Đường dẫn truy cập

Sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam


Vào ngày 30 tháng tư năm 1975, 7 chiếc xe tăng đã tông qua cổng dinh Độc Lập ở thủ đô Việt Nam Cộng Hòa, kết thúc cuộc chiến Việt Nam. 30 năm sau, cuộc chiến vẫn còn là chủ đề của một số các cuộc tranh luận nóng bỏng. Trong Lá Thư Mỹ Quốc tuần này, mời quí vị theo dõi những nhận xét của Thông tín viên Gary Thomas của đài VOA về sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Những người lính trẻ Hoa Kỳ chưa ra chào đời vào cái ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc 30 năm trước giờ đây đang chiến đấu ở Iraq và Afghanistan. Thế nhưng cái bóng ma của cuộc chiến Việt Nam vẫn ám ảnh chiến trường Iraq và Afghanistan, cũng như là những cơ quan chức quyền tại thủ đô Washington.

Theo ông George Herring, tác giả cuốn sách “Viet Nam: America's Longest War”, Việt Nam: Cuộc Chiến Dài Nhất của Hoa Kỳ, nói rằng Việt Nam vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến những quyết định về chiến tranh, hòa bình và chính trị tại Hoa Kỳ.

Chiến tranh chưa kết thúc, hiểu theo nghĩa là nói chưa được giải quyết xong. Chúng ta chưa giải quyết thanh thỏa câu hỏi là: Liệu cuộc chiến Việt Nam có phải là cuộc chiến chính đáng hay không ? hoặc là: đáng lý ra thì bên phía chúng ta phải thắng, hay là nó đã thất bại chỉ vì sự ngu ngốc của giới lãnh đạo hoặc của phe đối lập trong nước ? Vấn đề vẫn chưa có câu trả lời, và sự kiện này đã được thấy rõ trong cuộc tranh cử tổng thống mùa thu năm ngoái.

Những con số hiển nhiên, lạnh lùng chỉ là một dấu chứng hời hợt của cái thảm kịch mà cuộc chiến Việt Nam đã để lại cũng như tình trạng rối loạn mà nó đã gây nên khi vấn đề cuộc chiến đã chia rẽ manh mún xã hội Hoa Kỳ: Ðó là 58000 binh sỹ Hoa Kỳ tử trận và một con số từ 1 đến 2 triệu người Việt Nam đã chết.

Khi nước Pháp tìm cách chiếm lại quyền kiểm soát của họ tại Đông Dương sau thế chiến thứ hai thì Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc chiến ủy nhiệm thời chiến tranh lạnh. Năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ quân sự cho người Pháp nhưng quân đội của lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh đã giáng cho người Pháp một đòn chí tử tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Sau đó thì tại hòa đàm Geneve, một đường ranh được coi là tạm thời, đã chia đôi Việt Nam thành miền bắc cộng sản và miền nam không cộng sản.

Mức độ can thiệp của Hoa Kỳ ngày càng sâu hơn nhưng cho đến đầu thập niên 1960 thì sự can dự của Hoa Kỳ vẫn chỉ là tối thiểu. Cho đến năm 1964 sau khi tổng thống của đảng Dân chủ Lyndon Johnson lên cầm quyền chỉ có chưa đầy150 người Mỹ chết trên chiến trường Việt Nam. Nhưng trong năm 1964, tổng thống Johnson đã đạt được sự ủng hộ của quốc hội để có thể can thiệp mạnh hơn tại Việt Nam. Ông đã bắt đầu cho oanh tạc miền bắc Việt Nam và đưa quân sang tác chiến.

Ký giả kiêm sử gia Stanley Karnow, tác giả cuốn “Viet Nam: A History”, đã nêu lên cho thấy tổng thống Lyndon Johnson đã rất nghi ngại ngay cả khi ông cho leo thang cuộc chiến.

Nhiều cuốn băng ghi âm thời ấy được công bố cho thấy ông bị dằn vặt rất nhiều, nhất là trong những cuộc chuyện trò với thượng nghị sỹ Richard Russell, ông đã thốt ra những câu hỏi như “Tôi đang làm gì đây ? làm thế nào để tôi rút ra khỏi cuộc chiến? làm sao tôi tránh được?” Nhưng mặt khác, ông lại không muốn là vị tổng thống đầu tiên bị thua trận, ông không muốn trở thành vị tổng thống bại trận trong cuộc chiến chống cộng sản.

Mức độ chống đối cuộc chiến từ trong nước cũng leo thang khi mà số thương vong của binh sỹ Mỹ gia tăng, gây chia rẽ sâu đậm trong xã hội Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ đã đánh giá quá thấp mức độ gan lì của đối phương.

Sự thất bại trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968 là một thảm họa quân sự cho cộng sản, nhưng về mặt công luận thì vụ tết Mậu Thân lại là một thiệt hại còn nặng nề hơn cho Hoa Kỳ, nó phá hỏng những lời tuyên bố của chính quyền tổng thống Johnson rằng cuộc chiến diễn tiến theo chiều hướng thuận lợi cho Hoa Kỳ. Những vụ biểu tình phản chiến đã lan rộng.

Năm 1968 tổng thống Johnson loan báo mở hòa đàm với Bắc Việt. Và trong lời tuyên bố gây kinh ngạc sững sờ, ông cho biết sẽ không ra tái tranh cử.

Tôi sẽ không tái tranh cử và tôi cũng không nhận sự đề cử của đảng ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Người kế nhiệm ông Johnson, tổng thống Richard Nixon,cũng thấy rằng tham chiến tại Việt Nam thật là gay go. Ông từ từ cho hạ giảm quân số Mỹ tại Việt Nam trong lúc huấn luyện và trang bị cho các lực lượng của quân đội miền Nam.

Ông Herring, một sử gia, nói rằng tổng thống Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger cho rằng họ có thể thành công ở nơi mà tổng thống Johnson đã thất bại.

Ngay cả tổng thống Nixon và cố vấn Kissinger, phải đương đầu với một tình thế rõ ràng là tệ hại hơn bất cứ ai khác phải thừa kế tại Việt Nam, bằng cách nào đó vẫn tự thuyết phục là họ có thể đạt tới dàn xếp mà họ mong muốn, có nghĩa là một Việt Nam độc lập, không cộng sản, nếu như họ làm khác những gì mà các chính quyền tiền nhiệm của họ đã làm, trong trường hợp này tức là họ sẽ làm khác với những gì mà chính phủ của tổng thống Johnson đã làm.

Nhưng cuộc tiến quân vào Campuchia của Hoa Kỳ nhằm cắt đứt các con đường tiếp tế của Bắc Việt đã khơi động các cuộc biểu tình lớn tại các khuôn viên đại học. 4 sinh viên đã bị Vệ Binh Quốc Gia bắn chết tại đại học Kent ở tiểu bang Ohio.

Năm 1973, Hoa Kỳ, Nam Việt, Bắc việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đạt tới một thỏa thuận chấm dứt sự can thiệp của Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon, lúc đó đang chịu áp lực tứ bề vì vụ Watergate khiến ông bắt buộc phải từ chức năm sau đó, đã hướng sự chú ý của ông sang chuyện khác thay vì Việt Nam.

Không được yểm trợ quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ, chính phủ miền nam Việt Nam sụp đổ năm 1975 vì áp lực quân sự nặng nề từ phía Bắc Việt.

Cuộc chiến Việt Nam vẫn còn ám ảnh chủ thuyết quân sự của Hoa Kỳ. Như lời ông Karnow thuật lại thì kể từ khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam cho đến khi diễn ra cuộc chiến vùng Vịnh lần đầu, những can thiệp quân sự của Hoa Kỳ chỉ ở qui mô nhỏ và rất ngắn hạn.

Khi chúng tôi ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam thì câu châm ngôn của chúng tôi là “không bao giờ tái diễn nữa”, chúng ta đừng can thiệp vào một vụ như thế nữa. Vì thế chúng ta chỉ lẹ làng can thiệp vào một số vụ như Grenada hay Panama, nhưng hết sức thận trọng. Một thí dụ là năm 1983 khi các trại thủy quân lục chiến bị đánh bom ở Beirut, tổng thống Reagan đã rút lực lượng này về. Nếu như chuyện này xảy ra trong thời chiến tranh Việt Nam thì đáng lẽ chúng ta đã củng cố thêm các doanh trại của thủy quân lục chiến thay vì rút lực lượng này về.

Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất khiến cho nhiều lãnh tụ quân sự và chính trị tuyên bố rằng thắng lợi nhanh chóng trong cuộc chiến này đánh dấu sự chấm dứt thái độ dè đặt, thận trọng của chính sách chính trị lẫn quân sự trong thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam. Tổng thống George H. W. Bush lúc đó đã phải thốt lên rằng “Hoa Kỳ đã trút bỏ được cái hội chứng Việt Nam”. Nhưng người ta hiện vẫn còn tranh luận rằng đó có phải là một xét đoán quá sớm hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG