Đường dẫn truy cập

Vụ hoa Tết Giáp Thìn: Nhiều nhà vườn thua lỗ


Ảnh tư liệu - Người dân đi mua đào mai dịp Tết nguyên đán tại Hà Nội
Ảnh tư liệu - Người dân đi mua đào mai dịp Tết nguyên đán tại Hà Nội

Vụ hoa Tết Giáp Thìn năm nay là một mùa vụ buồn cho những người trồng hoa ở ngoại thành Hà nội và các địa phương lân cận. Giá hoa rẻ ‘thảm hại’ chỉ bằng phân nửa so với mọi năm. Chiều 30 Tết, đào và quất ế đầy tại các tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng hoa Tết, và bị vứt bỏ. Nhiều nhà vườn lỗ hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Thành Nam, một chủ vườn đào ở ngoại ô Hà Nội, cho biết vụ hoa Tết năm nay gia đình anh lỗ khoảng 100 triệu đồng. Trước Tết, anh đã phải ‘bán tống bán tháo’ hàng nghìn gốc đào và cành đào trong vườn với mức giá không đủ hoà vốn. Nhưng anh không còn có lựa chọn nào khác nếu không muốn mất trắng hoàn toàn.

“Đào năm nay do thời tiết nên nó nở sớm. Nóng nên nó nở sớm quá, mà mình không bán nhanh thì nó rụng hết,” anh Nam than thở với VOA, đồng thời cho biết năm nay thực sự là cái Tết buồn và năm tới không chắc anh còn dám trồng đào, làm hoa Tết nữa hay không.

Chị Nguyễn Thị Hồng, một chủ vườn quất và hoa Tết khác, cho biết do gia đình chị chuyên kinh doanh mặt hàng quất nên không lo hoa nở trước Tết nhưng giá quất năm nay rẻ chỉ bằng phân nửa năm ngoái. Chị nói thậm chí những cây quất nhỏ để bàn chỉ vài chục nghìn đồng nhưng vẫn không có khách mua. Đến chiều 30 Tết vườn nhà chị vẫn ế hàng trăm gốc quất và nhiều loại hoa Tết khác.

“Mình phải đem về cắm đầy nhà vì chả ai mua cho. Mọi người làm gì có tiền. Người ta có mua bán gì mấy đâu. Tết năm nay chán lắm,” chị Hồng cho biết và nói thêm rằng gia đình chị cũng bị thua lỗ trên dưới 100 triệu đồng trong vụ hoa Tết năm nay.

Cũng theo chị Hồng, năm nay, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, không mua sắm những gì không thực sự cần thiết và hoa Tết là một trong số đó. Nhưng có tiết kiệm được hay không là một chuyện khác.

Chị V. T.H, một nhà văn sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, cho biết năm nay chị tiết kiệm không mua đào quất trang trí mà chỉ mua một số loại hoa đơn giản và khá rẻ như thược dược, lay ơn về trang trí trong nhà. Nhưng số tiền tiết kiệm từ việc không mua đào quất rốt cuộc phải chi cho thứ khác mà Tết năm nay lại tăng giá gấp 2-3 lần.

“Hoa thì rẻ nhưng hành, các loại rau xanh nấu canh và cả rau sống… thì lại đắt lắm,” nhà văn này chia sẻ.

Những người nhanh nhạy với thị trường năm nay, không làm hoa mà làm rau màu, hay chuyển hướng mở rộng mạng lưới bán hoa ra các tỉnh với mức giá rẻ, thì có lợi nhuận.

Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một vườn rau xanh ở ngoại ô, cho biết năm nay gia đình chị thu hoạch bao nhiêu đều bán hết ngay tại vườn với giá cao gấp 2 lần so với trước Tết. Vì thế chị thu lãi vài chục triệu đồng để cả nhà đón Tết đầy đủ, đầm ấm, chẳng bù cho vụ hoa Tết năm ngoái.

“Thuê nhân lực làm vườn cũng mệt. Xong rồi ngồi bán cũng mệt. Mà xong rồi tổng kết lại cả vụ thì tổng thiệt hại là hơn chục triệu,” chị Thu chia sẻ và cho biết năm tới có thể chị sẽ quay lại làm hoa khi mùa hoa năm nay nhà vườn lỗ nhiều và nhiều khả năng nhiều người sẽ không còn làm hoa trong năm tới.

Anh Nguyễn Văn Long, một chủ vườn đào ở ngoại ô, cho biết thị trường Hà Nội khá khó tính. Đào đẹp mà nở đúng dịp thì có thể bán với giá cao khoảng trên dưới 2 triệu đồng một cành, nhưng thực tế số đào đạt tiêu chuẩn này là rất ít, đa phần là loại bình dân, không được đẹp lắm. Nếu cố tranh bán giá cao ở Hà Nội thì khó tiêu thụ là điều dễ hiểu. Trước Tết vài tuần, anh đã liên hệ với nhiều đầu mối bán đào ra các địa phương lân cận nên số đào trong vườn của anh đã bán hết từ sớm, đúng dịp bung nở trước Tết khoảng gần 1 tuần.

“Hà Nội 100 nghìn/cành có khi chả ai mua nhưng khi về tỉnh 80 nghìn/cành lại thi nhau mua, hoặc 70 nghìn thôi. Vì thế mình cũng bán được khoảng 1.000 cây về quê,” anh Long nói.

Anh cho biết năm tới anh vẫn sẽ làm đào Tết và tiếp tục chiến lược này, bán rẻ một chút ở quê nhưng bán nhanh, bán nhiều thì cũng đảm bảo thu nhập tốt cho cái Tết của gia đình.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG