Đường dẫn truy cập

Giáo sư, cử tri: Quốc hội cần người ngoài đảng chỉ để trang trí


Quốc hội VN khóa 14 có 494 đại biểu song chỉ chừng 20 người không phải là đảng viên cộng sản.
Quốc hội VN khóa 14 có 494 đại biểu song chỉ chừng 20 người không phải là đảng viên cộng sản.

Lãnh đạo quốc hội Việt Nam nhắm đến mục tiêu là cơ quan đại diện cho nhân dân này vào khóa tới có 25-50 đại biểu là người không thuộc Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, dư luận Việt Nam cho rằng các đại biểu ngoài đảng chỉ mang tính chất trang trí.

Tại một hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 4/2 bàn về việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập đến dự kiến thành phần đại biểu trong quốc hội khóa 15, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, bao gồm cả Thanh Niên, Tổ Quốc và VNExpress. “Phấn đấu người ngoài đảng từ 25-50 người”, bà Ngân phát biểu, được báo chí dẫn lại.

Với danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho gần 100 triệu dân, quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021) có tổng cộng 494 đại biểu, nhưng chiếm tuyệt đại đa số trong đó là người của Đảng Cộng sản. Lâu nay, nhiều người dân chỉ ra rằng đó là điều vô cùng bất hợp lý khi Đảng Cộng sản có khoảng 5 triệu đảng viên song lại nắm số ghế áp đảo tuyệt đối trong quốc hội.

Tôi quen biết một số đại biểu quốc hội. Dù họ là đảng viên hay không đảng viên, tôi tin chắc chắn họ hoàn toàn nghe theo sự sắp xếp của đảng.
Chị Đào, cử tri Hà Nội


Theo tìm hiểu của VOA, đến nay chỉ có xấp xỉ 20 đại biểu ngoài đảng đang tham gia quốc hội Việt Nam. Nói về vai trò, giá trị đích thực của những đại biểu này trong việc phục vụ nhân dân, một nữ cử tri hơn 40 tuổi ở Hà Nội, chỉ muốn được nêu tên là Đào, đưa ra nhận xét với VOA hôm 8/2:

“Tôi quen biết một số đại biểu quốc hội. Dù họ là đảng viên hay không đảng viên, tôi tin chắc chắn họ hoàn toàn nghe theo sự sắp xếp của đảng. Từ cách đây chục năm rồi, trong một câu chuyện vui vẻ, một đại biểu quốc hội không phải là đảng viên đã tiết lộ là ‘hôm nay trả lời câu hỏi trên nghị trường, thực ra có người đưa cho tờ giấy để đọc’”.

Cũng đánh giá về các đại biểu quốc hội ngoài đảng thuộc khóa 14, giáo sư Nguyễn Đình Cống, 83 tuổi, lưu ý rằng nếu trừ đi các đại biểu tôn giáo, dân tộc thiểu số, chỉ có khoảng 6-7 người đã tự ứng cử, và nhìn chung họ thể hiện rằng “không có tích sự gì”.

Vị giáo sư vốn tích cực đưa ra nhiều ý kiến phản biện xã hội cho rằng việc quốc hội có một vài đại biểu ngoài đảng chỉ là một chiêu bài của Đảng Cộng sản để tránh mang tiếng là độc quyền, độc đoán.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại quốc hội hồi tháng 10/2018.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại quốc hội hồi tháng 10/2018.

Trên cơ sở những gì đã diễn ra, giáo sư Nguyễn Đình Cống bình luận với VOA hôm 8/2 về việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhắm đến mục tiêu có tối đa 50 người ngoài đảng trong quốc hội khóa tiếp theo:

“Phần đông người dân cho rằng các đại biểu đó chỉ để trang trí mà thôi, để nói rằng quốc hội tăng cường người ngoài đảng. Nhưng những người ngoài đảng này mà cũng giống như những người ngoài đảng vào quốc hội khóa trước thì vô nghĩa lý, vì họ vào đấy chỉ để làm nghị gật. Họ được Mặt trận Tổ quốc cơ cấu, được vận động để đưa vào, thì vô nghĩa lý”.

Nữ cử tri tên Đào có chung suy nghĩ. Chị nói: “Tóm lại, tôi vẫn nghĩ nó là vấn đề về trang trí thôi. Người Việt Nam đã quan sát mấy chục năm nay chắc cũng đã hiểu rồi”.

Ví dụ như ông Nguyễn Quang A, ông ấy ứng cử xong rồi, Mặt trận Tổ quốc về tổ chức họp ở tổ dân phố để đấu tố, lên án, loại ông ấy. Nếu cứ tiếp tục việc làm như thế, dù cho có 50 hay vài trăm người ngoài đảng vào trong quốc hội cũng chỉ biến thành những nghị gật, những bù nhìn mà thôi.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống


Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng nếu quốc hội và đảng cộng sản thành thật muốn tìm người tài ngoài đảng để đưa vào quốc hội, tạo ra cải cách và mang lại sức sống mới cho quốc hội, họ phải áp dụng cách thức khác để bầu đại biểu. Ông nói:

“Phải mở rộng việc để người ta ứng cử, phải để cho người ta tranh cử, phải để người ngoài đảng thấy có điều kiện cho người ta làm. Chứ không phải như cách vừa rồi. Ví dụ như ông Nguyễn Quang A, ông ấy ứng cử xong rồi, Mặt trận Tổ quốc về tổ chức họp ở tổ dân phố để đấu tố, lên án, loại ông ấy. Nếu cứ tiếp tục việc làm như thế, dù cho có 50 hay vài trăm người ngoài đảng vào trong quốc hội cũng chỉ biến thành những nghị gật, những bù nhìn mà thôi”.

Vẫn giáo sư Cống khẳng định với VOA rằng ông không nhìn thấy sự thành thực từ phía những người đang kiểm soát nền chính trị Việt Nam.

Theo luật Việt Nam hiện hành, việc chọn ra ứng cử viên cho quốc hội phải đi qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức đứng ra hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, và cũng là cơ quan giám sát việc bầu cử.

Dưới con mắt của giáo sư Cống, Mặt trận Tổ quốc được đảng cộng sản dùng làm công cụ để khống chế, gạt bỏ những người có ý kiến phản biện không thuận cho quốc hội, do đó, rất khó để người dân có thể bầu cho người tài giỏi là các ứng cử viên hoàn toàn độc lập.

Trong bối cảnh mấy năm nay đảng cộng sản đàn áp mạnh, bắt bớ, bỏ tù nhiều người đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, tiến bộ hơn, giáo sư Cống bày tỏ rằng quá trình dân chủ hóa trong hòa bình đòi hỏi phải kiên nhẫn, với các nỗ lực cần được tiếp tục để nâng cao dân trí về dân quyền, nhân quyền, về quốc hội, chính phủ.

Khi người dân nhận thức rõ được quyền lợi của mình, họ sẽ đấu tranh để có được một quốc hội của dân. “Tuy nhiên, khổ ở chỗ là hiện nay đa phần người dân chưa có được ý thức ấy”, giáo sư Cống nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG