là có tiềm năng phát triển tại Việt Nam và tiềm năng này lớn hơn nhiều thị trường đang phát triển nếu chính phủ khai phóng.
Theo các số liệu của Gartner, vào cuối năm 2004, cứ 100 người ở Việt Nam thì có khoảng 6 người sở hữu một máy điện thoại di động. Con số này thấp hơn nhiều so với các thị trường đã trưởng thành như Singapore, nơi tỷ lệ lên tới gần 100%.
Sự xâm nhập của điện thoại di động vào Việt Nam với dân số 80 triệu, theo dự kiến sẽ đạt được tỷ lệ 17% vào năm 2009, nhưng bà Liew cho rằng nếu chính phủ khai phóng, thì tỷ lệ này sẽ đạt được mức cao hơn nhiều.
ST Telemedia Ltd, một công ty thuộc sở hữu của công ty đầu tư quốc doanh Temasek Holdings, Ltd. của Singapore, đã có kế hoạch cho Việt Nam sau khi hụt thầu mua 47,7% cổ phần trong công ty Idea Cellular của Ấn Độ hồi đầu năm nay.
Một nữ phát ngôn viên của công ty này cho biết với khối dân lớn, tỷ lệ sở hữu phương tiện viễn thông còn thấp, và với sự cam kết của chính phủ trong việc phát triển công nghệ viễn thông, Việt Nam là một mục tiêu đầu tư hấp dẫn của ST Telemedia.
Nữ phát ngôn viên này nói rằng công ty trông đợi tham gia một cách đáng kể vào thị trường và góp phần vào việc phát triển công nghệ thông tin-liên lạc của Việt Nam.
Theo một nguồn tin trong nội bộ công nghệ này, công ty có thể thiết lập một văn phòng ở Việt Nam trong vòng hai tháng tới để nắm tư thế sẵn sàng cho cuộc khai phóng theo dự kiến.
ST Telemedia có 42% cổ phần trong công ty viễn thông lớn thứ nhì của Indonesia là PT Indonesian Satellite Corp, và 50% cổ phần trong công ty StarHub Ltd., là công ty điện thoại di động số 2 của Singapore dựa trên số khách hàng.