Thủ tướng Ý Mario Draghi từ chức hôm thứ Năm 21/7 sau khi chính phủ thống nhất quốc gia của ông tan rã, khiến đất nước sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử sớm và gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Ông Draghi - một cựu thống đốc ngân hàng trung ương và không phải là quan chức dân bầu, đã lãnh đạo một liên minh nhiều thành phần trong 18 tháng - mới đây nộp đơn từ chức trong cuộc gặp với Tổng thống Sergio Mattarella.
Văn phòng của ông Mattarella cho biết vị nguyên thủ quốc gia đã "ghi nhận" việc từ chức và đề nghị ông Draghi tiếp tục giữ vai trò thủ tướng quá độ.
Ông Mattarella dự kiến gặp các chủ tịch của cả hai viện quốc hội vào chiều 21/7. Các nguồn tin chính trị vào đầu tuần này cho biết ông có khả năng sẽ giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 10.
Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy một khối các đảng bảo thủ, dẫn đầu là đảng cực hữu Những người anh em nước Ý, dường như sẽ giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Liên minh của ông Draghi đã sụp đổ hôm 20/7 khi ba đối tác chính của ông không ủng hộ tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà ông đã kêu gọi để cố chấm dứt sự chia rẽ và khôi phục liên minh bị tan đàn sẻ nghé.
Cuộc khủng hoảng chính trị đã kết thúc những ngày tháng ổn định ở Ý, trong đó ông Draghi đã góp phần định hình phản ứng cứng rắn của châu Âu đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và đã nâng cao vị thế của Ý trên thị trường tài chính.
Ông Draghi từng nộp đơn từ chức một lần hồi tuần trước sau khi một trong những đối tác của ông, Phong trào 5 Sao theo chủ nghĩa dân túy, không ủng hộ ông trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về các biện pháp giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt cao.
Tổng thống Mattarella bác đơn từ chức đó và đề nghị ông Draghi ra trước quốc hội để xem liệu ông có thể duy trì liên minh nhiều thành phần cho đến khi quốc hội kết thúc nhiệm kỳ theo kế hoạch vào đầu năm 2023 hay không.
Trong một bài phát biểu trước Thượng viện, ông Draghi đã đưa ra lời kêu gọi thống nhất và đặt ra một loạt vấn đề mà Ý phải đối mặt, từ cuộc chiến ở Ukraine đến bất bình đẳng xã hội và giá cả tăng cao.
Nhưng Phong trào 5 Sao một lần nữa quyết định không ủng hộ ông, nói rằng ông đã không giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của họ. Ngoài ra, đảng cực hữu Forza Italia và đảng League trong liên minh đã quyết định không bỏ phiếu, và đòi lập một chính phủ không có Phong trào 5 Sao.
Một dấu hiệu nữa cho thấy những căng thẳng lộ rõ khi chính quyền Draghi đi đến cái kết, đó là bộ trưởng hành chính công và bộ trưởng phụ trách các vấn đề khu vực, đều là người của đảng Forza Italia, cho biết họ sẽ rời bỏ đảng trung hữu này.
(Reuters)
Diễn đàn