Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn hai người con gái của một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam


Tuần trước, Câu Chuyện Phụ Nữ đã giới thiệu anh Jerry Beckett, một cựu chiến binh Mỹ đã phục vụ tại Việt Nam, và hai vợ chồng anh đã chia sẻ các kỷ niệm vui buồn nhân dịp sắp đến kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc cuộc chiến. Kỳ này, hai người con gái của anh bầy tỏ ý kiến về những điều các cô đã thừa hưởng từ cuộc hôn nhân của cha mẹ.

Cô Linh Mỹ sinh năm 1969 tại Đà Lạt, cô còn nhớ một vài chuyện rất rời rạc về thời thơ ấu, như chuyện đã ôm con chó bẹc-giê trốn dưới gậm giường, như chuyện mẹ cô đã gọi về lúc cô đang chơi ở ngoài sân sau nhà; như chuyện cô đã được đáp một chuyến máy bay trực thăng... Cô theo cha mẹ về Mỹ năm 1972, và đã lập gia đình vào tháng 7 năm 1990, và đã có 4 đứa con.

Hiện cô đang đi học lại để trở thành giáo viên phụ trách các lớp dành cho học sinh bị khuyết tật. Cô cũng tham gia nhiều tổ chức từ thiện, trong đó có 1 cô nhi viện tại Việt Nam. Cô phụ trách việc xin bảo trợ cho 20 em cô nhi tại Quảng Ngãi mỗi năm. Cô giải thích động cơ đã thúc đẩy cô làm công tác này:

"Cách đây một vài năm, tôi lên mạng Internet với ý định tìm cách làm một việc gì đó để giúp các trẻ em Việt Nam. Tôi định làm một điều gì để đền đáp lại sự may mắn mà tôi đã được hưởng vì tôi đã ra được nước ngoài trong khi nhiều em nhỏ đã bị kẹt lại hay bị mồ côi vì chiến tranh, dù các em có phải là con lai hay không. Vì vậy tôi quyết định nếu mình có làm việc thiện thì tại sao lại không làm cho trẻ em ở Việt Nam. Vì thế tôi đã lên mạng Internet, và đã tìm thấy tổ chức bất vụ lợi nhỏ này. Họ đi tìm những người bảo trợ cho các em ở các viện mồ côi...."

Cô Linh Mỹ cho biết đến nay cô đã tìm được người bảo trợ cho 3 em và đang cố gắng tìm người bảo trợ cho tất cả 20 em. Cô hy vọng sẽ có dịp trở về Việt Nam và gặp những em mà cô đã giúp.

Nhân nói đến tuổi thơ, cô có nhớ mình đã gặp phải khó khăn gì khi là một đứa trẻ mang hai giòng máu lớn lên tại Hoa Kỳ hay ở nước ngoài hay không?

"Tôi nhớ bị kỳ thị nhiều hồi còn là một đứa trẻ ở tiểu bang Georgia miền đông nam Hoa Kỳ. Miền nam nổi tiếng là không tử tế với những người lạ, nhất là người da đen, và tôi nhớ là đã phải chịu một vài thành kiến từ phía những đứa trẻ khác ở trường. Nhưng tôi đã tìm ra được một điều là cách duy nhất để được chấp nhận là mình phải giỏi hơn chúng. Vì thế tôi luôn cố gắng đứng đầu lớp. Nhưng đến khi tôi theo cha tôi sang Đức thì tôi theo học một trường quốc tế cùng với nhiều học sinh từ các nước khác thì tôi không còn bị kỳ thị nữa."

Các con của cô ngày nay có gặp phải những khó khăn như cô hồi bé không?

"Thưa không ạ. Tôi luôn luôn cố gắng nhắc nhở các con tôi phải biết ơn về những gì chúng đang được hưởng. Tôi cũng dậy cho chúng phải chấp nhận tất cả mọi người, tỏ lòng từ ái đối với người khác, không phán đoán người khác và đón nhận những bạn mới vào trường. Mặt khác, tôi cũng bảo các con tôi không nên bận tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, cứ cố hết sức mình thì sẽ đạt được thành công."

Nhưng các con của cô có nhận thức được nguồn gốc Việt Nam của mình hay không?

"Dạ đương nhiên là có chứ ạ. Tôi nấu rất nhiều món ăn Việt Nam cho các cháu. Tôi nấu phở, làm nem nướng, các cháu rất thích ăn chả lụa, bún, chả giò. Chúng biết rất rõ và hiểu các phóng tục như ngày Tết. Tôi cho các cháu phong bao đỏ đựng tiền mới, đưa các cháu đi dự nhiều đám cưới Việt Nam. Hiện tôi đang chỉ cho các cháu biết về liên hệ họ hàng trong đại gia đình Việt Nam, như chú bác cô dì, và mẹ tôi giúp tôi nhiều trong việc này."

Cô Linh Mỹ cho biết ý định đưa hai cháu lớn về Việt Nam để cho các con của cô biết nơi cô đã sinh ra. Chồng cô cũng rất thích các món ăn Việt Nam. Cô nói anh ấy rất quý trọng văn hóa Việt, anh nể phục những người Việt đến Mỹ, làm việc chăm chỉ, đến trường học hỏi, tận dụng các cơ hội để làm chủ các cơ sở kinh doanh, và thành công trong mọi lãnh vực nhờ tính cần cù nhẫn nại.

Người con gái thứ ba của ông bà Jerry và Chiêu Mỹ Beckett là cô Janine Albritton. Cô Janine sinh năm 1974 ở Colorado Springs, thuộc tiểu bang Colorado khi cha cô đóng ở Fort Carson. Cô rất thích hiện đi đây đi đó, vì vậy đã tình nguyện theo khóa huấn luyện quân sự tại trường, và sau này gia nhập quân đội. Hiện cô là đại úy đại đội trưởng, phụ trách công tác hành chính trong quân y viện ở tiểu bang Washington miền tây bắc Hoa Kỳ. Chồng cô cũng phục vụ trong quân đội và đang đi công tác tại Iraq trong một đơn vị tiếp liệu của bộ binh. Hai vợ chồng cô có một cặp song sinh một trai một gái 3 tuổi.

Cô Janine nhận định về nguồn gốc Việt của cô như sau:

"Ngay từ lúc tôi còn nhỏ, tôi đã hãnh diện về nguồn gốc Việt của mình khi nói chuyện với những người Việt khác trong cộng đồng của tôi. Mỗi khi đến một nơi chốn mới, vì tôi phải di chuyển đi nhiều nơi trên thế giới, tôi luôn đi tìm các hiệu ăn Việt Nam và tìm cách làm quen với những người Việt vì như thế tôi cảm thấy được gần mẹ tôi hơn."

Cô Janine cho biết ngoài thức ăn Việt, cô còn rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Khi còn nhỏ, cô thường hỏi mẹ cô về phong tục tập quán Việt, và khi lấy chồng, cô đòi cử hành hôn lễ theo nghi thức Việt Nam, mặc áo dài đội khăn đóng. Cô vẫn nói với mẹ cô là một ngày nào đó cô muốn được đi Việt Nam.

Cô có muốn các con mình ý thức được nguồn gốc Việt Nam hay không?

"Có chứ ạ. Đến mức trong nhà tôi vẫn sử dụng chút ngôn ngữ mẹ tôi đã truyền cho mà tôi còn nhớ được, để bảo các cháu làm những chuyện nhỏ nhặt như đi ăn, đi tắm. Ngay khi bắt đầu tập ăn những món của người lớn, các cháu thích đã các món ăn Việt Nam như phở, bún... Tôi vẫn nói với mẹ tôi là khi các cháu được 10 tuổi, tôi sẽ đưa các cháu về Việt Nam để chỉ cho các cháu thấy nơi mẹ tôi, bà ngoại các cháu đã sinh ra, và để cho các cháu biết hài lòng với những gì mình có, cũng như cha mẹ tôi đã dậy cho chúng tôi biết ơn về những điều mình được hưởng và đừng đòi hỏi nhiều hơn."

Chắc là cô không còn nhớ gì về cuộc chiến tranh Việt Nam nữa vì lúc cô lớn lên thì chiến tranh đã kết thúc. Nhưng là một thành viên trong quân đội cô có theo dõi các diễn biến ở phần đất đó trên thế giới hay không?

"Dạ có đấy ạ. Trong quân đội, chúng tôi có một tờ báo đăng các tin tức thế giới vì các diễn biến có liên quan đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và tôi nghe nói rất nhiều về Việt Nam, chẳng hạn như khi lệnh cấm vận được bãi bỏ dưới thời tổng thống Clinton... Ngay tại trại Fort Lewis này, chúng tôi có một đơn vị lực lượng đặc biệt với trọng điểm đặt vào Đông Nam Á. Chúng tôi biết rõ về những diễn biến đang xảy ra tại các nơi trên thế giới, nhất là với tình hình hiện nay tại Trung Đông... Tôi được cha mẹ tôi kêå cho nghe rất nhiều chuyện về Việt Nam lúc còn chiến tranh ở đó, và mỗi khi đọc sách báo, có điều gì thắc mắc, tôi lại nhờ cha mẹ tôi giải thích. Tôi không có ký ức nào cay đắng về Việt Nam, nhưng tôi nhớ đã cảm thấy rất buồn khi thấy tất cả các phụ nữ và trẻ em vô tội phải chịu những đau khổ."

Vậy theo cô, cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại hệ quả gì trong cuộc đời cô?

"Vì tôi ở trong quân đội, tôi hiểu rất rõ chiến tranh chắc chắn là một điều xấu xa. Ngay lúc này, chiến tranh lại ảnh hưởng đến tôi hơn bao giờ hết vì chồng tôi đang công tác tại Iraq. Tôi nghĩ điều tốt đẹp duy nhất mà cuộc chiến tranh tại Việt Nam đem lại là cha mẹ tôi đã gặp nhau."

Quý vị vừa nghe tâm sự của hai người con gái con của một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Cảm ơn quý vị đã theo dõi Câu Chuyện Phụ Nữ, và xin hẹn quý vị đến tuần sau.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG