Đường dẫn truy cập

Vấn đề tin tặc bao trùm hội nghị Mỹ-Trung về công nghệ cao


Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates.
Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ họp với những viên giám đốc hàng đầu của các công ty công nghệ cao của Mỹ và Trung Quốc, trong khuôn khổ của một nỗ lực nhằm phô bày tầm quan trọng của Trung Quốc như một nhà sản xuất và một người tiêu thụ các sản phẩm công nghệ cao. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, cuộc họp này dự kiến sẽ nêu bật mối quan tâm của các công ty Mỹ về những mối rủi ro và những thách thức trong việc làm ăn trên thị trường Trung Quốc.

Cuộc hội thảo do Microsoft đồng chủ trì tại Seattle vào thứ tư tuần sau dự kiến sẽ có sự tham dự của các nhà tỉ phú ngành công nghệ cao của Mỹ, trong đó có các viên tổng giám đốc của Apple, IBM, Facebook, Google và Uber cùng với các đối thủ cạnh tranh của họ ở Trung Quốc như Baidu, Alibaba và ZTE.

Bao trùm hội nghị này, theo các nhà quan sát, là những mối quan tâm về gián điệp mạng và tấn công mạng. Giới hữu trách Mỹ tố cáo những tay tin tặc có bản doanh ở Trung Quốc đánh cắp hồ sơ của hàng triệu nhân viên chính phủ liên bang và đánh cắp rất nhiều bí mật thương mại của các công ty Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh nêu lên những sự tiết lộ của cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Edward Snowden về những chương trình theo dõi của Mỹ như một nguồn gây lo ngại cho Trung Quốc.

Các viên giám đốc của những công ty Trung Quốc nói rằng cuộc họp ở Seattle có thể giúp cho đôi bên giải quyết những mối quan tâm này.

Ông Trình Lập Tân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ZTE Hoa Kỳ, phát biểu như sau.

"Các chính phủ và các cơ quan tiêu chuẩn hoá cũng có thể làm việc chung với các đối tác của họ từ nhiều nước khác nhau về những tiêu chuẩn an ninh chung. Điều mà tôi đang thật sự trông mong là một cuộc đối thoại như vậy sẽ cung cấp một khung sườn cho những nỗ lực chung trong tương lai."

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook trình làng iPad mới tại San Francisco, California, ngày 9/9/2015.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook trình làng iPad mới tại San Francisco, California, ngày 9/9/2015.

Hoa Kỳ đã xem xét tới việc áp đặt các biện pháp chế tài đối với những công ty hoặc cá nhân Trung Quốc dính líu tới những vụ tấn công hồi gần đây nhắm vào các hệ thống máy vi tính ở Mỹ. Nhưng tin tức báo chí hồi đầu tuần này cho biết Tòa Bạch Ốc đã quyết định không hành động trước cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các giới chức Mỹ đã chật vật để hình thành một cách đáp trả đối với những tố cáo về vấn đề tin tặc, một phần là vì đây là một hiện tượng tương đối mới. Ngoài ra còn có vấn đề là không dễ để xác định những nhân vật tranh đấu, nhân viên chính phủ hay các công ty ai là kẻ đã thực hiện những vụ tấn công cụ thể.

Ông Dư Gia Minh, giáo sư luật của Đại học Texas A&M, cho rằng mặc dù sự bất định làm cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt trở nên vô cùng khó khăn, nhưng các cuộc thảo luận có thể giúp cho đôi bên có được một nhận thức chung.

"Điều kiện của những biện pháp chế tài sẽ cho phép chính phủ Mỹ vạch ra một lằn ranh rõ ràng hơn về những gì là chấp nhận được và những gì là không chấp nhận được. Nó cũng sẽ là một bước đầu tốt đẹp để thực hiện thêm những cuộc thảo luận về vấn đề làm thế nào để chúng ta có thể thật sự ngăn chận những hoạt động tin tặc."

Bên cạnh vấn đề tin tặc, những người chỉ trích nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có phần chắc sẽ bị chất vấn về những biện pháp quản lý nghiêm nhặt của chính phủ Trung Quốc, sự hạn chế đối với quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc của các công ty công nghệ Tây phương, và chính phủ Trung Quốc có một vai trò như thế nào trong những vụ mà các công ty Trung Quốc vi phạm quyền tài sản trí thức.

Ông Nicholas Thomas, chuyên gia Á Châu của Đại học Thành thị Hồng Kông, nhận định như sau.

"Sự thật đơn giản là Trung Quốc mỗi ngày một hung hăng hơn trong các chiến lược mạng. Nhưng có một điểm hết sức quan trọng là những gì mà Trung Quốc đánh cắp được họ sẽ chuyển cho các công ty Trung Quốc, mang lại cho những công ty đó một ưu thế không công bằng trên thị trường và quyền tiếp cận không công bằng đối với những người làm chủ tài sản trí thức."

Giáo sư Thomas dự đoán Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thoả hiệp về vấn đề luật lệ quản lý, vốn đã làm cho các công ty đa quốc có chi nhánh ở Trung Quốc cảm thấy ngày càng khó làm ăn ở nước này. Ngoài ra, ông Tập có lẽ cũng sẽ hứa tiến hành những hành động cụ thể để chống lại tệ nạn làm hàng giả hàng nhái của thương hiệu Mỹ ở Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát về môi trường kinh doanh năm 2015 do Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh thực hiện cho thấy 61% hội viên của tổ chức này trong lãnh vực công nghệ thông tin và viễn thông nói rằng hoạt động làm luật của Trung Quốc là không rõ ràng và thiếu nhất quán, ảnh hưởng tới khả năng và ý muốn của các công ty này trong việc đầu tư ở Trung Quốc.

Các giới chức Trung Quốc tham dự hội nghị Seattle có phần chắc sẽ tập trung vào việc phát triển thương hiệu và công nghệ địa phương với sự giúp đỡ của các công ty nước ngoài.

Bà Hoắc Cẩm Khiết, giám đốc công ty IDC China, cho biết như sau.

"Nếu cuộc thảo luận tập trung vào việc làm thế nào các công ty Mỹ có thể hợp tác làm ăn với các công ty Trung Quốc hay cùng nhau phát triển một thứ gì đó ở Trung Quốc, thì đó sẽ là một bước khởi đầu rất tốt."

Nhân định của bà Hoắc phù hợp với cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc là sẽ thúc đẩy cho điều được gọi là “sự sáng tạo bản địa” để giảm bớt sự lệ thuộc của Trung Quốc đối với công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, bà Hoắc cũng nói rằng nhiều sáng kiến ở Trung Quốc để kích thích tăng trưởng kinh tế không thể đạt mục tiêu nếu chỉ dựa vào thương hiệu Trung Quốc không thôi. Bà nói rằng điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải tìm cách cân bằng giữa chủ trương bảo hộ công nghiệp nội địa với chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG