Đường dẫn truy cập

Hàng vạn người tiếp tục xếp hàng chờ viếng linh cữu Ðức Giáo Hoàng


Hàng vạn người tiếp tục xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ trước đền thánh Phêrô ở nội thành Vatican để chờ đến lượt chiêm bái di thể cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị, được đặt trên một cái bệ cao, có 4 vệ binh ăn mặc đại lễ đứng gác xung quanh.

Tại thủ đô Vacxava của Balan, khoảng 200 ngàn đồng hương của cố giáo hoàng đã đổ về quảng trường Pilsudski để dự thánh lễ tưởng niệm, do vị chủ chiên của giáo hội Công giáo Ba Lan, là Hồng Y Jozef Glemp, làm chủ tế. Cũng chính tại quảng trường này, cố giáo hoàng đã cử hành thánh lễ vào năm 1979, khi Ngài trở về thăm quê hương lần đầu tiên trong tư cách giáo hoàng.

Người Công giáo trên khắp nước Mỹ cũng đua nhau đến các nhà thờ để ký sổ chia buồn. Đông đảo nhất, là thành phố Miami trong bang Florida, nơi có nhiều người Cuba lưu vong; họ xem cố Đức Giáo hoàng là người đã giúp quê hương họ đã bớt bị đàn áp tôn giáo, dưới chế độ độc tài của Fidel Castro.

Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ đã loan báo đầy đủ danh sách phái đoàn đại diện Hoa Kỳ đến dự tang lễ ngày thứ Sáu, gồm có Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, các cựu Tổng Thống Bill Clinton và George H.W. Bush, Bộ Trưởng Ngoại Giao Condoleezza Rice, và Đệ nhất phu nhân Laura Bush.

Tòa thánh Vatican loan báo rằng, đây là lần đầu tiên mà các giới chức giáo hội sẽ rung chuông cùng một lúc với việc cho bốc lên làn khói trắng báo hiệu việc bầu chọn một vị giáo hoàng mới.

Tổng Giám Mục Piero Marini, người đảm trách về nghi thức lễ mừng đã nói đùa rằng theo cách này thì ngay các nhà báo cũng sẽ biết chắc là một Tân Giáo Hoàng đã được chọn xong.

Các hồng y giáo chủ của giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã đã mở một cuộc họp gọi là mật nghị để chọn một giáo hoàng. Những lá phiếu của các vị này sẽ được đốt đi sau khi bầu xong, và khói trắng bốc ra ống khói Nhà Nguyện Sistine có nghĩa là họ đã đồng ý được về việc chọn một tân giáo hoàng, còn khói đen bốc ra có nghĩa là chưa thỏa thuận xong.

Nhưng năm 1978, làn khói bốc ra lại màu xám, chứ không phải màu đen khiến mọi người không hiểu là đã chọn xong một tân giáo hoàng hay chưa.

Các giới chức giờ đây đốt các lá phiếu với chất phụ gia để bảo đảm là màu khói không bị hiểu lầm. Các hồng y giáo chủ cũng sẽ có những khu thoải mái hơn trong tiến trình mật nghị so với trong quá khứ, và sẽ được phép đi dạo trong thành phố Vatican thay vì bị giới hạn trong khu vực chung quanh nhà nguyện Sistine là nơi các vị sẽ tham gia cuộc bầu chọn.

Cuộc mật nghị phải diễn ra trong khoảng thời gian từ 15 ngày tới 20 ngày sau khi một giáo hoàng qua đời.

Các hồng y giáo chủ phải dưới 80 tuổi để có thể tham gia tiến trình bầu chọn giáo hoàng mới vì vậy chỉ có 117 trong số 183 hồng y giáo chủ hiện nay được tham gia mật nghị. Tiến trình bầu chọn này phải được giữ bí mật và ai vi phạm giáo luật thì sẽ bị rút phép thông công.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG