Đường dẫn truy cập

Tổng thống Sudan đến Nam Sudan để thảo luận về tình hình bạo động


Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vừa đến thủ đô Juba của Nam Sudan để thảo luận về vụ bạo động đang tiếp diễn ở nước này, trong lúc các nhà thương thuyết của Tổng thống Salva Kiir và thủ lãnh phiến quân Riek Machar đang chật vật để thực hiện cuộc hòa đàm có thực chất.

Tổng thống Bashir đã không phát biểu gì với báo chí khi ông tới Nam Sudan ngày hôm nay để họp với Tổng thống Kiir.

Trước đó, Bộ trưởng Thông tin Sudan, ông Ahmed Bilal, nói với đài VOA rằng nước ông “rất lo ngại” về tình hình hiện nay, nhưng ông nghĩ rằng Tổng thống Bashir có thể giúp cho đôi bên trong cuộc xung đột ở Nam Sudan tìm ra một giải pháp.

"Chúng tôi rất muốn có được hòa bình ở miền nam. Chúng tôi đã tiếp xúc với cả Tổng thống Salva Kiir lẫn ông Riek Machar. Chúng tôi biết rõ hai ông này. Sudan có thể là một nhà điều giải tốt để giải quyết vấn đề ở miền nam."

Cuộc thương thuyết để chấm dứt vụ giao tranh bắt đầu từ trung tuần tháng 12 được dự trù diễn ra ở Ethiopia hồi tuần trước, nhưng các phái đoàn tham dự cuộc hòa đàm chưa khắc phục được những vấn đề, trong đó có vấn đề trả tự do cho các chính khách đang bị câu lưu như phiến quân đòi hỏi.

Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan, ông Michael Makuei, hôm qua nói rằng chính phủ ông sẽ không thả những người bị giam trong khuôn khổ của cuộc đàm phán.

"Chúng tôi không sẵn sàng để thương thuyết khi có điều kiện tiên quyết. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây. Vấn đề trả tự do không nên gắn liền với cuộc hòa đàm. Chúng tôi tới đây để hòa đàm mà không có điều kiện tiên quyết. Khi họ nói với chúng tôi “hãy thả những người này” thì đó là một điều kiện và chúng tôi không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào."

Cuộc giao tranh đã gây tử vong cho hơn 1.000 người và đã tiếp diễn trong ngày hôm qua với việc binh sĩ chính phủ tìm cách chiếm lại thành phố Bor từ tay phiến quân.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm qua cho biết Washington sẽ ủng hộ những người tìm kiếm hòa bình, nhưng sẽ vận động quốc tế gây áp lực chống lại những ai sử dụng sức mạnh để giành phần thắng. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Jerusalem, ông Kerry nói rằng cuộc đàm phán hòa bình ở Addis Ababa phải có tính chất nghiêm túc chứ không thể là một mánh lới lừa bịp.

Cuộc đàm phán ở Ethiopia được điều giải bởi tổ chức khu vực Đông Phí có tên là Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển IGAD.

Vụ rối loạn ở Nam Sudan bùng ra khi các binh sĩ nổi loạn tấn công một bộ chỉ huy của quân đội. Tổng thống Kiir tố cáo ông Machar âm mưu đảo chánh, nhưng vị cựu phó tổng thống đã bác bỏ tố cáo đó.

Những người mục kích cho biết một số vụ bạo động có tính chất sắc tộc, với một bên là những người ủng hộ ông Kiir, thuộc sắc tộc Dinka, và phía bên kia là những người ủng hộ ông Machar, thuộc bộ lạc Nuer.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG