Hôm thứ hai, các công ty hóa chất cung cấp tác nhân cam cho quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam đã yêu cầu một thẩm phán liên bang bác đơn kiện của các công dân Việt Nam nói rằng họ đã bị chất khai quang này đầu độc.
Các đương đơn cáo giác các công ty Monsanto Co. , Dow Chemical Co. và hơn một chục công ty khác là vi phạm các luật lệ quốc tế cấm dùng chất độc và vũ khí hóa học khi chế tạo tác nhân cam, mà họ cho là đã gây ra ung bướu, khuyết tật bẩm sinh và các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe. Họ đòi bồi thường nhiều tỷ đô la về những thiệt hại đó.
Các luật sư bênh vực cho các công ty lập luận rằng các tòa án ở Hoa Kỳ không có quyền phạt các công ty đã thi hành lệnh của tổng thống thực hiện nhiệm quyền trong tư cách tổng tư lệnh quân đội, và luật quốc tế miễn trừ cho các công ty không phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh bị cáo buộc.
Bộ tư pháp Hoa Kỳ cũng yêu cầu bãi bỏ đơn kiện và lập luận rằng mở các phiên tòa ở Hoa Kỳ cho những kẻ thù cũ thời chiến có thể đe dọa đến quyền được tuyên bố chiến tranh của tổng thống. Chính phủ Hoa kỳ đã cho rằng không có bằng chứng trực tiếp hỗ trợ cho các lời khiếu nại về các hậu quả của tác nhân cam.
Chính phủ Hoa Kỳ không nằm trong số những bị cáo trong vụ kiện do thẩm phán Jack Weinstein chủ tọa.
Tháng trước, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi một bức thư cho vị thẩm phán này nói rằng nếu vụ kiện này không bị bác thì hậu quả những lời tố cáo của đương đơn sẽ rất kinh hoàng bởi vì nếu được chấp nhận, chúng sẽ mở cửa các tòa án trong hệ thống pháp lý Mỹ cho những quốc gia và binh sĩ thù địch khiếu nại là họ đã bịï quân lực Hoa Kỳ bách hại trong chiến tranh.
Tác nhân cam đã được sử dụng như chất khai quang trong cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975.
Năm 1984, 7 công ty hóa chất của Hoa Kỳ đã phải đồng ý chi 180 triệu đôla cho các cựu chiến binh Mỹ để khỏi phải ra tòa, vì các cựu chiến binh này cáo buộc là tác nhân cam đã gây ra bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
Chủ tịch hồi Cựu chiến binh vì hòa bình, ông Dave Cline, nói rằng nhân dân Việt Nam cũng nên được đối xử như các cựu chiến binh Mỹ.