Đường dẫn truy cập

Việt Nam liệu có tham gia cùng Philippines xây dựng Quy tắc ứng xử Biển Đông riêng?


Một vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) và tàu tiếp tế của Philippines (trái) gần Bãi Cỏ Mây trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 23/10/2023. Tổng thống Philippines rằng việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là một nhu cầu rất cấp thiết.
Một vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) và tàu tiếp tế của Philippines (trái) gần Bãi Cỏ Mây trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 23/10/2023. Tổng thống Philippines rằng việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là một nhu cầu rất cấp thiết.

Một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông riêng biệt giữa một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nhưng không bao gồm Trung Quốc, có thể là một biện pháp khả thi và cho thấy phản ứng rõ ràng của các quốc gia trước tình trạng trì trệ không mấy hy vọng của quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, theo một số chuyên gia.

“Chắc chắn là nó khả thi hơn, và nó là một bước tiến, không phải là bước tiến lớn nhưng là một bước tiến”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói với VOA.

Đề xuất xây dựng một COC riêng ở Biển Đông giữa một số thành viên ASEAN được Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đưa ra hôm 20/11 khi ông cho biết Philippines đã tiếp cận các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia cho mục tiêu này.

“Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN mà chúng tôi đang có xung đột lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, Malaysia là một quốc gia khác, và xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Marcos nói tại một sự kiện ở Hawaii được truyền hình trực tiếp.

“Hy vọng việc này sẽ tiến triển và mở rộng sang các nước ASEAN khác”, ông Marcos nói, đồng thời thêm rằng “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN và đáng tiếc là tiến trình này diễn ra khá chậm”.

Kể từ khi lên nắm quyền tại Philippines, ông Marcos đã nhiều lần kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán COC với các nước láng giềng của Philippines giữa bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông giữa nước này và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 11/11/2022, ông Marcos từng nói rằng có “nhu cầu cấp thiết” về COC nhưng không đề xuất về một COC riêng.

Việt Nam có tham gia?

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, sáng kiến lập quy tắc ứng xử trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Indonesia trên Biển Đông là một “dấu hiệu tích cực”, và nó mang lại một số tác dụng tích cực như giúp giảm bớt căng thẳng và ngăn ngừa xung đột giữa các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, giảm bớt những hiểu lầm và tính toán sai lầm, tăng cường hợp tác và đối thoại trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông thay vì chỉ phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài. Điều này sẽ nâng cao vai trò và tiếng nói của khu vực; thúc đẩy phát triển kinh tế biển cùng có lợi ở Biển Đông thông qua hợp tác trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á về thăm dò, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển...; góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực khi các nước Đông Nam Á tự thiết lập các “luật chơi” chung về Biển Đông, tránh bị các thế lực bên ngoài lôi kéo vào xung đột nảy sinh.

TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng với những tác dụng tích cực trên, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tham gia hợp tác cùng Philippines xây dựng COC riêng.

“Chắc chắn là (Việt Nam) sẵn sàng hợp tác với Philippines trong việc thúc đẩy để nếu như ASEAN không sớm đạt được Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc, thì một nhóm nhỏ hơn trong ASEAN phải đạt được với nhau, bởi vì về bản chất, có thể thấy rõ rằng Trung Quốc cứ nói là họ muốn có quy tắc ứng xử ấy nhưng họ đặt ra những điều kiện mà không bao giờ có thể xây dựng và đồng thuận được”.

Trong khi đó, chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho rằng khả năng Việt Nam tham gia sẽ cao hơn khi có hơn 2 quốc gia cùng tiến hành thực hiện nỗ lực này.

“Có khả năng là nếu hai hoặc nhiều quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác như Philippines và Indonesia tiến hành một nỗ lực nhỏ ở Biển Đông thì Việt Nam sẽ muốn tham gia”, chuyên gia Greg Poling nói với VOA. “Điều này xảy ra gần nhất là vào năm 2015 khi ngoại trưởng Việt Nam, Malaysia và Philippines gặp nhau nhiều lần để đàm phán ngoài khuôn khổ ASEAN vì họ ngày càng thất vọng trước việc nhóm này không có khả năng giải quyết vấn đề Biển Đông”.

Tiến sĩ Jay Batongbacal, giáo sư về An ninh biển và Giám đốc Viện Nghiên cứu Vấn đề Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines, thì cho rằng trên thực tế, giữa các thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đã có sẵn những “chuẩn mực ứng xử bất thành văn”.

“Mặc dù chưa được hệ thống hóa, nó giúp họ duy trì mối quan hệ tốt đẹp bất chấp sự tồn tại của cạnh tranh lãnh thổ và hàng hải”, ông nói, và dẫn chứng mối quan hệ giữa Philippines và Việt Nam hay giữa Myanmar và Việt Nam lâu nay “không có những đụng độ ở Biển Đông với nhau như với Trung Quốc”.

“Điều này thực tế chứng tỏ rằng COC giữa ASEAN và Trung Quốc không phải là quy tắc độc quyền chi phối cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, TS. Batongbacal nói thêm.

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, lý tưởng nhất vẫn là có được một COC giữa khối ASEAN với Trung Quốc, nhưng một biện pháp khác cũng từng được đề ra trước đây là chỉ cần 5 quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có được thoả thuận COC với Trung Quốc.

“Đó sẽ là bước tiến rất dài, và nếu có được, nó sẽ đóng góp rất nhiều cho an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á và đặc biệt cho những hoạt động sống còn ở Biển Đông”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của Việt Nam, Trung Quốc dĩ nhiên sẽ không đồng ý với những hướng mục tiêu trên và sẽ tìm cách can thiệp. Nhưng một khi COC giữa một số thành viên ASEAN đã được ký kết thì việc một nước bên ngoài muốn phá bỏ các điều khoản quy định trong COC sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý quốc tế “không nhỏ”.

Ngay sau phát biểu của Tổng thống Philippines, Trung Quốc tuyên bố không ủng hộ động thái của Manila về việc đưa ra COC riêng ở Biển Đông với một số nước láng giềng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo ngày 20/11 rằng “Bất kỳ bước nào đi chệch khỏi khuôn khổ và trái ngược với tinh thần của Tuyên ngôn về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khuôn khổ cho COC, đều không có giá trị và không có hiệu lực”. Phát ngôn viên này nói thêm rằng Trung Quốc coi việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng đối với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Phản ứng trước sự vô vọng trong đàm phán COC với Trung Quốc

Đề xuất về một COC riêng biệt, theo TS. Hà Hoàng Hợp, là một phản ứng rõ ràng của Philippines trước tình trạng leo thang căng thẳng vì tranh chấp trên Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc trong khi quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc “hầu như không có hy vọng” đạt được sau hơn 2 thập niên khởi sự.

Tiến sĩ Jay Batongbacal cho rằng nguyên nhân dẫn đến tốc độ đàm phán chậm chạp của COC là do sự thiếu tin cậy lẫn nhau, cùng với những quan điểm, mục tiêu khác nhau mà các bên theo đuổi.

“Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy quá trình này, những vấn đề thực chất vẫn tồn tại và không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ bất cứ điều gì với ASEAN trong khi vẫn khẳng định rằng ASEAN chấp nhận lập trường của mình trong nhiều vấn đề khác nhau”, ông nói với VOA.

Trong khi đó, một số nước thành viên hoàn toàn không có quyền lợi tranh chấp ở Biển Đông nên không thể đòi hỏi cả khối dốc toàn lực để thúc đẩy cho vấn đề này, chưa kể khả năng không đồng thuận cao hơn nếu có sự tác động từ phía Trung Quốc hay do các yếu tố khác, TS. Hà Hoàng Hợp bổ sung thêm.

“Trong ASEAN có những nước không có quyền lợi gì ở Biển Đông cả thì một điều rất vô lý là họ phải ngồi ở đấy, như Campuchia, Lào, Myanmar… chẳng hạn, họ chẳng có lợi ích gì ở Biển Đông mà họ ngồi ở đấy, mà theo nguyên tắc đồng thuận của khối này, chỉ cần một trong những nước đó không đồng ý với những tuyên bố về Biển Đông thôi, chứ chưa nói gì đến COC, thì đã là thất bại rồi”, chuyên gia của Viện Đông Nam Á nói.

Ông dẫn chứng “bài học” thực tế là sự kiện ASEAN không thể ra tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 khi Campuchia, năm đó giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã không đồng ý đưa nội dung về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc vào trong Tuyên bố chung.

Hiện chưa có thông tin chi tiết nào về kế hoạch hành động cho một COC riêng được đưa ra sau tiết lộ của Tổng thống Philippines, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng một số “hành động cụ thể” giữa Philippines, Indonesia, Việt Nam… xung quanh vấn đề này sẽ diễn ra vào quý hai năm nay, TS. Hà Hoàng Hợp đưa ra dự đoán.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG