Đường dẫn truy cập

Cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập


Cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập
Cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập

Ở hải ngoại, có nhiều người, trong đó có một số trí thức, muốn cải thiện tình hình Việt Nam một cách tiệm tiến hoặc cục bộ qua con đường hợp tác. Thường, họ chỉ tập trung trong lãnh vực chuyên môn của họ; chỉ tận dụng trình độ chuyên môn và các quan hệ quốc tế có sẵn để tìm cách giúp đỡ Việt Nam. Nhưng để làm được những chuyện ngỡ chừng như đơn giản như vậy, họ phải cố gắng làm thân với giới lãnh đạo các cấp và gần như tuyệt đối né tránh những đề tài “nhạy cảm” liên quan đến đời sống chính trị trong nước.

Chính những né tránh ấy khiến họ bị phê phán gay gắt ở hải ngoại. Phê phán hoặc về nhận thức: Họ không đủ sáng suốt để thấy được sự thật; hoặc về tính cách: Thấy, nhưng họ lại không dám nói. Không dám nói vì một trong ba hoặc cả ba nguyên nhân: một, quyền lợi cá nhân; hai, ảo tưởng; và ba, hèn.

Thực tình, tôi không tin như vậy. Tôi biết nhiều người trong họ là những người thông minh, uyên bác, nhiệt tình, đầy thiện chí, và hết sức trong sáng. Họ chỉ cố gắng làm một cái gì đó cho đất nước từ góc độ chuyên môn của họ với hy vọng, từ đó, đất nước sẽ dần dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Công bằng mà nói, hy vọng ấy là chính đáng và không phải quá xa vời. Nhiều người đã thực hiện được: Trong lãnh vực giáo dục, chẳng hạn, họ thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các đại học trong và ngoài nước; họ mở nhiều ngành học hoặc khoá học hữu ích, có chất lượng cao; họ giúp nhiều sinh viên đại học hoặc hậu đại học được đi du học ở ngoại quốc, v.v…

Trừ ở những người xuất phát từ những động cơ cá nhân thấp hèn, nói chung, tôi nghĩ những nỗ lực cải thiện đất nước qua con đường hợp tác như vậy là cần thiết và đáng trân trọng. Có điều, đó chỉ là một cách, hơn nữa, là cách thứ yếu. Thứ yếu vì hai lý do đã nói ngay ở câu mở đầu bài viết này: tiệm tiến và cục bộ. Nó không giải quyết được một vấn đề căn bản nhất mà hầu như ai cũng biết: những khó khăn và bế tắc của Việt Nam hiện nay gắn liền với một thể chế chính trị độc tài và lạc hậu. Việc giải quyết vấn đề căn bản ấy đòi hỏi một thái độ quyết liệt hơn: không ngừng tạo sức ép, chủ yếu bằng biện pháp phê phán. Theo tôi, đó chính là cách đóng góp xây dựng đất nước một cách hiệu quả nhất từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Nói cách khác, theo tôi, vai trò chính mà người Việt Nam ở hải ngoại có thể thực hiện là tồn tại như một lực lượng đối lập với chính quyền.

Ở bất cứ quốc gia hay xã hội dân chủ nào, đối lập cũng là một điều thiết yếu, nếu không muốn nói là một điều kiện mang tính bản thể luận của dân chủ: Không thể có dân chủ nếu không có đối lập.

Không phải ngẫu nhiên mà ở tất cả các quốc gia dân chủ, đối lập không những được công nhận mà còn được tạo điều kiện để hoạt động. Ở Úc, cũng như ở các quốc gia theo hệ thống chính trị Westminster, bên cạnh chính phủ cầm quyền, bao giờ cũng có một chính phủ đối lập thường được gọi là chính phủ trong bóng tối (shadow government). Cấu trúc của chính phủ trong bóng tối cũng tương ứng với chính phủ đang cầm quyền: Bên kia có Bộ nào thì bên này cũng có Bộ ấy. Các Bộ trưởng trong bóng tối (shadow ministers) cũng được hưởng lương và cũng được tạo mọi điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin cần thiết cho việc hoạch định chính sách.

Nhiệm vụ chủ yếu của chính phủ trong bóng tối là lúc nào cũng sẵn sàng thay thế chính phủ đang cầm quyền để lãnh đạo đất nước khi họ thắng cử. Một nhiệm vụ khác, quan trọng không kém, là buộc chính phủ lúc nào cũng ở trong tình trạng thường trực bị kiểm tra và do đó, luôn luôn phải tự bảo vệ các chính sách của mình. Để thực hiện chức năng này, nhiều lúc, chính phủ trong bóng tối, tức phe đối lập, chỉ làm một công việc duy nhất là…đối lập. Chính phủ làm gì cũng chống. Đó chính là chủ trương của thủ lĩnh đối lập Úc, ông Tony Abbott, hiện nay. Chính phủ chủ trương đền bù cho các ngành kỹ nghệ để giảm khí thải hầu bảo vệ môi trường: chống. Chính phủ chủ trương tung tiền ra để kích thích nền kinh tế đang bị ảnh hưởng của cơn suy thoái toàn cầu: chống. Chính phủ chủ trương công khai hoá thành tích học tập của các trường học: chống. V.v…

Nhiều người dễ nghĩ việc đối lập một cách toàn diện và cực đoan như vậy là phá hoại.

Không phải.

Đó chính là một cách xây dựng. Nó buộc chính phủ phải minh bạch hoá và hợp lý hoá mọi chính sách cũng như mọi hoạt động, qua đó, thứ nhất, lúc nào cũng phải nỗ lực rao bán chính sách; và thứ hai, như là hệ quả của việc làm ấy, dân chủ hoá.

Trên sách báo Tây phương, người ta hay dùng chữ “bán” (sell) chính sách. Người lãnh đạo giỏi phải biết chọn lựa các chính sách tối ưu. Đồng ý. Nhưng đó chỉ là một mặt. Mặt đó, thậm chí, không phải là mặt quan trọng nhất: công việc hoạch định chính sách phần lớn được tiến hành bởi các chuyên gia dưới quyền. Người lãnh đạo giỏi cần khả năng khác nữa: làm sao “bán” được các chính sách ấy, nghĩa là, làm sao cho dân chúng hiểu, chấp nhận và ủng hộ chúng. Người có nhiều sáng kiến hay ho đến đâu mà không có khả năng thuyết phục được quần chúng, không tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng thì cũng chỉ là một chính trị gia hạng tồi.

Việc chống đối, cho dù là chống đối suông, từ phe đối lập, buộc chính phủ phải gia tăng khả năng thuyết phục quần chúng; qua đó, buộc chính phủ, một mặt, phải lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của quần chúng; mặt khác, phải minh bạch và hợp lý hoá các chính sách của mình. Khi chính phủ làm được những điều đó, chính phủ tự hạn chế khả năng trở thành lộng quyền hoặc lạm quyền. Chính trên cơ sở ấy, dân chủ được bảo vệ.

Ở Việt Nam thì khác.

Ở Việt Nam, không có đảng đối lập; không có bất cứ lực lượng đối lập công khai và hợp pháp nào cả. Thậm chí cả môi trường để dân chúng, hoặc ngay cả một phần trí thức ưu tú và nhiệt tình, phản biện cũng không có. Tuyệt đối không có sức ép nào từ trong nước buộc chính phủ phải cân nhắc hay nỗ lực giải thích và thuyết phục khi đưa ra một chính sách nào đó. Tính chất minh bạch và hợp lý của các chính sách và hoạt động, vốn là điều kiện đầu tiên của dân chủ, không hề tồn tại. Chính phủ và đảng lãnh đạo tha hồ tự tung tự tác, làm bất cứ điều gì họ muốn. Kể cả những điều cực kỳ ngu xuẩn.

Trong điều kiện đó, vai trò chính của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, theo tôi, chính là vai trò đối lập. Đối lập không cần giới hạn. Đối lập, ngay cả đối lập cực đoan nhất, cũng là một cách thức xây dựng cần thiết. Nói cách khác: đối lập là yêu nước.

Mà nghĩ xem, nếu không có những tiếng nói đối lập ồn ào và gay gắt xuất phát từ, hoặc được khuếch tán bởi, cộng đồng hải ngoại, thì những vụ tham nhũng khủng khiếp ở Việt Nam làm sao có thể phơi bày ra trước công luận? thì những kế hoạch khai thác bauxite ở Tây nguyên làm sao có thể thu hút sự chú ý của quần chúng đông đảo đến như vậy? thì những hành động lấn chiếm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc và thái độ nhu nhược của chính phủ Việt Nam làm sao có thể làm nhức nhối nhân tâm đến như vậy? thì những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo ở Việt Nam làm sao đến tai thế giới bên ngoài được?

Dĩ nhiên, những sự đối lập từ xa như vậy có những hạn chế nhất định.

Nhưng có những hạn chế đành phải chấp nhận. Biết làm sao được?

Trừ phi bạn có những sáng kiến gì khác thật hay.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG