Đường dẫn truy cập

VN/Công nghiệp hóa: Từng thất bại về mục tiêu 2020, nay Bộ Chính trị nhắm năm 2030


Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng nhưng đất nước chưa đạt tiêu chuẩn về công nghiệp hóa.
Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng nhưng đất nước chưa đạt tiêu chuẩn về công nghiệp hóa.

Bộ Chính trị, nhóm gồm 18 ủy viên có nhiều quyền quyết định nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam, mới đây thống nhất về mục tiêu Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa vào khoảng năm 2030, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng hôm 10/9.

Mục tiêu mới này đồng nghĩa là Việt Nam có khoảng 8 năm để nỗ lực hiện thực hóa, tính từ thời điểm hiện tại, sau khi đã thất bại về mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020, vốn được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trước đó 9 năm, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 vào năm 2011.

Thông cáo mới đây của đảng cho hay trong hai ngày 9 và 10/9, Bộ Chính trị - dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - họp bàn về 4 đề án khác nhau, trong đó có đề án mang tên "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Bộ Chính trị khẳng định công nghiệp hoá, hiện đại hoá là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Nhóm 18 quan chức chóp bu của đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Trọng, đánh giá rằng trong hơn 35 năm đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Nhưng Bộ Chính trị cũng nhìn nhận rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm; nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu nếu không quyết liệt đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sau khi bàn thảo, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị thống nhất thông qua bản đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 xem xét ban hành một nghị quyết với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành công nghiệp hoá và kết thúc giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hoá, thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết.

Cũng bản đề án này nhắm tới mục tiêu là đến năm 2045, Việt Nam cơ bản hoàn thành quá trình hiện đại hoá, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; là một trong những trung tâm lớn của khu vực châu Á về sản xuất thông minh và dịch vụ thông minh; xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, phát triển thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, được báo chí dẫn lại, không đưa ra tiêu chí cụ thể của đảng về thế nào nào là công nghiệp hóa thành công.

Như VOA đã đưa tin, từ năm 2011, giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam từng đặt ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, nhưng ngay từ tháng 4/2016, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, Quốc hội Việt Nam đã thừa nhận rằng mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 “đã không đạt được”.

Vào tháng 1/2020, thời điểm mà nhiều đại biểu quốc hội chính thức khẳng định mục tiêu hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 đã thất bại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra bình luận với VOA: “Mục tiêu đưa ra trước đây không rõ thế nào là một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Không có mục tiêu rõ ràng nên không ai xác định được là đạt được hay không và đến bây giờ thì không ai nói đến việc là đến năm 2020 Việt Nam (trở thành) nước công nghiệp hóa cả”.

Bà Lan, từng là thư ký và phó chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phân tích thêm với VOA khi đó rằng một nước được xem là đã công nghiệp hóa phải có công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 80-85% GDP và lực lượng lao động chủ yếu phải làm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, cũng như phải đạt những chỉ tiêu khác về năng suất lao động, thu nhập đầu người, đô thị hóa và chỉ số phát triển con người.

Nhưng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm chưa tới 70% nền kinh tế Việt Nam, theo tìm hiểu của VOA thông qua số liệu năm 2019 của Tổng cục thống kê.

Ngay cả khi Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2035, tức là 15 năm nữa kể từ năm 2020, khi bà Lan trả lời phỏng vấn của VOA, bà vẫn cho rằng để thực hiện được điều đó, Việt Nam còn “vất vả lắm”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG