Đường dẫn truy cập

Từ trại tỵ nạn đến trung tâm không gian: Phỏng vấn kỹ sư Nguyễn Quang Trúc


Anh Nguyễn Quang Trúc, một cựu sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, rời Việt Nam vào ngày 30 tháng tư 30 năm trước đây, cùng gia đình tới tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Theo lời khuyên của người bảo trợ, anh theo học ngành điện toán. Sau 7 năm vừa đi học, vừa đi làm anh lần lượt tốt nghiệp kỹ sư điện toán và bằng cao học về điện và điện tử. Tính đến nay, anh đã làm việc cho Trung tâm Không gian Kennedy tại tiểu bang Florida được 24 năm. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện 30 tháng tư, để kiểm điểm lại một số thành quả tiêu biểu của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở nước ngoài, chúng tôi đã yêu cầu anh Nguyễn Quang Trúc trình bày đôi nét về công việc chuyên môn của anh, trong một cuộc phỏng vấn do Nguyễn Lê thực hiện. Xin mờ quý vị theo dõi.

VOA: Xin anh vui lòng cho biết công việc của anh hiện nay?

Tôi chuyên về hardware và software trong mấy chương trình hiện tại là phi thuyền con thoi. Phi thuyền con thoi có rất nhiều components, rất nhiều yếu tố trong đó mà mỗi thành phần cần rất nhiều software, tại vì mọi chuyện đều automation hết, tức là automatic hết. Tôi viết software để cho phi hành gia họ run tất cả những cái công việc từ phóng lên cho đến ngoại tầng không gian. Tôi làm việc hai mươi mấy năm nay chuyên về software cũng như chuyên về hardware. Chúng tôi phải test những black box trên phi thuyền.

Về hardware thì riêng tôi phải take care những cái drawings và những cái schematics, tức là những cái đồ hình về những box như vậy. Chẳng hạn như trong một cái box nó có bao nhiêu computer cards, những cái peripherals--tức là những cái chung quanh của microprocessors--thì mình phải biết những components đó làm việc như thế nào, lúc nào thì nó không làm việc, v.v.. Tôi phải troubleshooting, tức là check coi trước khi ráp vào trong phi thuyền nó còn work không, hay là nó đã bị trục trặc một chỗ nào đó. Tại là chuyện phi thuyền là flight hardware, cho nên không thể có một component nào bị hư hỏng hết.

VOA: Xin anh cho biết vì sao anh chọn làm việc trong ngành này?

Tôi chọn khoa học vì ngành này rất hợp với tôi, tại con người của tôi thích lý luận và tìm hiểu về vấn đề khoa học. Trong khi làm việc tại Trung tâm Không gian Kennedy thì tôi biết nhiều điều rất mới lạ mà trong nước chúng ta không thể biết được, cũng như ở ngoại quốc. Vì những thí nghiệm của trung tâm không gian này ứng dụng ngay vào đời sống hàng ngày. Như anh đã thấy là bao nhiêu ứng dụng mới lạ đã được phát minh ngoài không gian cũng như trong các phòng thí nghiệm không có trọng lực. Cho nên họ đã dùng các nhà kỹ thuật ở bên ngoài cũng như các phương tiện các companies ở trong này, họ dùng những khám phá của Trung tâm không gian Hoa Kỳ để chế tạo những dụng cụ rất là tiện lợi và hữu ích cho đời sống hàng ngày của mọi người.

VOA: Trong công tác chuẩn bị cho hoạt động của các phi thuyền con thoi Hoa Kỳ, ngoài anh ra, chắc còn có nhiều kỹ sư và chuyên viên người Mỹ gốc Việt khác tham gia?

Vâng, thưa anh, hiện tại trong trung tâm không gian chỗ tôi làm có khoảng mấy trăm kỹ sư Việt Nam. Lúc tôi xuống đây thì không có bao nhiêu, nhưng bây giờ thì các anh chị em Việt Nam của mình rất là đông. Họ chọn ngành khoa học rất là nhiều, và nhiều người rất là giỏi. Có bàn tay của rất nhiều người Việt Nam ở trong chương trình không gian, không phải chỉ ở tại Kennedy Space Center mà ở tất cả các trung tâm không gian của nước Mỹ này.

VOA: Trước tình hình thâm hụt ngân sách khá lớn hiện nay tại Hoa Kỳ, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có dư luận cho rằng tốt hơn nên dùng những khoản tiền lớn dành cho công tác thám hiểm không gian để giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống trước mắt của người dân Mỹ. Anh là một nhà khoa học không gian, chắc là anh không đồng ý với quan điểm đó?

Chương trình không gian là một chương trình rất là quan trọng từ hồi trước khi Tổng thống Kennedy lận. Cho nên nó đã trải qua hơn 50 năm rồi, mà theo như tôi thấy tại vì tôi làm việc hàng ngày với chương trình này cho nên tôi biết, tất cả những số tiền được sử dụng vào trong chương trình không gian nó đều rất là thích hợp và nó quan trọng lắm. Chẳng hạn như anh vừa thấy Trung tâm Không gian Hoa Kỳ đã đưa 2 robot lên Hỏa tinh. Người ta đã khám phá ra rất nhiều điều mới lạ, đặc biệt là có nước ở trên đó. Cho nên bây giờ nhất là Tổng thống Bush đã vừa mới đề cử một người, một vị giám đốc chương trình không gian mới. Tổng thống Bush muốn là trong vòng 5 năm nữa chúng ta phải thiết trí một phi thuyền mới để có thể lên mặt trăng vào khoảng 10 năm nữa. Từ mặt trăng dùng làm bàn đạp để đi đến Hỏa tinh trong vòng 20 năm. Đó là chương trình hiện tại của nước Mỹ, chương trình khoa học không gian Mỹ theo đuổi, và tôi biết chắc là nước Mỹ dồn tất cả nỗ lực vào trong việc đó, bởi vì họ nhìn thấy tầm mức quan trọng của chương trình không gian trong những thập niên sắp tới.

VOA: Ở vùng anh ở, có nhiều sinh viên Việt Nam không. Phần nhiều họ chọn những ngành học nào?

Đa số sinh viên Việt Nam chọn ngành khoa học rất nhiều. Ngoại trừ những ngành chuyên môn như bác sĩ, hoặc những ngành khác--như luật thì không đông lắm--nhưng ngành khoa học thì ở Florida này phần lớn--tới 90 phần trăm-- sinh viên Việt Nam đang theo học các trường đại học và họ cũng có nhiều người rất là xuất sắc.

VOA: Cụ thể tại trung tâm không gian nơi anh làm việc, hiện nay có bao nhiêu kỹ sư Việt Nam?

Ngay tại chỗ tôi làm việc đây có khoảng chừng 500 ,600 kỹ sư Việt Nam đang làm việc, hiện tại bây giờ.

VOA: Anh thấy Việt Nam có triển vọng phát triển một ngành khoa học không gian riêng không?

Tôi biết là hiện tại dường như ở Việt Nam chưa có chương trình khoa học không gian. Nhưng tôi được biết các sinh viên Việt Nam học ngành computer rất đông, vì ngành này còn tương đối dễ kiếm việc khi ra trường. Có lẽ ngành khoa học không gian thì còn ít được chú ý vì Việt Nam chúng ta còn thiếu phòng thí nghiệm cũng như là những cơ sở. So với các nước như nước Nhật hoặc là Trung quốc, hoặc là Ấn độ, hoặc Nam Hàn, thì có lẽ Việt Nam chúng ta không có gì mấy để nói về vấn đề không gian. Dĩ nhiên tôi hy vọng trong tương lai rất là gần thì những người có trách nhiệm về vấn đề giáo dục sẽ đặt tầm mức quan trọng hơn về vấn đề khoa học không gian ngang hàng với những ngành khoa học thực dụng khác.

Vì theo tôi biết có rất nhiều khám phá như tôi đã nói với anh từ trước, có rất nhiều khám phá về không gian đã mang lại rất nhiều tiện ích cho đời sống hàng ngày của nhân loại. Cái điều mong ước của tôi là Việt Nam không còn trong tình trạng chậm tiến như ngày xưa nữa và có cơ hội phát triển. Tôi hy vọng rằng những nhà giáo dục của Việt Nam đặt thêm vấn đề là ngoài đời sống hàng ngày, ngoài vấn đề kỹ thuật cho người cho người dân có mức sống tương đối khá giả lên một chút, thì chúng ta cũng đặt thêm vấn đề không gian nữa, tại vì cái đó là tương lai không phải của nước Việt Nam không mà là tương lai của toàn thế giới nữa.

VOA: Việt Nam đang mua các vệ tinh viễn thông của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của mình. Theo anh thì các kỹ sư Việt Nam có thể tự chế tạo được các vệ tinh viễn thông hay không?

Số chuyên viên về khoa học không gian của Việt Nam hiện tại ở Hoa Kỳ cũng như ở các nước Âu châu rất là đông, mà có nhiều người rất là tài giỏi, nắm những chức vụ quan trọng--tôi nói về ngành không gian ở Hoa Kỳ. Cho nên vấn đề chế tạo những vệ tinh như vậy không phải là chuyện khó, tại vì tất cả những chuyên viên của mình đã làm việc và đã design cũng như làm việc nhiều trong chương trình không gian này rồi. Chẳng hạn như ở dưới Cali thì có những hãng như là Boeing, họ chế tạo satellite--tức là vệ tinh--thì có rất là nhiều kỹ sư Việt Nam làm trong đó. Tôi biết chắc là có nhiều người viết software cũng như design hardware cho những cái vệ tinh đó. Nếu Việt Nam bây giờ có một cơ quan bao gồm tất cả những người đó, nếu chúng ta thiết lập được một chương trình, thì tôi nghĩ là chuyện làm một vệ tinh truyền thông như vậy là chuyện trong tầm tay chứ không có gì quá cao xa hết.

VOA: Xin cám ơn anh Nguyễn Quang Trúc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG