Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ và vấn đề người Thượng ở Kampuchia


Vừa qua, Cao ủy tị nạn LHQ đã ký một bản Ghi nhớ với chính phủ Việt Nam và Kampuchia liên quan đến số phận những người Thượng hiện đang có mặt tại Kampuchia.

Chúng tôi đã tiếp xúc với Ðại sứ Marie Hutala, phó trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương để tìm hiểu lập trường của phía Hoa Kỳ về vấn đề này.

Vâng, chúng tôi ủng hộ biên bản ghi nhớ này. Chúng tôi cho rằng đây là một bước tiến rất tích cực, bởi vì đây là một thỏa thuận giữa 3 bên rằng những người Thượng từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam vượt biên giới vào Kampuchia được trở về nước mà không bị bất cứ hành động ngược đãi hay trừng phạt nào từ phía nhà cầm quyền Việt Nam.

Nhưng biên bản ghi nhớ vừa nêu đã bị một số người Thượng chỉ trích, vì họ cảm thấy rằng hiện nay không có những đảm bảo đầy đủ để các quyền của những người Thượng hồi hương được bảo vệ. Về ý kiến này đại sứ Hutala nhận xét:

Theo tôi nghĩ thì những người bị ảnh hưởng bởi Biên bản ghi nhớ nên tin tưởng đôi chút vào văn kiện này và cứ trở về đất nước quê hương của họ. Như thế là vì hoàn cảnh của họ ở Kampuchia thật sự không thể nào kéo dài được. Và cũng không có cách nào để giúp đỡ họ bao lâu mà họ còn ở lại Kampuchia.

Trả lời câu hỏi: Hoa Kỳ đang làm gì để giúp hồi hương những người Thượng này về Việt Nam hay đi đến một nước thứ ba. Đại sứ Hutala nói:

Vâng, những người Thượng này đã tự đặt mình trong một hoàn cảnh rất bất thường. Dường như họ nghĩ rằng bằng cách rời khỏi đất nước để đi tới một nước thứ nhì Kampuchia, thì bằng cách nào đó họ có thể thuyết phục được công đồng quốc tế giúp giải quyết những vấn đề họ vấp phải ở Việt Nam. Tôi hiểu rằng họ có tranh chấp về quyền sở hữu đất đai và các vấn đề khác ở Tây Nguyên. Họ được một ai đó nói cho biết, hay bằng cách nào đó, họ có cảm tưởng là nếu họ đi đến một nước thứ nhì và thuyết phục được cao ủy tị nạn LHQ can thiệp, thì điều đó sẽ gây tác động đối với những vấn đề trong nước của họ. Thật ra, vấn đề không thể được giải quyết theo cách đó. Nếu những người này thật sự có ý muốn tị nạn , nếu họ mong muốn được định cư ở một nước thứ ba, thì họ co thể làm như thế, bởi vì họ có cơ hội để nói lên nguyện vọng đó cho Cao ủy tị nạn LHQ biết. Theo tôi hiểu thì có một số khá lớn những người này không hề muốn đi đến một nước thứ ba. Họ chỉ hy vọng có Cao ủy tị nạn LHQ can thiệp để giúp họ trở về Việt Nam và được sống trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn ở đó. Điều không may là vấn đề không thể được giải quyết theo cách đó.

Cũng nhân ngày 15 tháng 3 là thời hạn chót để Việt Nam có những biện pháp cải thiện tình hình thiếu tự do tôn giáo trong nước nếu không muốn bị phía Hoa Kỳ tiếp tục ghi tên vào danh sách các nước vi phạm tự do tôn giáo tệ hại nhất thế giới. Ai cũng biết là nguồn gốc của những khó khăn mà những người Thượng gặp phải ở Việt Nam bao gồm nhiều vấn đề, trong đó có chuyện bách hại tôn giáo, đặc biệt là đạo Tin Lành, tôn giáo của nhiều người Thượng ở Tây Nguyên. Được hỏi về lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề này, Đại sứ Hutala cho biết như sau:

Chúng tôi có một lập trường rất cương quyết về vấn đề bách hại tôn giáo. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ liệt kệ Việt Nam vào danh sách những nước đáng quan tâm đặc biệt trong năm nay vì tình hình thiếu tự do tôn giáo ở đó. Chúng tôi đang thảo luận rất khẩn trương với chính phủ Việt Nam nhằm mục đích khuyến khích họ chấn chỉ tình hình liên quan đến đức tin tôn giáo.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 28 tháng 2 vừa qua, Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã gửi một bức thụ ngỏ đến Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice đề nghị Hoa Kỳ hối thúc Việt Nam thực hiện một số bước đi cụ thể nhằm cải thiện tình hình tự do tôn giáo tại nước đó. Một số những bước đi đó là: Cho phép các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do hoạt động tôn giáo và được quyền tự quản; Trả tự do và ân xá cho tất cả những người bị cầm tù vì tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo bất bạo động của họ; Cho điều tra và trừng phạt những người có trách nhiệm trong việc dùng bạo lực chống các tín đồ tôn giáo, như vụ đàn áp những cuộc biểu tình phản đối của người Thượng ở Tây Nguyên trong tháng 4 năm 2004.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG