Đường dẫn truy cập

Báo cáo quốc tế: Việt Nam đàn áp biểu tình ôn hòa suốt 3 thập niên


Công an chặn các nhiếp ảnh gia chụp ảnh trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trước Nhà hát lớn ở Hà Nội vào ngày 22 tháng 7 năm 2012.
Công an chặn các nhiếp ảnh gia chụp ảnh trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trước Nhà hát lớn ở Hà Nội vào ngày 22 tháng 7 năm 2012.

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) hôm 20/6 công bố một báo cáo mới, ghi nhận tình trạng đàn áp có hệ thống đối với quyền tự do hội họp ở Việt Nam trong ba thập niên qua.

Báo cáo dài 58 trang có tên “Lịch sử Bạo lực - Đàn áp quyền tự do hội họp ở Việt Nam”, với phiên bản tiếng Anh và tiếng Pháp, được giới thiệu là một báo cáo toàn diện nhất cho đến nay về phong trào biểu tình ở Việt Nam và những hình thức đàn áp mà người biểu tình đã phải đối mặt trong hơn ba thập niên.

“Những hành động của chính phủ nhằm trấn áp các cuộc biểu tình bao gồm: sử dụng vũ lực không cần thiết và/hoặc không cân xứng, bắt giữ, giam giữ, truy tố và các hình thức tấn công và quấy rối khác đối với những người lãnh đạo, người tham gia và người ủng hộ biểu tình”, báo cáo của FIDH và VCHR nói.

Điểm qua các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Việt Nam trong 3 thập niên qua, báo cáo nói các cuộc biểu tình của người dân là một đòi hỏi của xã hội dân sự. Chúng phản ảnh nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực như chống Trung Quốc, đòi công lý cho những người dân bị mất đất đai, đòi tự do tôn giáo, bảo vệ môi trường, bênh vực quyền của người lao động, chống lại các dự luật hạn chế quyền con người…

“Hết các cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hoà, với những người biểu tình xuống đường như một cách thức thông báo cho chính quyền về những bất bình của họ”, báo cáo nói.

Tuy nhiên, “thay vì lắng nghe những mối quan tâm của người biểu tình, chính quyền đã luôn luôn đàn áp những người biểu tình này, đôi khi với bạo lực cực độ. Công an và những kẻ côn đồ được chính phủ hậu thuẫn thường xuyên đánh đập và giam giữ những người biểu tình, đe dọa, sách nhiễu và theo dõi họ”.

Người biểu tình thường bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ, bị từ chối chăm sóc y tế, bị ngược đãi và tra tấn, thậm chí trong một số trường hợp, điều kiện giam giữ tồi tệ và ngược đãi đã dẫn đến người bị giam cầm tử vong, vẫn theo báo cáo.

Ngoài ra, một số nghị định và quy định có tính hạn chế cao của Việt Nam, chẳng hạn như Nghị định 38, Thông tư 9, 13 và đặc biệt các điều khoản quy định về “an ninh quốc gia”, còn cung cấp các công cụ pháp lý để chính quyền đàn áp những người đã hoặc đang thực hiện quyền quyền tự do hội họp ôn hòa của họ.

“Các cá nhân và cộng đồng Việt Nam dũng cảm thuộc mọi tầng lớp xã hội đã phải trả giá rất đắt cho việc tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa bất chấp sự đàn áp của chính quyền”, báo cáo dẫn lời Phó Chủ tịch VCHR Penelope Faulkner nói.

Bà yêu cầu các chính phủ nước ngoài phải gây áp lực nhiều hơn đối với Hà Nội để đảm bảo việc thực thi an toàn quyền tự do hội họp ôn hòa, trực tuyến và ngoại tuyến, trở thành hiện thực”.

Thêm vào đó, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị chi tiết và thiết thực đối với chính phủ Việt Nam để có thể điều chỉnh luật pháp và thực tiễn của đất nước liên quan đến quyền tự do hội họp ôn hòa cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

“Việc sửa đổi tất cả các điều khoản về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự phải là điểm khởi đầu để đảm bảo một môi trường an toàn và thuận lợi cho quyền tự do hội họp ôn hòa ở Việt Nam”, Tổng thư ký FIDH Adilur Rahman Khan nói. Ông thúc giục Hà Nội “nên đẩy nhanh quá trình thông qua luật biểu tình đã quá hạn từ lâu để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”.

Trong nhiều dịp khác nhau, các lãnh đạo nhà nước và đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phản bác những lời chỉ trích của các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chính quyền của đất nước Đông Nam Á nhiều lần nói rằng họ đảm bảo và thúc đẩy nhân quyền theo luật pháp trong nước, cũng như theo các cam kết quốc tế.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG