Đường dẫn truy cập

Thăm Las Vegas


Thăm Las Vegas
Thăm Las Vegas

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong lần đi Mỹ của tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn trong tháng 12 vừa qua là chuyến đi thăm Las Vegas.

Thật ra, trong những lần đi Mỹ trước đây, đã có một số người hoặc gợi ý hoặc rủ rê tôi đi Las Vegas. Nhưng tôi từ chối. Một phần, tôi thích dành nhiều, nếu không muốn nói là toàn bộ thời gian của chuyến đi cho bạn bè hoặc người thân, những người lâu lâu tôi mới được gặp; phần khác, quan trọng hơn, với tôi, cái thành-phố-tội-lỗi (Sin City) với những sòng bài trùng trùng điệp điệp ấy, thú thực, chẳng gợi lên chút hấp dẫn nào cả.

Lần này, tôi đi, cũng lại vì bạn: Hoàng Đình Bình rủ. Hoàng Đình Bình là bạn mới của tôi nhưng lại là bạn cũ của Hoàng Ngọc-Tuấn từ thuở còn là học trò ở Nha Trang. Cả hai đều là nhạc sĩ. Cả hai đều có khiếu hài hước. Khi họ gặp nhau, hầu như chỉ nghe tiếng cười. Chuyến đi ba, bốn giờ từ Los Angeles đến Las Vegas, do đó, dường như ngắn lại.

Đến Las Vegas, tôi mới biết cái ấn tượng cho đó chỉ là một sòng bài vĩ đại là hoàn toàn sai.

Las Vegas không chỉ có bài bạc. Las Vegas, thành phố nhỏ xíu với hơn nửa triệu cư dân ấy, là cả một trung tâm du lịch thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 40 triệu du khách nườm nượp kéo đến mỗi năm (xin so sánh: mỗi năm cả nước Việt Nam chỉ đón có khoảng 3,4 triệu du khách!). Để phục vụ cho lượng du khách khổng lồ như thế, Las Vegas đã phát triển một hệ thống khách sạn không thể chê vào đâu được: Theo thống kê gần đây, 17 trong số 20 khách sạn lớn nhất nước Mỹ đều nằm ở Las Vegas. Khách sạn nào cũng lớn, đẹp và cực sang.

Las Vegas còn là cả một thế giới thu nhỏ: mỗi một khách sạn lớn là một kiến trúc và là một di sản nghệ thuật khác hẳn nhau; cái này thì đặc Mỹ, cái kia thì đặc Pháp, cái nọ thì đặc Ý hoặc Ai Cập. Bước vào khách sạn Bellagio và Caesars Palace ngỡ như đi lạc đến Ý; vào khách sạn Luxor như lạc đến Ai Cập; và vào khách sạn Paris, tôi có cảm giác ngỡ ngàng như trở lại thành phố mà tôi đã ở 5,6 năm trước khi dời sang Úc. Và còn du khách nữa. Du khách đến từ khắp nơi, đủ mọi chủng tộc và mọi nền văn hóa.

Las Vegas là một trung tâm nghệ thuật: kiến trúc tuyệt hảo, đã đành; nó cũng có vô số tác phẩm nghệ thuật, và đặc biệt, vô số các ban nhạc, đoàn kịch và đoàn xiếc nổi tiếng và xuất sắc.

Nhưng với tôi, quan trọng hơn hết, Las Vegas còn là hình ảnh tiêu biểu của Mỹ.

Tiêu biểu ít nhất ở hai khía cạnh: chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism) và tính chất ảo (virtuality).

Người ta đến Las Vegas chủ yếu là để tiêu tiền. Ngay cả những người có máu mê cờ bạc, đến với ước mơ kiếm tiền, thật ra, cũng chỉ để tiêu tiền. Cả thành phố được kiến trúc để người ta an tâm tiêu thật nhiều tiền. Trên đường đi, hàng quán nối hàng quán; vào khu đánh bài, sòng này nối sòng kia. Mà khu đánh bài thì thường nằm ngay trước phòng tiếp tân của khách sạn. Bước vào cửa khách sạn là thấy sòng bài. Tất cả đều mở cửa 24/24. Đói bụng ư? Thì có vô số tiệm ăn và quán nước ở ngay bên cạnh. Muốn hút thuốc lá ư? Thì cứ tự nhiên bật quẹt. Trước mỗi máy kéo, tôi đều thấy có một, hai cái gạt tàn để sẵn. Chung quanh, chẳng có ai phàn nàn cả. Hầu như ai cũng bận bịu với giấc mơ kiếm tiền và thực tế tiêu tiền của họ. Những người phục vụ bao giờ cũng tỏ ra lịch sự và lễ độ với mọi người. Chính sự lịch sự và lễ độ ấy biến những kẻ tiêu tiền có cảm giác mình được tôn trọng: với cảm giác ấy, từ trong vô thức, người ta xem việc tiêu pha như một yếu tố chính khẳng định bản sắc của mình: “Tôi tiêu xài, vậy tôi hiện hữu” (I consume, therefore, I am). Có cảm giác như càng vung tay tiêu xài bao nhiêu, tầm vóc của mình càng lớn lên bấy nhiêu. Tôi không dừng lâu ở mấy sòng bài nên không nhìn thấy khuôn mặt của những người đã sạch túi như thế nào. Nhưng trên các lối đi, ngoài phố cũng như trong khách sạn và hàng quán, tôi thấy mặt mày ai cũng phơi phới. Khuôn mặt của những người đi du lịch và đang hưởng thụ. Tuy nhiên, dù không nhìn thấy những khuôn mặt nhàu nát vì tuyệt vọng và đau khổ, tôi cũng biết được, theo các thông kê trên báo chí, Las Vegas là nơi có tỉ lệ tự tử và bạo hành trong gia đình thuộc loại cao nhất nước Mỹ.

Đặc điểm thứ hai của tính chất điển hình của Mỹ ở Las Vegas là sự thống trị của cái ảo (virtuality). Cả Las Vegas hiện hình như một thế giới ảo. Ảo ở kiến trúc: hầu hết đều là bản sao của một công trình nổi tiếng nào đó. Ở đây, bạn có thể thấy tượng Nữ thần Tự Do sừng sững trước khách sạn New York New York; Khải hoàn môn và tháp Eiffel ở khách sạn Paris; kim tự tháp ở khách sạn Luxor. Ảo ở không gian: Đi trong khuôn viên các khách sạn, người ta dễ ngỡ như lạc vào một thế giới khác. Ở khách sạn New York New York là những khu phố nhỏ với những cầu thang lộ thiên (nằm hẳn phía ngoài) của Mỹ; ở khách sạn Paris, là những cột đèn và trụ buộc ngựa ven đường ngày xưa ở Pháp; ở các khách sạn được xây dựng theo phong cách của Ý là những cột đá tiêu biểu cho nền văn minh Roman cổ kính. Và ảo ở thời gian: trong khuôn viên các khách sạn ấy, thời gian như ngừng lại. Không thấy đồng hồ đâu cả. Ngày hay đêm, ánh sáng cũng đều không thay đổi. Ngước nhìn lên, bầu trời cũng không thay đổi. Có nơi, bầu trời lúc nào cũng rạng đông; nơi khác, xế chiều, lúc nào cũng êm ả.

Dĩ nhiên, tất cả đều có thật. Phố xá có thật. Nhà cửa có thật. Nhưng toàn bộ cả thế giới Las Vegas thì lại là ảo. Nó hiện hữu như một thế giới khác, khép kín và tách biệt hẳn với cái thế giới xô bồ và đầy những lo toan bên ngoài. Cái thế giới Las Vegas là thế giới của những cái thế vì (simulcra), nói theo chữ của Jean Baudrillard, được hình thành từ các quảng cáo và đặc biệt, từ hình ảnh, gắn liền với nền văn minh vật chất. Bước vào thế giới ấy, người ta cũng tự thấy mình đổi khác. Những ràng buộc và những cấm kỵ bình thường gần như bỏ lại phía sau. Người ta có thể tự buông thả theo mọi đam mê. Không ai quan tâm, phê phán hay cười cợt ai cả. Mỗi người là một tự do tuyệt đối cho đến lúc…

Lúc nào?

Lúc hết tiền!

Hoàng Đình Bình kể, lần đầu tiên anh đến Las Vegas cách đây khá lâu, buổi tối, đang đi dạo trong khu sòng bài, anh bỗng nghe tiếng chuông réo inh ỏi. Mọi người đổ dồn đến đó. Ở một máy kéo của hai người phụ nữ đã lớn tuổi, tiền đổ xuống như nước. Họ thắng lớn. Hai người nhảy cẫng lên vì sung sướng. Những người xúm lại xem cũng vui lây và đầy thèm thuồng.

Sáng hôm sau, ở bãi đậu xe, Bình gặp lại hai người phụ nữ ấy. Hoàn toàn không còn dấu vết gì của niềm vui sướng của đêm hôm trước. Mặt mày họ hốc hác và buồn thiu. Bước chân thất thểu như cất lên không nổi. Họ như già xụm xuống.

Bình đoán có lẽ toàn bộ số tiền thắng bài đêm hôm trước đã nướng hết sạch.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG