Đường dẫn truy cập

Nạn buôn người và các em bé và trẻ vị thành niên


Người đứng đầu cơ quan bài trừ tệ nạn buôn người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng có đến phân nửa số người bị bán ra trên thế giới để hành nghề mại dâm và làm việc nhà như nô lệ, là các em bé và trẻ vị thành niên. Cũng theo lời Đại Sứ John Miller thì mục đích của bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vấn đề này không phải là để trừng phạt những nước có tệ nạn buôn người nhưng là để hối thúc họ phải hành động. Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ David Gollust từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có bài tường trình chi tiết sau đây:

Phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vấn đề buôn người là nhằm mục đích đánh giá các nước trên thế giới, căn cứ trên các nỗ lực mà họ đã thực hiện để bài trừ nạn buôn người. Việc thực hiện các phúc trình này đã được chấp thuận lần đầu tiên bằng một Đạo Luật của Quốc Hội trong năm 2000.

Những nước nào bị sắp hạng thấp nhất, tức là hạng 3, hay là Các Quốc Gia Loại Ba, sẽ có thể bị áp dụng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ trong tương lai, kể cả việc bị cắt đứt các khoản viện trợ không thuộc về nhân đạo.

Tuy nhiên điều khoản trừng phạt này đã được áp dụng rất ít kể từ khi có báo cáo hàng năm đầu tiên vào năm 2001.

Theo lời Đại Sứ John Miller, Giám Đốc Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thì ông hy vọng rằng các nước được gọi là Quốc Gia Loại Ba sẽ xem sự sắp hạng đó như là 1 lời nhắc nhở của Hoa Kỳ để họ có biện pháp sửa đổi.

Trong buổi nói chuyện với Đài VOA trong khi chuẩn bị công bố bản phúc trình năm 2005, ông Miller nói rằng có rất nhiều trường hợp, mà dễ nhận thấy nhất là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đồng minh NATO, thì chính phủ của các nước này đã đáp ứng với những chỉ trích của Hoa Kỳ:

Họ không nhất thiết phải đồng ý với những gì được ghi trong bản phúc trình, tuy nhiên 3 tháng sau khi bản phúc trình được công bố, chúng tôi tin rằng họ đã thực hiện được một số nỗ lực rất quan trọng như gia tăng những vụ bắt giữ và truy tố, gia tăng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, chỉ dẫn cho các nạn nhân đến những nơi đe nhận được sự giúp đỡ, gia tăng các hoạt động giáo dục để cảnh giác những người có thể là nạn nhân. Và nhờ vậy các nước vừa kể đã không còn nằm trong danh sách loại 3. Đó là điều mà chúng tôi hy vọng. Mục đích của chúng tôi không phải là muốn đặt các nước vào danh sách loại 3, cũng như không phải để áp dụng các biện pháp trừng phạt mà là nhằm đạt được tiến bộ trong việc giải thoát các nạn nhân và đưa những tay buôn người vào tù.

Ông Miller đã gọi việc buôn người trong thời đại tân tiến, trong đó có nô lệ tình dục, bị cưỡng bách làm những công việc nặng nhọc trong nhà, trong hãng xưởng và trong nông trại, là một trong những vấn đề lớn về nhân quyền của thế kỷ 21.

Đặc sứ Miller, một người từng là dân biểu đại diện Tiểu Bang Washington trong 4 nhiệm kỳ tại Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ, nói rằng khó mà có được những thống kê chính xác về số nạn nhân của những vụ buôn người vì bản chất của việc buôn người là tội hình sự nên các vụ buôn người chỉ được thực hiện torng bóng tối.

Tuy nhiên ông cũng cho hay theo ước tính mới đây nhất của Hoa Kỳ thì có khoảng từ 600 ngàn cho đến 800 ngàn người đã bị buôn bán qua các biên giới quốc tế mỗi năm, và số người bị mua bán trong nội địa có thể lên đến hơn 1 triệu người. Và cũng theo lời giới chức này thì phân nửa số nạn nhân này là các em bé và trẻ vị thành niên. Ông nói như sau:

Đây là một sự kiện đáng buồn. Khi ta nhìn vào nô lệ tình dục, một hoạt động có liên hệ chặt chẽ với mãi dâm , thì ta thấy rằng nhiều người hành nghề mãi dâm trên thế giới là thành phần dưới 18 tuổi. Nếu ta nhìn vào những kẻ tôi tớ làm việc trong nhà như nô lệ thì thấy nhiều em là những người đã rời bỏ nhà cửa đi tìm công ăn việc làm với hy vọng sẽ có được một việc làm tử tế trong gia đình của một người nào đó. Vì vậy trẻ em là thành phần đáng chú ý nhất trong vấn đề này. Các em là thành phần chiếm đa số trong các nạn nhân của các hoạt động buôn người.

Ông Miller nói rằng theo các con số đáng tin cậy thì tại châu Á số trẻ em bị buôn bán có thể là nhiều hơn so với các khu vực khác trên thế giới, và ông đã nêu lên những tệ nạn về ngành du lịch tình dục tại nhiều nước ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên ông cũng nói rằng điều đáng tiếc là tình trạng trẻ em làm việc như nô lệ vẫn còn xảy ra rất nhiều tại châu Âu và mọi nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, nơi mà Bộ Ngoại Giao nói rằng trong năm ngoái đã có hơn 14 ngàn người từ nước ngoài bị chuyển lậu vào nước Mỹ.

Theo lời ông Miller thì trong những vấn đề vừa kể có một số là những tệ nạn đã có từ lâu đời, chẳng hạn như việc mua trẻ em từ Nam Á để bán cho các nước trong vùng Vịnh để trở thành những tay đua lạc đà, trong đó có một số trẻ em đã gần như bị bỏ đói để giữ cho nhẹ cân, và nhiều em đã bị thương nặng vì tai nạn trong những cuộc đua.

Ông Miller hy vọng rằng các nước nguyên thủy có trẻ em làm nài đua lạc đà như Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ, cũng như các nước mua các em về làm nài đua lạc đà như Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Qatar và Kuwait, sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm nhặt trong những năm tới đây để chấm dứt tình trạng này.

Theo lời ông Miller thì ông nghĩ rằng hầu hết các nước đã cố gắng đáp ứng những lời chỉ trích trong bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tuy nhiên một số chính phủ, hoặc những nước có rất ít liên hệ hoặc không có quan hệ chính thức nào với Hoa Kỳ, đã từ chối hợp tác, chẳng hạn như Cuba, nơi mà ông nói rằng trẻ em đã bị buôn bán để hành nghề mãi dâm:

Vấn nạn lớn tại Cuba là kỹ nghệ du lịch tình dục tại nước này đã có sự nhúng tay và hỗ trợ của chính quyền, với việc sử dụng rất nhiều trẻ em. Và không phải chỉ có luật lệ tại Hoa Kỳ mà theo luật lệ của quốc tế thì khi nào có trẻ em trong các hoạt động mãi dâm tức là đã có tệ nạn buôn người. Vì vậy đây là một thách thức tại Cuba. Tôi hy vọng rằng chính phủ Cuba sẽ có biện pháp để đáp ứng với thách thức này.

Phúc trình về nạn buôn người trong năm 2004 của Hoa Kỳ có nêu tên 10 quốc gia, trong đó có những mục tiêu trừng phạt dài hạn của Hoa Kỳ là Cuba, Miến Điện và Bắc Triều Tiên vì đã không có những nỗ lực đầy đủ để diệt trừ nạn buôn người. Tuy nhiên, trong số 10 nước kể trên có 4 nước là Bangladesh, Ecuador, Guyana và Sierra Leone, sau đó đã được rút tên ra khỏi danh sách vì các nước này được công nhận là đã có biện pháp sửa chữa.

Hoa Kỳ đã cung cấp gần 300 triệu đô la để giúp đỡ các chương trình chống nạn buôn người trong hơn 120 quốc gia kể từ năm 2001.

Đại sứ Miller nói rằng mặc dù bản chất của nạn buôn người rất đáng sợ nhưng ông thấy có những dấu diệu tiến bộ trong gần 3 năm qua, kể từ khi ông điều hành văn phòng bài trừ nạn buôn người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Kết quả này phần lớn là vì tệ nạn buôn người đã được nhiều người biết đến qua phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG