Đường dẫn truy cập

Trung Quốc sát cánh với ‘đối tác không giới hạn’ Nga thế nào?


Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Nga xua quân qua xâm lược Ukraine sau vài tuần Bắc Kinh và Moscow công bố mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ khiến phương Tây lo ngại.

Trung Quốc bày tỏ ủng hộ Nga thế nào?

Bắc Kinh mang lại sự bảo bọc ngoại giao cho Moscow, không lên án hành vi của Nga cũng không gọi đây là một cuộc xâm lược, xuôi chiều với Kremlin vốn mô tả cuộc chiến tranh là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ nhằm bảo vệ an ninh cho Nga.

Dù Trung Quốc nhiều lần kêu gọi hòa bình, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, phản đối áp lực của phương Tây muốn cô lập Moscow.

Trung Quốc cũng tăng cường thương mại với Nga, đặc biệt sẵn sàng mua năng lượng xuất khẩu của Nga, cung cấp một huyết mạch cho nền kinh tế bị trừng phạt của Nga.

Cái giá phải trả của Trung Quốc là gì?

Các nhà phân tích cho rằng sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga đã làm tổn hại sâu sắc đến thiện chí với phương Tây, cản trở nỗ lực của Bắc Kinh muốn chia rẽ Brussels và Washington.

Các nhà ngoại giao cho biết, động thái của Nga đối với Ukraine ban đầu dường như đã khiến Trung Quốc chới với. Khi tới thăm Bắc Kinh vào đầu Thế vận hội mùa đông năm ngoái, ông Putin không hề cảnh báo ông Tập về kế hoạch xâm lược.

Cuộc chiến cũng đặt Trung Quốc vào một tình thế khó xử vì tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Trung Quốc được gì?

Các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến đã làm gia tăng sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc, ngày càng khiến Moscow trở thành đối tác nhỏ hơn và củng cố vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh đối với các nước mới nổi nhằm chống lại trật tự hậu Thế chiến thứ hai do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Alexander Gabuev, thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng: “Trung Quốc tham gia vì tư lợi, vậy thôi. Một nước Nga yếu hơn có lẽ là một nước Nga có thể làm nhiều hơn để phục vụ lợi ích của Trung Quốc.”

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, Trung Quốc cũng đã tăng nhập khẩu dầu thô của Nga có giá thấp hơn mức chuẩn toàn cầu, với lượng dầu thô nhập khẩu trung bình hàng ngày từ Nga tăng khoảng 45% về giá trị từ sau cuộc xâm lược đến tháng 12.

Bắc Kinh lo ngại về sự mở rộng hiện diện an ninh của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Bằng cách phản đối việc NATO mở rộng sang nơi mà Nga coi là sân sau của mình, Trung Quốc tạo tiền đề để phản đối hoạt động tiếp theo của Hoa Kỳ trong khu vực lân cận của Trung Quốc.

Có thật sự là quan hệ đối tác ‘không giới hạn’?

Trung Quốc đã tìm cách tránh cung cấp hỗ trợ cho Nga mà có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt cho Bắc Kinh, bao gồm cả việc kiềm chế cung cấp vũ khí. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ với lời cảnh báo của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng chớ có cung cấp vũ khí cho Nga.

Bắc Kinh cũng tìm cách tạo khoảng cách ngôn từ giữa họ và Moscow để tránh những tổn hại không thể khắc phục được trong quan hệ với phương Tây, đồng thời sử dụng ảnh hưởng của mình với Moscow để thúc giục Putin không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine có biến chuyển?

Trung Quốc ngày càng đóng vai trò công khai tích cực hơn sau nhiều tháng cổ súy các cuộc đàm phán hòa bình mà không có hành động trực tiếp.

Ông Tập dự kiến sẽ có một ‘bài phát biểu hòa bình’ vào ngày 24/2, ngày kỷ niệm cuộc xâm lược, và Trung Quốc sẽ đăng bài về cuộc xung đột Ukraine nêu rõ lập trường của họ.

Yun Sun, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson ở thủ đô Washington, nhận định: “Với sự thất bại của Nga trên chiến trường, cơ hội đàm phán đang chín muồi, theo quan điểm của Trung Quốc”.

“Sự xuất hiện của chính sách ngoại giao con thoi của ông Vương Nghị và bài phát biểu sắp tới của ông Tập về chủ đề này, ám chỉ hướng đi này,” bà nói, đề cập đến chuyến thăm Moscow trong tuần này của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sau khi ông gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken và các quan chức phương Tây khác trong chuyến công du đang tiếp diễn tại châu Âu.

Cuộc chiến Ukraine có ảnh hưởng ý đồ của Trung Quốc đối với Đài Loan?

Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối bất kỳ mối liên hệ nào giữa cuộc chiến Ukraine với ý định ‘thống nhất’ hòn đảo tự trị Đài Loan mà họ tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương, ngày 21/1 kêu gọi ‘một số quốc gia’ ngừng thổi phồng câu chuyện ‘hôm nay Ukraine, ngày mai Đài Loan’, một động thái rõ ràng là chỉ trích Hoa Kỳ.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc chắc chắn cân nhắc những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như phản ứng của các quốc gia khác, trong lúc đo đếm suy tính lâu dài của họ đối với Đài Loan dân chủ, nơi mà Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ chiếm quyền kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.

“Kết cục và cái giá của cuộc chiến tại Ukraine cho Trung Quốc thấy rằng một cuộc xâm lược Đài Loan có thể không khôn ngoan,” nhà phân tích Sun nói.

“Điều đó không có nghĩa là họ sẽ không ra tay nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Nhưng cơ hội để họ chủ động là nhỏ hơn.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG