Một số tổ chức thiện nguyện ở Ấn độ đang ra sức trợ giúp để cho những người trẻ nhiễm vi rút gây bệnh AIDS kết hôn với nhau. Các nhà quan sát tình hình Á châu cho rằng tuy sáng kiến này chưa được thực hiện ở một qui mô rộng lớn nhưng đây là một chương trình rất hữu ích và có tầm quan trọng khá cao tại quốc gia có số ca nhiễm HIV/AIDS cao vào hàng thứ nhì thế giới này. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề vừa kể trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Aùi phụ trách sau đây.
Trong bộ áo dài cổ truyền và với những bông hoa đỏ cài trên đầu, chị Usha đã tươi cười đứng cạnh người chồng mới cưới là anh Murthy để chia quà bánh cho những người quen tại một phòng mạch ở thành phố Chennai, miền nam Ấn độ. Hôn lễ của chị Usha và anh Murthy đã diễn ra trước đó vài ngày, và cuộc hôn nhân của họ vốn cũng giống như những người khác, không có gì đáng nói. Nhưng có điều đáng nói ở đây là cả cô dâu lẫn chú rể đều là người bị nhiễm vi rút HIV gây bệnh AIDS.
Chị Usha, năm nay 28 tuổi, đã bị nhiễm vi rút HIV từ người chồng cũ lúc chị chưa đầy 20 tuổi. Vài năm sau khi lấy nhau, người chồng chị qua đời và chị quay về ở với bố mẹ.
Còn anh Murthy, 30 tuổi, được bác sĩ báo cho biết là anh đã nhiễm phải vi rút HIV hồi mười năm về trước trong lúc anh đang sửa soạn để ra nước ngoài làm việc. Dĩ nhiên là anh Murthy đã vô cùng buồn bã và chán nản khi biết được tin này. Sau đó, thay vì xuất ngoại, anh tìm một việc làm ở thủ đô New Dehli và ra sức học hỏi những phương cách để chống chọi với bệnh tật.
Hồi đầu năm nay, khi anh Murthy muốn lấy vợ, các vị bác sĩ khuyên anh nên đi tìm một người phụ nữ cũng nhiễm vi rút HIV như anh. Và sau đó, nhờ sự giúp đỡ của những người làm việc tại một phòng mạch chuyên chữa trị cho những người bệnh AIDS ở Chennai, anh Murthy và chị Usha làm quen với nhau, rồi họ đã quyết định tiến tới hôn nhân.
Chị Usha cho phóng viên Anjana Parischa của đài chúng tôi biết là chị rất vui khi có được cơ hội để có một cuộc sống bình thường.
Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi thấy mình đang có một đời sống mới. Chúng tôi có thể sống một cuộc sống bình thường, như tất cả những người bình thường khác.
Cặp vợ chồng trẻ ở Ấn độ này là một phần của một nhóm người nhiễm HIV được các thiện nguyện viên khuyến khích đi tìm người phối ngẫu trong số những người có cùng hoàn cảnh. Phần lớn những nỗ lực nhằm giúp cho những người nhiễm HIV kết hôn với nhau đã được thực hiện một cách không chính thức. Nhưng cách đây hơn một năm, một đoàn thể ở tiểu bang Gurajat, miền tây Ấn độ, đã thành lập văn phòng môi giới hôn nhân đầu tiên ở quốc gia này dành cho những người nhiễm HIV. Người xướng xuất việc thiết lập văn phòng này là cô Dhasha Patel, 28 tuổi, nguyên quán ở thành phố Surat. Cô Patel và chồng đều bị nhiễm HIV, và cô cho biết chính cuộc sống hôn nhân đầy hạnh phúc của cô là nguyên do thúc đẩy cô lập ra văn phòng này.
Mỗi khi có người đàn ông nhiễm HIV đến ghi danh để xin giúp đỡ, các nhân viên văn phòng này sẽ điều tra xem người đó có việc làm và có đủ thu nhập để nuôi vợ hay không. Rồi sau đó họ mới thực hiện những bước kế tiếp để làm mai mối. Theo lời cô giám đốc Patel, công việc mai mối này vốn không dễ bởi vì số người đàn ông nhiều hơn số phụ nữ, và còn có một số người lại đòi hỏi quá nhiều như muốn tìm vợ vừa xinh đẹp vừa đảm đang lại vừa cùng một đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, cũng có những người khác ít kén chọn hơn và sẵn lòng kết bạn trăm năm với những góa phụ hoặc những người không cùng đẳng cấp.
Cô Patel cho biết văn phòng của cô đã giúp mai mối cho 7 cặp vợ chồng, và tất cả những người đó dường như đều sinh sống hoà thuận vui vẻ với nhau.
Trước khi lấy nhau, cuộc sống của họ rất cô đơn. Họ cảm thấy lẻ loi, trống trải vì không có ai để tâm sự. Dĩ nhiên, họ cũng có nhiều điều thầm kín cần được chia sẻ. Bây giờ họ sống với nhau rất hạnh phúc.
Theo các số liệu chính thức, Ấn độ hiện nay có hơn 5 triệu người nhiễm HIV, đông hàng thứ nhì thế giới sau Nam Phi. Những người hoạt động chống bệnh AIDS cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn nhiều. Các chuyên gia y tế cho hay nhiều người trong số các nạn nhân HIV/AIDS là những người trẻ tuổi và sự lây nhiễm đã vượt ra khỏi phạm vi của những nhóm có nguy cơ cao, như những người hành nghề mại dâm và tiêm chích ma túy, và lan ra mọi giới trong xã hội.
Bà Suniti Solomon là một trong những người tiên phong trong cuộc vận động phòng chống HIV/AIDS ở Ấn độ. Bà cho biết: vài năm trước đây, tương lai của phần lớn các bệnh nhân HIV rất là u ám, vì chi phí thuốc men để ngăn không cho xuất hiện những triệu chứng của bệnh AIDS lên tới 800 đô la mỗi tháng. Dĩ nhiên, chi phí này vượt khỏi khả năng đài thọ của tuyệt đại đa số người dân Ấn độ. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, giá thuốc đã giảm xuống rất nhiều, và điều này làm gia tăng hy vọng là những người nhiễm HIV có thể sống lâu hơn và có một cuộc sống không khác gì mấy so với người bình thường.
Lúc trước, có lẽ là chỉ có 2 phần trăm những người nhiễm HIV có đủ tiền để mua thuốc. Cũng cùng một thứ thuốc đó, lúc trước phải mất 800 đô la. Bây giờ chỉ còn 20 đô la. Khoảng 50 bệnh nhân ở phòng mạch của chúng tôi đang dùng thuốc để chữa trị. Họ có khả năng để mua, và sau khi dùng thuốc chừng 6 tháng, họ sẽ được khỏe mạnh như thường và có thể bắt đầu làm việc trở lại.
Tuy có tiến bộ rất đáng kể như thế, nhưng những thành kiến sai lầm và thái độ kỳ thị của xã hội đối với bệnh AIDS khiến cho nhiều người nhiễm HIV ở Ấn độ phải sống trong một cái vỏ bọc cô độc. Thường là họ không để cho người khác, ngoại trừ vài người thân trong gia đình, biết được về hoàn cảnh của mình. Bởi vì rất có thể là họ sẽ bị thân nhân xua đuổi, bị chủ nhân cho nghỉ việc, hoặc bị các bệnh viện từ chối không cho chạy chữa.
Tình trạng vừa kể khiến cho nhiều nhà tư vấn nghĩ rằng những người nhiễm HIV tương đối khỏe mạnh có phần chắc là sẽ có được nhiều thuận lợi hơn trong việc đương đầu với hoàn cảnh khi họ có được sự giúp đỡ từ người vợ hoặc người chồng, thay vì phải chống chỏi một cách đơn độc.
Bà Ramola James, một chuyên viên tư vấn về bệnh AIDS ở thành phố Chennai cho biết bà khuyến khích những người nhiễm HIV kết hôn với nhau vì việc này mang lại cho cả hai nạn nhân niềm hy vọng được chăm sóc và hỗ trợ trong một xã hội có hệ thống an sinh xã hội vô cùng yếu kém như Ấn độ.
Về lâu về dài, những người độc thân này cần có bạn đồng hành. Có thể là bây giờ thì cha mẹ của những người này chăm sóc cho họ, nhưng cha mẹ họ sẽ ở bên cạnh họ được bao lâu nữa?
Theo tường thuật hôm thứ tư vừa qua của hãng thông tấn Reuters, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa kỳ dự báo rằng số ca HIV/AIDS ở Aán độ có thể lên tới 20 triệu người vào năm 2010.
Hiện nay, số ca HIV/AIDS ở toàn vùng Á châu được ước tính vào khoảng 7 triệu 400 ngàn người và các chuyên gia e rằng sự lây lan ở các nước lớn, như Trung quốc, Ấn độ, và Nga, có thể khiến Á châu là nơi xuất hiện ‘đợt sóng kế tiếp’ của đại dịch nguy hiểm này.
Các chuyên gia của Ngân hàng phát triển Á châu cho rằng thiệt hại kinh tế của HIV/AIDS đối với khu vực Á châu Thái bình dương đã lên tới 7 tỉ 300 triệu đô la vào năm 2001; và nếu không có biện pháp ngăn chận thích đáng, dịch AIDS có thể phá hoại toàn bộ những thành quả của những năm vừa qua trong lãnh vực xoá đói giảm nghèo.