Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn kinh tế gia Jeffrey Sachs về vấn đề Xóa đói giảm nghèo trên thế giới


Hiện nay, hơn 20 ngàn người trên toàn thế giới sẽ chết mỗi ngày chỉ vì quá nghèo. Kinh tế gia Jeffrey Sachs nói rằng mặc dù là con số này quả có ghê gớm thật, người ta vẫn có thể tận diệt được nạn nghèo khó ở mức độ bần cùng trong vòng 20 năm nữa. Và kinh tế gia nổi tiếng này đã phác họa một kế hoạch giảm nghèo trong cuốn sách mới xuất bản của ông với tựa đề thích hợp: “Chấm Dứt Nạn Nghèo Khó: Những Khả Thi Kinh Tế cho Thời Đại Chúng Ta.” Tuần này lá Thư Mỹ Quốc mời quí vị theo dõi bài phỏng vấn của TTV Barbara Klein với kinh tế gia lỗi lạc của Hoa Kỳ về cuốn sách này. Mời quí vị nghe Lan Phương trong những chi tiết sau đây:

Kinh tế gia Jeffrey Sachs là một người rất bận rộn. Ông dạy tại đại học Columbia và là một cố vấn đặc biệt cho ông Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan. Ông đi khắp thế giới để quảng bá cho mục đích cắt giảm nạn nghèo khó xuống một nửa vào thời hạn chót là 2015. Theo ông thì mục tiêu đó không những chỉ là điều có thể thành đạt được mà xóa sạch nạn nghèo khó quá đáng cũng là điều có thể làm được vào thời hạn năm 2025. Và theo ông đã có những tin vui trong mặt trận chống nạn nghèo khó:

Tỉ lệ dân số thế giới phải sống trong cảnh bần cùng, tức là mức độ nghèo khó tệ hại đến nỗi không thể thỏa mãn nổi những nhu cầu căn bản của đời sống, đã giảm xuống. Nhưng vẫn còn chừng 1 tỉ người trên hành tinh này còn bị mắc kẹt trong cảnh bần cùng đó. Giờ đây tuy tỉ lệ này đã hạ giảm nhưng con số này vẫn còn cao. Với khoa học và công nghệ, chúng ta có thể trông chờ rằng chúng ta sẽ có thể tận diệt được nạn nghèo khó vẫn còn đeo đẳng bấy lâu nay.

Chúng ta cần phải có những hành động như thế nào khi mà có không biết bao nhiêu yếu tố làm cho nạn nghèo khó gia tăng ?

Điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là: Hãy chẩn bệnh cho chính xác. Vợ tôi là một bác sỹ nhi khoa. Tôi học được từ bà. Đừng cứ đương nhiên coi là chỉ có một thứ bệnh và đừng đương nhiên tưởng là chỉ có một cách chữa trị. Hãy lắng nghe bệnh nhân, rồi phân tích. Và rồi sẽ hiểu những điều kiện đặc thù nào đó đã gây ra những triệu chứng đặc thù nào đó. Rồi quí vị sẽ bắt đầu nhận biết những khó khăn gì xảy ra tại Phi châu chẳng hạn. Nạn nghèo khó tại đây không chỉ thuần là điều mà chúng ta cứ ngỡ là do tham nhũng hay chiến tranh. Không chỉ có thế. Mà vấn đề ở đây là do bệnh tật, do những tai ương bất ngờ của khí hậu thường xảy đến, do vị trí địa dư cô lập. Và khi mà chùng ta đã chẩn đoán ra được những khó khăn đó thì chúng ta cũng có thể đưa ra những giải pháp thực tiễn. Khi nói đến bệnh tật như sốt rét thì ngay tức thời là chúng ta nghĩ ngay đến màn chống muỗi và những thuốc men hiệu nghiệm chữa trị bệnh sốt rét. Khi quí vị nói đến vấn đề canh tác cần phải lệ thuộc vào nước mưa và nạn hạn hán thì ngay tức thời quí vị phải nghĩ đến phương pháp dẫn thủy nhập điền nhỏ giọt và các phương pháp thu hứng nước mưa. Mỗi một vấn đề đều có một phương pháp giải quyết thực tiễn.

Thế còn đối với trường hợp chính phủ tham nhũng tẩu tán những ngân khoản viện trợ thì ông sẽ làm gì ?

Điều đầu tiên mà tôi phải nói là đừng viện trợ nhiều cho chính phủ đó. Tuy nhiên theo chỗ tôi quan sát thì nói chung cũng có những quốc gia được cai trị tương đối khá tốt, những nơi mà nếu chúng ta viện trợ giúp đỡ cho họ, chúng ta sẽ giúp đạt được những tiến bộ lớn. Và tôi có cảm nghĩ rằng bằng cách làm như vậy, bằng cách giúp cho Ghana, Senegal, Tanzania và Ethiopia, cho Malawi, Madagascar và Mozambique, thì viện trợ sẽ là một lực đẩy mạnh. Còn những nơi như Zimbabwe, hiện nay giới cầm quyền tại đó thật là kinh khủng thì chẳng nên đổ tiền vào đó, bởi vì quí vị chẳng biết tiền sẽ đi về đâu.

Xin ông tha thứ cho việc tôi đơn giản hóa vấn đề, nhưng theo như ông nói thì điều thứ nhất, dường như ông có ý cho rằng phải xét đến từng trường hợp một rồi tùy cơ ứng biến, và điều thứ nhì, tìm ra nơi nào mà viện trợ có thể giúp mang lại hiệu qua thì mới đổ tiền vào phải không ạ ?

Quả đúng như vậy. Chúng ta phải mở to mắt ra nhìn vào những điều kiện thực tế mà người dân tại các nước đó sinh sống. Nếu như các nông gia muốn canh tác những đất đai đã cằn cỗi thì giúp cho phân bón. Và đây là lời tôi khẩn thiết dặn dò: Đừng có thấy họ cần phân bón là tìm cách bán những mặt hàng đó cho họ. Chúng ta phải đưa tay giúp đỡ cho họ trước đã. Bằng cách giúp cho họ rồi thì chúng ta sẽ giúp họ nâng cao năng suất lên tới mức mà họ có khả năng để mua được những gì mà họ cần.

Thời gian có phải là một vấn đề cấp bách hay không ? Nói cách khác, đây có phải là điều phải làm ngay lập tức để đạt được kết quả?

Bà đã dánh trúng vào trung tâm điểm của vấn đề rồi đó. Mọi chuyện mà tôi đề nghị đang diễn ra, nhưng nó đang diễn ra ở một tầm mức quá nhỏ bé và quá chậm chạp. Tỉ như gửi độc một anh lính cứu hỏa dến chữa một đám cháy to khủng khiếp vậy. Vâng, những điều này đang được thi hành, nhưng nó không được thi hành ở tầm mức có thể thực sự chế ngự được đám cháy lớn ấy, cho dù đó là đám cháy của bệnh AIDS, đám cháy của bệnh sốt rét, hay là đám cháy của nạn đói kém triền miên.

Vừa rồi là giáo sư Jeffrey Sachs, giám đốc của Dự án Thiên Niên Kỷ của LHQ, dự án đang tìm cách thực thi các mục tiêu phát triển của LHQ, gồm cắt giảm nạn nghèo đói xuống một nửa trong vòng 10 năm tới. Cuốn sách mà ông mới xuất bản có tựa đề “Chấm Dứt Nạn Nghèo khó: Những Khả Thi Kinh Tế Trong Thời Đại Chúng Ta”, đã nhận được những lời phê bình cả khen cũng như chê. Cựu tổng thống Mêhico ông Ernesto Zedillo, đã đặt trọng tâm của chính phủ ông là xóa đói giảm nghèo, gọi đây là cuốn sách mà bất cứ ai quan tâm tới vấn đề phát triển đều phải đọc. Nhưng kinh tế gia William Easterly thuộc đại học New York thì lại coi kế hoạch diệt trừ nạn nghèo đói của tác giả Jeffrey Sachs chỉ là một lời kêu gọi các nước hãy viện trợ. Cho dù các quan điểm có như thế nào đi chăng nữa thì điều hiển nhiên là cuốn sách này đang làm dấy lên một cuộc tranh luận mới về phương cách nào tốt nhất để giải quyết được một thử thách toàn cầu vẫn cứ còn dai dẳng chưa kết thúc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG