Đường dẫn truy cập

Thái Lan chuẩn bị đối phó với biểu tình trước bầu cử


Ông Suthep Thaugsuban (phải) người lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ nhận đóng góp từ những người ủng hộ, trong cuộc tuần hành trong thủ đô Bangkok
Ông Suthep Thaugsuban (phải) người lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ nhận đóng góp từ những người ủng hộ, trong cuộc tuần hành trong thủ đô Bangkok
Chính phủ Thái do Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh đạo đang cấp bách chuẩn bị cho các cuộc bầu cử toàn quốc vào ngày mùng 2 tháng Hai, mặc dầu có vụ tẩy chay của phe đối lập chính là Đảng Dân Chủ. Thông tín viên Ron Corben tường thuật từ Bangkok nơi các cuộc biểu tình trên đường phố dự kiến sẽ gia tăng khi người biểu tình đòi hoãn cuộc bầu cử.

Đảng Pheu Thái đương quyền của Thái Lan hy vọng sẽ thắng trong cuộc bầu cử vào tháng Hai thậm chí có thể đạt được một đa số lớn hơn. Khẩu hiệu được dùng trong cuộc vận động “Hãy tôn trọng lá phiếu của tôi” là một sự phản bác đối với những người biểu tình chống chính phủ, đã ngăn được các ứng cử viên đi ghi danh ở 28 quận bầu cử.

Tuy nhiên, nhiều người trông đợi đảng này sẽ lấy lại được thế đa số trong quốc hội, một phần là vì các chính sách mị dân đã đem lại lợi ích cho những người ủng hộ họ, đặc biệt là trong những khu vực nông thôn ở miền bắc.

Tuy nhiên, tại thủ đô hằng chục ngàn người, chủ yếu là thị dân trung lưu Thái Lan hy vọng sẽ ngăn chặn được cuộc bầu cử này bằng cách chiếm đóng những nơi then chốt của thành phố.

Ông Suranand Vejjajiva, tổng thư ký văn phòng Thủ tướng, nói rằng mở cuộc bầu cử sẽ bảo đảm cho nền dân chủ Thái tiến tới. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng nếu không có bầu cử thì tình trạng xung đột và đối đầu sẽ gia tăng và có thể dẫn tới thêm bạo động, mà tôi nghĩ là không có ai ở Thái Lan hay thậm chí trong cộng đồng quốc tế muốn chứng kiến.”

Cuộc biểu tình trên đường phố bắt đầu sau khi chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra ủng hộ một đạo luật ân xá có thể cho phép anh trai bà, ông Thaksin Shinawatra, tránh được án tù về tội tham nhũng và trở về Thái Lan.

Bà Yingluck đã kêu gọi mở cuộc bầu cử mới, nhưng người biểu tình và Đảng Dân Chủ đối lập, những người không thể bì với sức mạnh của đảng Pheu Thái, đã đòi hỏi chính phủ phải được thay thế bởi một ủy ban cải tổ không do bầu chọn.

Nhà lãnh đạo biểu tình và cũng là một nhà lập pháp cũ, ông Suthep Thaugsuban, lý luận rằng hành động đó sẽ khiến Thái Lan trong sáng hơn và dân chủ hơn. Ông phát biểu:

“ Mục đích chính của chúng tôi là cải tổ Thái Lan để cho cuộc bầu cử được trong sạch, không có tham nhũng, không có mua phiếu và chúng tôi muốn chọn các dân biểu sẽ đại diện thật sự cho nhân dân.”

Phong trào chống chính phủ có mục đích “đóng cửa” Bangkok từ 13 tháng Giêng để gây áp lực đòi chính phủ từ chức.

Các nhà phân tích và quân đội Thái cảnh báo về tình trạng bạo động ngày càng gia tăng.

Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị tại Trường Đại Học Chulalongkorn sợ rằng cuộc bầu cử này sẽ thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Ông phân tích:

“Cuộc bầu cử ngày mùng 2 tháng Hai sẽ là một phần của cuộc khủng hoảng hơn là một phần của giải pháp bởi vì nếu nó không xảy ra thì phe ủng hộ cuộc bầu cử sẽ không hài lòng. Nhưng nếu nó xảy ra thì sẽ có mọi hình thức hỗn loạn từ phe bên kia và tranh cãi từ phe chống chính phủ.

Hơn 50 đảng sẽ tranh đua trong cuộc bầu cử thứ nhì vào ngày mùng 2 tháng Hai dẫn đầu bởi Đảng Pheu Thái của Thủ tướng Yingluck. Nhưng, với các cuộc biểu tình đông đảo được dự trù xảy ra tại thủ đô trong những ngày sắp tới thì đây sẽ là một trắc nghiệm quan trọng về nền dân chủ tại Thái Lan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG