Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Thế giới chấp thuận kế hoạch tài trợ dự án thủy điện Nam Theun 2 ở Lào


Hôm thứ Năm vừa qua, sau mười năm nghiên cứu và tranh luận, các giới chức Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận kế hoạch tài trợ cho dự án thủy điện Nam Theun 2 (Nam Thơn Hai) ở Lào. Theo dự liệu, sau khi hoàn tất vào năm 2009, nhà máy này sẽ bán 95% số điện cho Thái lan và mang lại một khoản ngoại tệ khoảng 2 tỉ đô la trong vòng 25 năm. Chính phủ Lào cũng đã cam kết là sẽ dùng số tiền đó để giúp dân chúng thoát khỏi cảnh nghèo túng. Tuy nhiên, nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh đã lên tiếng phản đối và nói rằng dự án này sẽ có những tác động tiêu cực về xã hội và môi trường. Mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho tuần báo Time, Thứ trưởng Bộ Công Nghiệp và Thủ Công Nghiệp Lào, ông Nam Viyaketh đã đề cập tới một ước mơ mà ông gọi là kế hoạch phát triển cho đất nước ông trong mấy mươi năm tới đây. Theo ông Viyaketh, trong vòng 30 năm nữa, nước Lào sẽ có khả năng sản xuất 12 ngàn megawatt điện mỗi năm và xuất khẩu điện sang các nước láng giềng đang thiếu hụt năng lượng như Thái lan và Trung quốc để mang lại cho ngân quĩ nhà nước hàng tỉ đô la. Viên thứ trưởng từng du học ở Liên Sô này nói thêm rằng: "Nước Lào có thể giống như Kuwait. Kuwait bơm dầu từ lòng đất, còn nước Lào sẽ bán điện làm ra từ nước trên trời rơi xuống."

Ước mơ của ông Viyaketh và nhiều viên chức chính phủ Lào đã tiến gần tới hiện thực hơn một chút hôm thứ 5 vừa qua, khi Ngân hàng Thế giới quyết định hỗ trợ và bảo đảm tín dụng cho dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nam Theun 2, có tổng kinh phí lên tới 1 tỉ 200 triệu đô la. Đây là dự án thủy điện qui mô lớn đầu tiên mà Ngân hàng Thế giới tài trợ trong vòng 10 năm qua.

Dự án ở cao nguyên Nakai, thuộc trung bộ nước Lào này sẽ ngăn nước của sông Nam Theun, chảy từ những rặng núi gần Việt Nam vào sông Mekong. Theo kế hoạch, sau khi được hoàn tất vào năm 2009, đập nước này sẽ làm ngập một vùng đất có diện tích 450 kilo mét vuông, tương đương với diện tích của Singapore. Khoảng 6 ngàn 200 người sinh sống trong vùng này sẽ phải di dời và sinh kế của khoảng 100 ngàn người ở cao nguyên Nakai sẽ bị ảnh hưởng. Nhà máy thủy điện Nam Thơn 2 sẽ sản xuất khoảng 1000 megawatt điện mỗi năm, và theo dự liệu, 95% sản lượng điện của nhà máy này sẽ được đem bán cho Thái lan, mang lại cho ngân quĩ nhà nước khoảng 80 triệu đô la mỗi năm, tương đương với 20% ngân sách hiện nay của chính phủ ở Vientiane.


Tường thuật của tuần báo Time, ấn bản Á châu, số ra ngày mồng 4 tháng tư, trích lời viên giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới ở Lào, ông Ian Porter, nói rằng: nếu nguồn thu từ nhà máy thủy điện Nam Thơn được xử dụng theo đúng phương cách mà chính phủ Vientiane cam kết với Ngân hàng Thế giới thì dự án này sẽ có những tác động rất tích cực đối với chương trình xóa đói giảm nghèo ở Lào, là quốc gia nghèo nhất trong các nước nghèo ở Á châu hiện nay.

Theo ước tính của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, sau khi bắt đầu hoạt động, nguồn thu từ nhà máy thủy điện này sẽ giúp cho khoản chi tiêu của chính phủ Lào trong lãnh vực y tế và giáo dục gia tăng từ 25 đến 30%. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Đài Tiếng Nói Hoa kỳ, phát ngôn viên của Ngân hàng Thế giới ở Singapore, ông Peter Stephens cũng cho biết rằng mục tiêu chính của ngân hàng này là giúp dân chúng Lào thoát khỏi cảnh nghèo túng.

Ông Stephens nói đại ý rằng chúng tôi chỉ muốn làm những gì mà chúng tôi có thể làm để giúp cho một số người trong số những người nghèo nhất ở Á châu có thêm thu nhập, ngõ hầu họ có thể có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, và đó chính là mục tiêu của dự án thủy điện Nam Theun 2.

Tuy không mấy ai tỏ ý nghi ngờ thiện chí của Ngân hàng Thế giới, là tổ chức tài chánh quốc tế đang cung cấp khoảng 20 tỉ đô la mỗi năm cho các kế hoạch phát triển trên toàn thế giới, nhưng dự án Nam Theun 2 ở Lào đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt của nhiều người, đặc biệt là các tổ chức bảo vệ môi sinh và những người chống đối chính quyền Cộng sản Lào. Theo những người chỉ trích, đập nước Nam Theun 2 sẽ phá hoại môi trường sống của hàng vạn người, đặc biệt là những người sinh sống trong vùng Xe Bang Fai, và gây tác hại nghiêm trọng cho các con sông trong vùng mà không ai có thể bảo đảm là nguồn thu từ chương trình bán điện sẽ được dùng để cải thiện đời sống của dân chúng. Một viên giám đốc của Mạng Lưới Sông Ngòi Quốc Tế (International Rivers Network), bà Aviva Imhof nói rằng từ bấy lâu nay chính quyền Cộng sản Lào đã thực hiện nhiều dự án giảm nghèo nhưng vì quản lý yếu kém nên những dự án đó chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến cho nạn nghèo túng gia tăng. Bà Imhof nói thêm:

Theo bà Imhof, những người thuộc cộng đồng bảo vệ môi sinh quốc tế không thấy có bằng chứng nào chứng tỏ là giới lãnh đạo Lào có quyết tâm đem những lợi ích có được từ những dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên qui mô lớn dùng vào việc cải thiện mức sống của dân chúng trên cả nước.

Trong nhiều năm qua, Mạng Lưới Sông Ngòi Quốc Tế đã cùng với nhiều tổ chức môi sinh khác, trong đó có tổ chức Điều Tra Quốc Tế (Probe International), cầm đầu một chiến dịch chống lại dự án Nam Theun 2. Khi được hỏi về việc Ngân hàng Thế giới quyết định tài trợ cho dự án này, bà Grainne Ryder của tổ chức Điều Tra Quốc Tế ở Canada nói rằng chính phủ Lào không ngớt được tưởng thưởng cho những thất bại của mình! Liên Đoàn Bảo Vệ Môi Trường (Environmntal Defense League), có trụ sở đặt tại Hoa kỳ, cũng đã phổ biến một thông cáo nói rằng: dự án Nam Theun 2 là một dự án có những lợi ích kinh tế không mấy chắc chắn, nhưng lại là một dự án chắc chắn sẽ có tác động nghiêm trọng đối với dân chúng và môi trường. Hôm mồng 8 tháng 2 vừa qua, các đoàn thể tranh đấu cho dân chủ Lào cũng đã phổ biến một thông cáo chung tại quốc hội Hoa kỳ để bày tỏ sự phản đối của họ đối với dự án Nam Theun 2.

Theo tường thuật của tuần báo Time, các giới chức của Ngân hàng Thế giới thừa nhận rằng: dự án Nam Theun 2 có những rủi ro đáng kể, nhưng họ tin là kế hoạch này sẽ được tiến hành với những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực và họ đã nhận được những bảo đảm từ phía chính phủ Lào là nguồn thu sẽ được dùng cho công tác giảm nghèo.

Cũng theo tường thuật của tuần báo Time, những dân làng ở Keng Gnao trên cao nguyên Nakai đang trông đợi chính phủ Vientiane giữ đúng cam kết của mình. Trong nhiều năm qua, dân chúng ở đây đã được chính quyền thông báo là một ngày kia những căn nhà mái lá của họ sẽ chìm dưới hồ chứa nước khổng lồ của đập thủy điện Nam Theun 2. Lúc đầu, nhiều người tỏ ý bất mãn đối với kế hoạch di dời vì không mấy ai muốn rời bỏ ruộng vườn và mồ mả tổ tiên của mình. Nhưng trong những năm gần đây, họ đã đổi ý. Lý do là vì địa vực sinh cư của họ hiện nay đã bị hư hại nặng nề vì nạn phá rừng, mùa màng thất bát và nhiều người đang lâm vào cảnh thiếu ăn. Trong khi đó, cách làng Keng Gnao vài kilo mét, tổ hợp các công ty xây dựng nhà máy Nam Theun 2 đã xây xong một ngôi làng kiểu mẫu — có nhà lợp tôn, đầy đủ điện nước, cùng với những mảnh vườn có đủ nước để canh tác. Một số người ở làng Keng Gnao đã đến tham quan ngôi làng kiểu mẫu này và cho biết là họ sẵn sàng dọn nhà ngay lập tức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG