Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Văn Canh về sự kiện Hoa Kỳ gởi chuyên viên quân sự đến huấn luyện cho quân đội Việt Nam


Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 30 năm, một thỏa hiệp quân sự đã được ký kết giữa Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld và Thủ Tướng Việt Nam, theo đó các chuyên viên quân sự Hoa Kỳ sẽ được gửi đến Việt Nam để làm công tác huấn luyện cho quân đội Việt Nam. Sự hợp tác quân sự giữa 2 nước cựu thù này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nền an ninh và ổn định tại các nước trong Vùng Đông Nam Á, nhất là trong khi Trung Quốc đang tìm cách bành trướng thế lực trên biển Đông?

Giáo sư Nguyễn Văn Canh thuộc Viện Nguyên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình, Đại Học Stanford ở miền Bắc Tiểu Bang California, đã đưa ra một số nhận định về sự kiện này như sau qua cuộc phỏng vấn do Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thực hiện:

VOA: Kính chào giáo sư Nguyễn Văn Canh, thưa giáo sư, từ trước đến nay sự liên hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đều nằm trong phạm vi có liên quan đến vần đề tù binh và quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam, bây giờ đôi bên lại bước sang lãnh vực huấn luyện, giáo sư có nghĩ rằng đây là bước đầu của một tiến trình hợp tác quân sự rộng rãi hơn giữa 2 nước.

Tôi nghĩ rằng đây là bước đầu tiên của một tiến trình mà tôi nghĩ là còn phải chờ một thời gian lâu dài lắm thì mới đạt được ở cái mức mà nhiều người mong muốn.

VOA: Thưa giáo sư, theo giáo sư thì những huấn luyện nào mà Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Việt Nam trong giai đoạn này?

Hiện nay theo các nguyên tắc đã thỏa hiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ sẽ cung cấp việc huấn luyện có giới hạn về Anh Ngữ cho các sĩ quan trong quân đội của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ngoài ra Hoa Kỳ cũng cung cấp những huấn luyện những nhân viên của quân đội Việt Cộng trong lãnh vực quân y, lãnh vực y khoa và một số vấn đề về phương diện kỹ thuật . Họ mới chỉ loan báo như vậy thôi. Cũng theo loan báo giữa 2 bên thì sĩ quan quân đội Hoa Kỳ một ngày gần đây sẽ sang Việt Nam để thảo luận về chi tiết để thực hiện chương trình đó.

VOA: Thưa giáo sư, giáo sư có nghĩ rằng bên trong cái công việc huấn luyện đó nó còn có một ý nghĩa sâu xa nào khác trong mối hợp tác quân sự giữa 2 nước hay không?

Tôi không nghĩ là có ý nghĩa sâu xa khác vào lúc này đâu, vì ở bên trong Chính Trị Bộ ở Hà Nội cũng có những người bị ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa Lục Địa và nhất là những người thuộc giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đứng ở bên trong hậu trường hầu như nắm được ưu thế. Tôi lấy thí dụ như trong những năm vừa qua thì việc cắt một phần lãnh thổ miền Bắc cho Trung Hoa Lục Địa và đồng thời cung cấp cho Trung Hoa Lục Địa, qua cái hiệp ước năm 2000 đến mộtmột ngàn cây số vuông ở Vịnh Bắc Việt, và ngay đầu năm nay chúng ta thấy rằng tàu tuần cảnh của Trung Quốc đã bắn chết 9 ngư dân của Việt Nam tại Thanh Hóa mà đảng Cộng Sản vẫn lặng thinh không nói gì cả. Điều đó có nghĩa là những người thực sự nắm quyền lãnh đạo ở Việt Nam là những người nằm ở cái phe thân Trung Cộng mà trước kia tôi gọi là thừa sai của Trung Cộng. Điều đo có nghĩa là ảnh hưởng của Trung Cộng vẫn còn lớn và cái bước đi ngày nay của Thủ Tướng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải chấp nhận để có được cái hợp tác với Hoa Kỳ về phương diện quân sự dù rằng giới hạn đi chăng nửa cũng chứng tỏ rằng trong nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam đã có những phản ứng dữ dội đối với những người thân Trung Cộng, vì thế mới có những nhượng bộ như vậy.

VOA: Vốn là một đồng minh lâu đời với Trung Quốc về mặt ý thức hệ, tại sao Việt Nam lại không nhờ Trung Quốc huấn luyện mà lại nhờ Hoa Kỳ, và theo giáo sư thì trước sự kiện này Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Trung quốc thì cũng có khả năng giới hạn của Trung quốc mà thôi.Trung Quyốc hiện nay phải đối phó với nhiều vấn đề , nhất là kinh tế, một vấn đề hết sức là trầm trọng. Và một vấn đề nửa là ngân sách Quốc Phòng của Trung Quốc hiện đang gia tăng nhưng mà gia tăng là để bành trướng thế lực, bành trướng sức mạnh mà ưu tiên là để đối phó với những vấn đề tại Đông Nam Á như là vấn đề Đài Loan , vấn đề Nhật bản hơn là bỏ tài nguyên ra để mà hỗ trợ cho Cộng Sản Việt Nam. Còn cái việc mà Thủ Tướng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chấp nhận cái hợp tác quân sự với Hoa Kỳ thì chắc chắn là Trung Quốc không hài lòng . Để giải tỏa cái áp lực đó thì cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã loan báo rằng trong những ngày gần đây Chủ Tịch Nước là Trần Đức Lương sẽ sang Trung Cộng chắc chắn là để trình bày cũng như cắt nghĩa về cái hợp tác về phương diện quân sự với Hoa Kỳ, và hợp tác này là một hợp tác hết sức giới hạn, tuy nhiên trong trường kỳ thì lại là một vấn đề khác.

VOA: Và sự kiện quân đội Hoa Kỳ nới rộng ảnh hưởng về mặt quân sự như vậy có tác động như thế nào đối với các nước khác trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, nói chung, thưa giáo sư?

Hoa Kỳ tuyên bố rằng hỗ trợ cho Cộng Sản Việt Nam, một nước nằm trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, nghĩa là Việt Nam là một thành phần của nhóm quốc gia này, trong mục tiêu gọi là chống khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên đó chỉ là một vấn đề nói chung chung, còn nói vấn đề riêng thì chắc chắn là Hoa Kỳ có thâm ý riêng của Hoa Kỳ là làm sao có thể bành trướng cái thế lực, ảnh hưởng về mặt quân sự đối với Việt Nam, và ai cũng biết rằng Việt Nam ở vào một vị trí, địa thế có tính cách chiến lược và đóng một vai trò hết sức quan trọng ở biển Đông, và tất những hàng hóa những quyền lợi về kinh tế thương mại của Tây Âu cũng như của Hoa Kỳ đều đi qua eo biển Malaca vào biển Đông để tiến tới Nhật bản, Đại Hàn cũng như ở Đài Loan, và số tiền đó lên đến hàng ngàn tỉ mỹ kim. Những quyền lợi đó là những quyền lợi lớn cho nên trong trường kỳ là phải làm sao có được một cái địa bàn thật là vững mạnh để từ đó chế ngự cái ảnh hưởng của Trung Cộng. Tôi nghĩ rằng trong trường kỳ họ sẽ đạt được mục tiêu đó còn trong đoản kỳ nghĩa là trong một số năm gần đây thì cũng chưa chắc đạt được một cái gì xa hơn.

VOA: Thưa giáo sư, ý kiến vừa rồi của Giáo sư khiến tôi nhớ lại là có người cho rằng sự hợp tác về mặt quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là nhằm mục đích ngăn chận bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đang càng ngày càng bành trướng, nhất là về mặt quân sự, trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Quan điểm của giáo sư như thế nào về nhận định vừa nêu?

Vâng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định đó, nghĩa là trong trường kỳ và chiến lược thì nhận định như thế là đúng.

Ngay cả đến những người ở trong nước, họ cũng đã công khai viết bài và nói rằng Hoa Kỳ không có thâm ý hay mưu đồ chiếm đất thành ra cái hải cảng Cam Ranh mà để cho Hoa Kỳ đóng chốt tại đó là điều hết sức có lợi ngay cả cho Việt Nam cũng như cho nền và bình và sự ổn cố trong vùng biển Thái Bình Dương.

Điều này có nghĩa là cái vị thế chiến lược của Việt Nam hết sức quan trọng và nếu khôngcó được một cái căn cứ để theo dõi mọi hoạt động về sự bành trướng của Trung Cộng và nhất là về sau này khi mà Trung Cộng thành lập một Hạm Đội Biển Xanh xong thì đó là một nguy cơ hết sức lớn. Do đó tôi nghĩ rằng nhận định đó là một nhận định đúng trong trường kỳ.

VOA: Xin cám ơn giáo sư. Thưa quí thính giả vừa rồi là nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Canh của Viện Nghiên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình, Đại Học Standford, về công cuộc hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, qua một thỏa hiệp mới đây giữa Bộ Quốc Phòng Mỹ và Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG