Đường dẫn truy cập

Y học bổ túc


Thuốc bắc, châm cứu, và trị bệnh bằng cách xoa bóp là những phương pháp chữa bệnh mà cách đây không lâu vẫn bị giới y học chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ xem như những ngón nghề làm ăn của các tay lang băm. Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng có thêm nhiều trường y khoa ở Mỹ đưa các liệu pháp đó vào chương trình đào tạo, gọi chung là khoa y học bổ túc và thay thế. Xu thế này đang được một số giới đề cao, nhưng cũng bị một số người phê phán.

Hội nghị khai mạc vào một tối Thứ Tư mới đây tại hội trường của Trung tâm Y học thuộc Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Trên 100 y sĩ từ khắp mọi miền của nước Mỹ đã tề tựu về đây để tham dự hội nghị kéo dài 5 ngày này nhằm mục đích tu nghiệp. Một tham dự viên nêu câu hỏi:

“ Có ai có câu hỏi cụ thể nào về vấn đề bệnh nhận bị nhiễm vi-rút HIV muốn nêu lên trước khi chúng ta tổng kết tại điểm này không?”

Các tham dự viên đang thảo luận về việc liệu có nên cho bệnh nhân bị nhiễm HIV dùng Echinace phơi khô hay không. Hoa Echinace là một loại được thảo đặc sản của nước Mỹ mà nhiều người tin là có tác dụng kích thích hệ miễn nhiễm của con người. Một tham dự viên khác cho biết:

“Chúng tôi đang tiến hành hai cuộc thử nghiệm lâm sàng với bệnh nhân bị nhiễm HIV. Một người được điều trị bằng Echinace, còn người kia thì được điều trị bằng một loại tác nhân chống vi-rút--nghĩa là bệnh nhân này đang dùng thuốc tây. Thực tế cho thấy bệnh nhân dùng Echinace có tình trạng sức khỏe khả quan hơn.”

Trong vòng 10 năm qua, Đại học Columbia đã đứng ra đăng cai hội nghị thường niên về đông y trong ứng dụng lâm sàng hiện đại này. Hội nghị được tổ chức bởi Trung tâm Y học Bổ túc và Thay thế Richard và Hinda Rosenthal. Được thành lập năm 1993, trung tâm là một trong số những cơ sở đầu tiên thuộc loại này hoạt động tại một cơ sở đào tạo y khoa lớn của nước Mỹ. Bác sĩ Fredi Kronenberg, giám đốc của trung tâm Richard và Hinda Rosenthal, cho biết như sau:

“Khoa trưởng của trung tâm tại Đại học Columbia lúc đó là một chuyên gia về tâm thần học. Ông đã thấy môn tâm thần học từ chỗ một môn ngoại khóa, không được xem là một ngành y học thực sự, trở thành một học được chấp nhận. Ông cảm thấy rằng ngành y học bổ túc hiện nay cũng đang tiến theo hướng tương tự. Và ông thực sự tin rằng những ngành như thế cần được nghiên cứu-và cần được nghiên cứu tại một nơi như Đại học Columbia.

Ngày nay, 95 trường y khoa ở Hoa Kỳ, trong tổng số 125 đại học y khoa, có chương trình giảng dạy môn y học bổ túc. Trong hầu hết các trường hợp, những thông tin này được đưa vào các lớp học tập trung nhiều hơn vào những phương pháp được sử dụng rộng rãi ở phương tây, nhưng Bác sĩ Fredi Kronenberg, giám đốc Trung tâm Y học Bổ túc và Thay thế Richard và Hinda Rosenthal, nói rằng điều quan trọng là các bác sĩ cũng phải làm quen với những phương pháp trị bệnh và bảo vệ sức khỏe phi tây phương.

“Hầu hết người tiêu dùng đang sử dụng các phương pháp này căn cứ vào kinh nghiệm riêng của họ, căn cứ vào những lời mách bảo, hoặc căn cứ vào kinh nghiệm của bè bạn. Nhiều người muốn hỏi bác sĩ của họ về những phương pháp đó, và muốn rằng các bác sĩ của họ ít ra cũng có kiến thức về những phương pháp như thế, để họ có thể biết là những phương pháp này có thật sự bổ túc cho những gì mà các bác sĩ của họ đang làm hay không, hoặc chúng có thể có phản ứng một cách tai hại với một loại thuốc mà họ đang dùng.”

Tính chất phổ biến của những liệu pháp như các loại dược thảo và xoa bóp đã tăng vọt trong mấy năm vừa qua. Một công trình nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ thực hiện trong năm 2002 cho thấy rằng có đến 2 phần 3 số người Mỹ trưởng thành đã có dùng một phương pháp điều trị thay thế nào đó. Quốc hội Hoa Kỳ đã cung cấp mội ngân khoản hàng năm trên 100 triệu đôla để nghiên cứu về tình chất an toàn và hiệu quả của những liệu pháp đó--từ phương pháp châm cứu cho đến phương pháp tâm linh. Nhưng theo những người chỉ trích như Bác sĩ Robert Baratz, chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chống Lừa đảo Y tế, thì đó chí là một việc làm uổng phí tiền bạc.

“Dùng tiền của người đóng thuế như thế để làm gì vậy? Đại loại như để tìm hiểu xem hiệu quả của việc cầu nguyện từ xa, để xem lời cầu nguyện của một người tại một thành phố có ảnh hưởng đến bệnh tình của một người ở một thành phố khác hay không. Không hề có cái gọi là y học bổ túc và thay thế. Thực chất đó là một từ ngữ tiếp thị được đặt ra bởi những người muốn quảng cáo cho thứ mà trước đây vẫn thường được gọi là thuốc của phường sơn đông mãi võ.

Bác sĩ Baratz nêu lên trường hợp của Mega Wilson, một thiếu nữ 16 tuổi mới qua đời sau một cơn suyễn trong lúc được một người gọi là một y sĩ điều trị theo phương pháp tự nhiên. Tự nhiên trị liệu dùng dược thảo thay vì các loại thuốc do bác sĩ cho toa giống như những thứ thuốc có thể đã cứu sống được em Wilson.

Bác sĩ Fredi Kronenberg thuộc Đại học Columbia thừa nhận rằng đã có nhiều sai lầm--và ngay cả những hành động lừa bịp-, trong lĩnh vực y học thay thế. Nhưng bà nói rằng đó là lý do vì sao các trường y khoa phải nghiên cứu các phương pháp thay thế và vận động cho việc ấn định những tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Bác sĩ Kronenberg bác bỏ lập luận cho rằng những cơ sở như trung tâm Richard và Hinda Rosenthal của bà cổ xúy cho sự lừa đảo trong lĩnh vực y tế, hay cho điều mà Bác sĩ Robert Baratz gọi là thuốc của phường sơn đông mãi võ. Sau đây vẫn là lời của Bác sĩ Kronenberg:

“Nếu chúng tôi quảng cáo cho một thứ gì ở tại đại học Columbia này, thì đó là chúng tôi đang cổ xúy cho sự đánh giá chặt chẽ về tính cách khoa học của các phương pháp điều trị bổ túc khác nhau. Chúng tôi đang thúc đẩy và ủng hộ việc chính phủ kiểm soát hữu hiệu hơn các loại dược thảo, để chúng có chất lượng tốt hơn. Như thế để chúng ta có thể loại trừ khả năng những dược thảo này không mang lại kết quả vì chúng không có chất lượng tốt, thay vì khả năng chúng không hữu hiệu đơn giản chỉ vì chúng không hiệu quả.

Bác sĩ Kronenberg cũng nói thêm rằng chính phủ không thể kiểm soát công nghiệp y học thay thế một cách thích đáng, nếu không có những công trình nghiên cứu thích hợp.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG