Đường dẫn truy cập

Người may chiếc áo “tâm hồn quê hương” trên đất Mỹ


Người may chiếc áo “tâm hồn quê hương” trên đất Mỹ
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:26 0:00

#VOATIENGVIET Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Không cần tiếng pháo, không cần đào mai, không cần lân múa rộn ràng, chỉ cần nhìn thấy những tà áo dài bay phất phơ trong nắng xuân, có lẽ người Việt tại Hoa Kỳ đã thấy Tết về đến cửa. Áo dài từ lâu đã trở thành một thương hiệu, một tuyên ngôn của người phụ nữ Việt, đặc biệt là những người đang sinh sống nơi đất khách. Phỏng vấn bà Lê Kim Thủy - Thợ may áo dài: “Áo dài nó tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam. Nó nổi tiếng mà, nó vừa kín vừa hở, nhưng nó vẫn cho thấy được đường cong cơ thể của người con gái nên tất cả thế giới vẫn công nhận áo dài Việt Nam là xuất sắc. Cô là phụ nữ mà cô thấy phụ nữ mặc áo dài đẹp cô cũng phải để mắt nhìn và khen ‘Ô mặc áo dài đẹp quá’.” 35 năm trong nghề, định cư ở Hoa Kỳ 17 năm, nhưng nay mới là năm thứ 7 bà Thủy may áo dài cho khách trên đất Mỹ. Bởi theo bà, áo dài là trang phục cầu kì, công phu nhất. Phỏng vấn bà Lê Kim Thủy - Thợ may áo dài: “Khi cô mới mở cái tiệm này hai năm, cô không may áo dài, chỉ sửa đồ thôi. Rồi có nhiều người đến hỏi ‘Bà có biết may áo dài không?’ Tôi nói ‘Biết’, ‘Vậy sao biết mà không may’. Về đồ phụ nữ thì may áo dài là khó nhất nên có 100 người thợ may thì chỉ có 10 thợ chịu học may áo dài thôi, bởi vì rất là khó.” Chiếc áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao: Mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa nhỏ nữa mới hoàn thiện. Vì vậy, không quá khi nói áo dài đẹp phụ thuộc phần nhiều vào tài năng của người thợ may. Phỏng vấn bà Lê Kim Thủy - Thợ may áo dài: “Cô phải yêu thích, phải yêu nghề thì mới làm nghề được. Cần phải có cái thẩm mỹ, khéo tay và cả trí tuệ. Nghề may nó không đơn giản là cứ ngồi vào chiếc máy may là được.” May áo dài đã khó, may áo dài Việt Nam tại Mỹ lại càng không phải là chuyện dễ. Bà Thủy cho biết vải may áo dài phải là vải nhập từ Việt Nam qua, bởi vải Mỹ không phù hợp để may áo dài truyền thống. Phỏng vấn bà Lê Kim Thủy - Thợ may áo dài: “Vải của Mỹ chỉ may đầm thôi. Còn chỉ có hàng Việt Nam, ví dụ như vải Thái Tuấn, chuyên dành cho áo dài, mình phải chọn những loại vải đó thì lên áo dài nó mới thướt tha, mới đẹp.” Suốt 35 năm tiếp xúc với nghề may áo dài, từ khi còn là một cô nhóc 11 tuổi tập tành theo mẹ học từng đường kim mũi chỉ, hàng trăm bộ áo dài đã được bà Thủy cho ra đời, nhưng chưa bao giờ người thợ may này cảm thấy chán công việc mình đang làm. Thu nhập là một chuyện, niềm vui được nhìn thấy khách hàng hạnh phúc trong bộ đồ mình may, mới là thứ níu chân bà lại với nghề. Phỏng vấn bà Lê Kim Thủy - Thợ may áo dài: “Khi may một bộ áo dài ra cho người ta, người ta mặc đẹp người ta nói ‘Con cảm ơn cô’, thì đó là sự hãnh diện của cô, chứ không phải may để lấy tiền không mà không có sự hãnh diện. Mình làm ra được cũng giống như mình nấu một món đồ ngon mà người ta ăn người ta phải thốt lên ‘Trời ơi cái tô này ngon quá’ là mình đã hãnh diện. Cái nghề của mình là như vậy đó con.” Bà Thủy có quyền hãnh diện với những chiếc áo dài của mình, bởi công việc của bà không chỉ mang lại niềm vui cho khách hàng, mà còn góp phần làm lan tỏa những chiếc áo “tâm hồn quê hương” của người Việt trên đất Mỹ, như lời một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Từ Huy: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…em ơi!”

XS
SM
MD
LG