Đường dẫn truy cập

Hội nghị hàng năm của Ngân hàng Phát triển Á Châu


Cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Á châu, tức ADB, đã khai mạc hôm thứ tư vừa qua tại Istanbul giữa lúc triển vọng kinh tế của khu vực này tiếp tục sáng sủa.

Tân chủ tịch ADB, ông Haruhiko Koruda cho biết nhờ vào sự phát triển tốt đẹp của các nền kinh tế mà trong 15 năm qua, hơn 200 triệu người ở vùng này đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, cũng theo lời ông Koruda, mọi người còn phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phát triển vì khoảng 700 triệu người ở vùng Á châu Thái bình dương vẫn có mức thu nhập chưa tới 1 mỹ kim một ngày. Một số chi tiết liên quan đến hội nghị này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị cùng nghe.

Hội nghị hàng năm của Ngân hàng Phát triển Á châu, tức ADB, đã khai mạc tại Istanbul hôm thứ tư vừa qua giữa lúc triển vọng kinh tế của khu vực này tiếp tục sáng sủa. Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều bày tỏ quyết tâm duy trì đà tăng trưởng đã đạt được trong mấy năm vừa qua.

Theo dự báo của các chuyên gia của ADB: kinh tế của các nước đang phát triển ở Á châu sẽ đạt được tỉ lệ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,6% trong năm tới sau khi đã tăng 7,3% trong năm 2004. Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda nói rằng: các nước đang phát triển ở Á châu đang ở vào giai đoạn chuyển mình và đã trở thành trọng tâm của tiến bộ kinh tế toàn cầu chứ không còn nằm ở ven rìa như trước nữa. Ông Kuroda nói thêm rằng phát triển kinh tế đã làm thay đổi khuôn mặt của Á châu, và trong 15 năm qua có tới 200 triệu người trong khu vực này đã thoát khỏi cảnh nghèo túng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế người Nhật này cũng cho biết: còn có rất nhiều việc cần phải làm.

Theo lời ông Kuroda, gần 700 triệu người ở vùng Á châu Thái bình dương hiện vẫn còn sinh sống trong cảnh cơ cực với mức thu nhập mỗi ngày chưa tới 1 đô la, và số người này chiếm tới 2/3 tổng số người nghèo trên thế giới.

Oâng Kuroda, người được bầu vào chức chủ tịch ADB hồi tháng 2 vừa qua, nói rằng: trong 40 năm qua ngân hàng này đã đầu tư 113 tỉ đô la trong khu vực, nhưng tầm mức của các chương trình cho vay đã bị trì trệ và những hoạt động của ngân hàng đôi lúc đã trở nên tản mác. Oâng cho biết tổ chức có trụ sở chính ở Manila này cần phải nâng cấp các chương trình hỗ trợ tài chánh và các khoản đầu tư cần phải tập trung vào những lãnh vực quan trọng như cung cấp nước sạch, chăm sóc sức khỏe, và cải thiện đời sống của phụ nữ. Cũng theo lời ông Kuroda, ngân hàng gồm 63 nước thành viên này cần đóng một vai trò lớn hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Á châu và tăng cường quan hệ hợp tác với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, tức Asean.

Oâng Kuroda ghi nhận rằng các vị bộ trưởng của khối Asean Cộng 3 - tức 10 nước Đông Nam Á cộng với Nhật bản, Nam Triều tiên và Trung quốc, đã đồng ý cải thiện và nới rộng mạng lưới trao đổi chỉ tệ song phương, hiện đang nằm ở mức 39 tỉ 500 triệu đô la. Trong phiên họp hôm thứ tư bên lề hội nghị Istanbul, các vị bộ trưởng tài chánh này đã đồng ý tăng gấp đôi khoản tiền dùng để giúp các nước liên hệ chống lại những vụ mua bán có tính chất đầu cơ của những công ty mua bán ngoại hối. Hồi đầu tuần này, Ngân hàng Phát triển Á châu cũng cho biết là họ sẽ thành lập một đơn vị theo dõi kinh tế để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu của các định chế tài chánh ngõ hầu các nước Á châu có thể nhanh chóng ứng phó khi có dấu hiệu khủng hoảng.

Trong cuộc họp báo sau khi hội nghị bế mạc hôm thứ 7, ông Kuroda đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nỗ lực hợp nhất các nền kinh tế trong khu vực.

Theo ông Kuroda, vùng Á châu Thái bình dương có những quốc gia khổng lồ nhưng cũng có nhiều nền kinh tế cỡ nhỏ và trung bình, và vì thế, hội nhập kinh tế chính là chìa khóa để các quốc gia này có thể tiếp tục tăng trưởng và cạnh tranh hữu hiệu trên thị trường toàn cầu.

Theo tường thuật của tờ Gulf Times ở Qatar, ông Kuroda vừa thành lập một bộ phận mới của ADB, có tên là Văn Phòng Hợp Nhất Kinh Tế Khu Vực. Văn phòng này được đặt dưới sự chỉ đạo của ông Masahiro Kawai, giáo sư kinh tế của Đại học Tokyo, và có nhiệm vụ chuyên biệt là giúp cho các nền kinh tế Á châu hợp tác với nhau hữu hiệu hơn. Kinh tế gia trưởng của ADB, ông Ifzal Ali cho biết: ngân hàng này có thể đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí vận tải và phân phối hàng hóa giữa các nước trong khu vực. Ông Kuroda đã nêu lên sự thành công của ADB trong việc hỗ trợ cho sự hình thành của kế hoạch hợp tác Tiểu Vùng Sông Mekong như một thí dụ của sự hợp nhất kinh tế mà ông đang cổ xúy. Tổng thư ký hiệp hội Asean, ông Ong Keng Yong cho biết: ông cảm thấy phấn khởi trước những tuyên bố của vị chủ tịch ngân hàng phát triển Á châu, và nhận xét rằng những kế hoạch trợ giúp mà ông Koruda đề xuất không phải là những chuyện viễn vông.

Trong khi đó, nhiều viên chức tài chánh cao cấp tại hội nghị Istanbul đã yêu cầu ADB hỗ trợ cho việc tập hợp các nguồn lực của Á châu để dùng vào những kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và lập quĩ cứu trợ thiên tai. Tường thuật hôm thứ 6 của hãng thông tấn Dow Jones trích lời đệ nhị bộ trưởng tài chánh Malaysia, ông Nor Mohamed Yakcop nói rằng các khoản tiết kiệm của Á châu đang được đầu tư quá nhiều ở bên ngoài khu vực và tình trạng này tạo ra mối rủi ro là vụ khủng hoảng tài chánh 1997 có thể tái diễn. Oâng Yakcob thúc giục ADB thông qua các chương trình cho vay để xử dụng một cách hữu hiệu hơn nguồn tài chánh của Á châu ngõ hầu các khoản tiết kiệm của Á châu được dùng vào những dự án của Á châu. Bộ trưởng tài chánh Nhật bản, ông Sadukazu Tanigaki cũng tán đồng ý kiến của ông Yakcop và nói rằng: những ngân quĩ và các khoản tiền tiết kiệm mà Á châu hiện có cần phải được xử dụng bên trong khu vực và cho khu vực, và các nước liên hệ phải đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ là sẽ nhất định không để cho vụ khủng hoảng tài chánh 1997 tái diễn.

Được biết, 3 nước ở Á châu là Trung quốc, Nhật bản và Nam Triều tiên hiện có các khoản dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, và một phần khá lớn trong các khoản tiền lên tới gần 2 ngàn tỉ đô la này được đầu tư ở thị trường tài chánh Hoa kỳ. Oâng Ifzal Ali, kinh tế gia trưởng của ADB, cho hãng thông tấn Reuters biết rằng: các quĩ dự trữ ngoại tệ ở Á châu đã vượt khỏi mức mà ông gọi là ‘tối ưu’, và các nước liên hệ cần phải tìm cách đưa những ngân khoản này trở lại khu vực Á châu thay vì đầu tư ở các thị trường ở Bắc Mỹ như hiện nay.

Khi được hỏi là điều gì có thể đe dọa tới sự tăng trưởng vững mạnh của kinh tế Á châu hiện nay, vị chủ tịch của ngân hàng phát triển Á châu nói rằng: thách thức lớn nhất hiện nay là giá dầu nằm ở mức cao. Theo lời ông Kuroda, nếu giá dầu tiếp tục ở mức cao trong vòng 1 hoặc 2 năm nữa thì chắc chắn là triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở Á châu sẽ bị ảnh hưởng. Oâng nói thêm rằng ngay cả Malaysia, một nước xuất khẩu dầu, cũng có thể bị tác động tiêu cực vì những ảnh hưởng vòng nhì của tình trạng kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, khi được hỏi về việc Nam Triều tiên bày tỏ hậu thuẫn cho việc thu nhận Bắc triều tiên làm hội viên ADB, ông Kuroda nói rằng việc thu nhận hội viên mới phải có sự đồng thuận của tất cả các hội viên mà trong giai đoạn hiện nay một sự đồng thuận như thế vẫn chưa đạt được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG