Đường dẫn truy cập

Karen Hughes, người phụ nữ trong chính trường Hoa Kỳ


Nguyên cố vấn Tòa Bạch Ốc Karen Hughes đang chuyển sự chú ý của bà từ vị thế của Tổng Thống Bush tại Hoa Kỳ qua hình ảnh nước Mỹ trên khắp thế giới. Bà Hughes sắp trở thành tân thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách việc quảng bá cho hình ảnh của nước Mỹ. Bà có kinh nghiệm về ngành ký giả truyền hình cũng như chính trị và đã bắt đầu vạch ra quan điểm về công tác được nhiều người coi là gay go và quan trọng nhất mà nước Mỹ đang phải ứng phó ngày nay. Câu chuyện phụ nữ kỳ này thuật lại bài viết của biên tập viên Nancy Beardsley về nhân vật mới trong chính trường Hoa Kỳ này.

Bà Karen Hughes đảm nhận trách nhiệm về ngoại giao công cộng của Hoa Kỳ vào lúc mối quan ngại ngày càng gia tăng về hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế. Cuộc chiến tranh Iraq và các chính sách khác của Hoa Kỳ tại Trung Đông đã khơi ra nhiều tranh luận cũng như những lời chỉ trích ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trong các cuộc điều trần để nhận chức vụ mới tại thủ đô Washington mới đây, bà Hughes nói về ý nghĩa thiết yếu của công tác sắp tới:

“Tôi tin rằng không có thách thức nào quan trọng cho tương lai của chúng ta hơn là nhu cầu cấp thiết phải nuôi dưỡng nhiều sự thông cảm hơn, nhiều sự tôn trọng hơn, và ý thức về quyền lợi và lý tưởng chung giữa người Mỹ với nhân dân thuộc các quốc gia, các nền văn hóa và các tín ngưỡng khác nhau.”

Bà Hughes đã phác họa một kế hoạch 4 phần để liên hệ với các nước khác – với điều bà gọi là sự hợp tác, trao đổi, giáo dục và ban quyền. Bà đề nghị vận động nhiều thành phần trong khu vực tư nhân – trong đó có các công nghệ âm nhạc, phim ảnh và du lịch – tham gia nỗ lực quảng bá cho sự hiểu biết nhiều hơn với đất nước, nhân dân và sự đóng góp của nước Mỹ.

“Tôi nóng lòng chia sẻ câu chuyện về lòng tốt, đạo đức và sự hào phóng của nhân dân Mỹ. Đất nước chúng ta, tuy không hoàn hảo, nhưng đã là một lực lượng to lớn thực hiện các công tác tốt, giải phóng hàng triệu người và đem lại niềm hy vọng và giúp đỡ cho vô số sinh mạng.”

Trong tập hồi ký gần đây, có tựa là Ten Minutes from Normal, bà Karen Hughes mô tả con đường đã dẫn bà tới công vụ. Sinh ra trong một gia đình quân đội Mỹ ở Paris năm 1956, bà đã di chuyển nhiều thưở thiếu thời, và đó là một kinh nghiệm mà bà cho là đã giúp bà trở nên cởi mở với mọi người và với những khái niệm mới. Bà cho biết bà đã trở thành một người ưa tranh đua gay gắt và tranh luận không mỏi mệt – đó là những kỹ năng bà vận dụng khi làm một ký giả truyền hình trẻ tuổi tại thành phố Dallas ở tiểu bang Texas. Cuối cùng bà rời ngành ký giả truyền hình để làm việc trong chính trường đảng cộng hòa, và phục vụ với tư cách giám đốc thông tin cho ông George W. Bush trong 2 nhiệm kỳ thống đốc tiểu bang Texas. Sau khi đắc cử ông Bush đắc cử tổng thống năm 2000, bà theo ông đến thủ đô và trở thành nhân vật quan trọng trong việc phác thảo và đưa ra các thông điệp về sách lược của Tòa Bạch Ốc. Báo Dallas Morning News gọi bà là người đàn bà nhiều quyền lực nhất từ trước đến nay phục vụ tại Tòa Bạch Ốc. Tổng Thống Bush tóm lược sự quan trọng của bà trong những lời lẽ sau đây.

“Quý vị biết đó, tiếp xúc là quyền lực tại Washington, và bà có nhiều cơ hội tiếp xúc hơn bất cứ ai.”

Nhưng phải trả một cái giá để có được quyền lực và ảnh hưởng. Bà Hughes viết trong tập hồi ký về sự đấu tranh để đạt được quân bình giữa sự nghiệp khó khăn và các nhu cầu của gia đình bà. Trong cuộc vận động tranh cử Tổng Thống đầu tiên của ông George Bush, bà đã phải cho đứa con trai còn nhỏ của bà nghỉ một học kỳ để đem theo cùng với bà trong cuộc vận động. Năm 2002, sau chưa đầy hai năm ở trung tâm quyền lực tại thủ đô, bà bất ngờ loan báo bà rời chức vụ để trở về nhà ở Austin, Texas. Bà kể với đài Tin Tức ABC khi đó về chuyến trở về Austin đã khiến bà nhận ra bà đã thiếu vắng những gì:

“Tôi hụt mất cơ hội được chứng kiến con cái của bạn bè tôi lớn lên, và con trai tôi hụt mất cơ hội được ở gần bạn bè và phụ huynh của chúng. Tôi thực sự muốn con tôi cảm nhận được gốc gác ở Texas. Chúng tôi có gia đình ở đó, và đó thực sự là quê hương của chúng tôi.”

Tuy nhiên, bà Karen Hughes cũng tỏ dấu cho thấy ý định giữ mối quan hệ mật thiết với Tòa Bạch Ốc. Tổng Thống Bush xác nhận điều đó.

“Bà Karen Hughes thay đổi địa chỉ, nhưng bà sẽ vẫn ở trong vòng thân cận của tôi.”

Nay, vào lúc con bà sắp vào đại học, bà Karen Hughes sẽ trở lại Washington. Bà sẽ đảm nhận một công tác mà bà thừa nhận là rất gay go.

“Các quan điểm không thay đổi một cách mau chóng hay dễ dàng. Đây là một cuộc đấu tranh quan điểm. Rõ ràng, trong thế giới sau biến cố 11 tháng 9, chúng ta phải thực hiện công tác tốt hơn trong việc tiếp xúc với thế giới hồi giáo. Như ủy ban 11 tháng 9 đã báo cáo, nếu Hoa Kỳ không có hành động quyết liệt để tự khẳng định, thì các phần tử quá khích sẽ vui mừng mà tiến hành công tác đó thay cho ta. Và các nỗ lực ngoại giao công cộng của ta còn phải liên hệ với thế giới rộng lớn hơn, từ châu Âu cho đến châu Mỹ Latinh.”

Chỉ riêng việc đạt được các mục tiêu đó cũng tiếp tục gây ra tranh luận. Trong một bài xã luận có tựa là “Hãy nghĩ lại đi, Karen Hughes,” ký giả Anne Applebaum của báo Washington Post gợi ý là nước Mỹ cần phải đoan chắc là phe trung dung thắng phe cực đoan trong điều mà bà gọi là cuộc đấu tranh trí tuệ và chủ thuyết để đoạt được linh hồn hồi giáo. Bà Applebaum kết thúc bài xã luận với lời kêu gọi bà Karen Hughes suy nghĩ ra ngoài khuôn khổ, đi tìm các phương cách tiến xa hơn là các chương trình giáo dục và trao đổi nhằm quảng bá đem lại lợi ích cho nước Mỹ ở các nơi khác trên thế giới.

Trong khi những cuộc tranh luận về ngoại giao công cộng của Hoa Kỳ có cơ tiếp tục, bà Karen Hughes đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác, trong khi bà tuyên truyền cho các lý tưởng Mỹ ở nước ngoài:

“Nếu tôi có cơ hội chỉ được nói một điều thôi với mọi người trên khắp thế giới, thì điều đó là, “Tôi sốt sắng lắng nghe. Tôi muốn biết nhiều hơn về quý vị và đời sống của quý vị, những gì quý vị sợ hãi, những gì quý vị mơ ước, những gì quý vị tin tưởng, những gì quý vị coi trọng nhất.”

Bà Karen Hughes dự tính đi rất nhiều nơi cho nhiệm vụ mới của bà. Trong tập hồi ký, bà nhắc lại rằng bà đã từng là một đứa trẻ tò mò đến nỗi một giáo viên có lần đã than phiền là bà đặt quá nhiều câu hỏi trong lớp học. Nay bà sẽ phối hợp tính tò mò đó với nhiệt tình trong thông tin liên lạc, vào lúc bà bắt đầu xây dựng những nhịp cầu giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG