Đường dẫn truy cập

Việt Nam phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở Bãi Tư Chính


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/2 lên tiếng phản đối hoạt động của tàu hải cảnh “Quái vật” Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, nói rằng hành động này vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

“Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn hợp pháp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo chiều 29/2.

Bà Hằng nói thêm rằng lập trường của Việt Nam đối với Bãi Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần.

“Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của mình bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Phạm Thu Hằng nói thêm.

Trước đó, hôm 21/2, Atlas News và một số trang tin khác đưa tin rằng tàu hải cảnh khổng lồ thuộc lớp Triệu Đà của Trung Quốc mang số hiệu CCG 5901, có biệt danh là “Quái vật”, nặng 12.000 tấn, đã tái thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để tuần tra ở khu vực gần Bãi Tư Chính.

Theo dữ liệu từ Marine Traffic, một tàu kiểm ngư của Việt Nam là Kiem Ngu 261 đã bám theo tàu hải cảnh của Trung Quốc, chuyên gia Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight của Mỹ, cho biết. Tàu của Trung Quốc đã đi trong khu vực vài giờ rồi rời khỏi nơi đó.

Vẫn theo thông tin từ Dự án SeaLight, con tàu hoạt động âm thầm bằng cách tắt hệ thống thông tin tự động AIS để tránh bị phát hiện, và tàu này đã bật tín hiệu AIS vào hôm 20/2 gần bãi Tư Chính. Bãi này cách thành phố Vũng Tàu của Việt Nam hơn 400 km về phía đông nam và có các giàn khoan dầu khí của Việt Nam.

Trước đó, tàu này đã tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024 rồi quay về cảng Hải Nam. Sau đó, một tàu hải cảnh khác là CCG 5402 đã thay thế tàu này hôm 10/1.

Tàu hải cảnh 5402 cũng tuần tra cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và Malaysia những tuần qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu vào hoạt động ở Bãi Tư Chính. Vào tháng 5/2023, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng với tàu hải cảnh hộ tống và một số tàu cá Trung Quốc cũng đã vào hoạt động trong khu vực này gần một tháng, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG