Đường dẫn truy cập

Thái Lan: Ngày bầu cử không đổi bất chấp biểu tình


Tấm quảng cáo tranh cử của đảng cầm quyền Pheu Thai ở trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan, 3/1/13
Tấm quảng cáo tranh cử của đảng cầm quyền Pheu Thai ở trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan, 3/1/13
Ủy ban Bầu cử Thái Lan nói cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 2 tháng 2 sẽ được xúc tiến, bất chấp những mối lo ngại về an ninh. Thông tín viên VOA Ron Corben tường thuật rằng người biểu tình chống chính phủ thề quyết sẽ làm ngưng đọng sinh hoạt tại Bangkok bắt đầu từ ngày 13 tháng này.

Uỷ ban đã mở các cuộc đàm phán với các chính đảng chủ chốt, trong đó có đảng Pheu Thai đương quyền và đảng Dân chủ đối lập, hiện đang tẩy chay cuộc bầu cử, trước khi ủy ban loan báo hôm nay rằng cuộc bầu cử sẽ được tiến hành theo kế hoạch đã định.

Trong khi người biểu tình chống chính phủ đã thành công trong việc ngăn chặn các ứng cử viên ghi danh tại các tỉnh miền nam, một cứ địa của đảng Dân chủ đối lập, ở các nơi khác có tổng cộng 642 ứng cử viên đã nộp đơn dự tranh.

Ủy ban bầu cử nói 123 ứng viên không ghi danh ứng cử vì bị người biểu tình ngăn chặn phải khiếu nại với Tối cao Pháp viện để được đưa tên vào các lá phiếu.

Ông Prasaeng Mongkonsiri, một cố vấn của đảng Lực lượng Dân chủ, một trong 50 đảng tham gia ứng cử, nghĩ rằng ủy ban bầu cử có lý khi xúc tiến bầu cử.

Tiếp theo các biến cố chính trị gây rối loạn trong những tháng vừa qua, ông Prasaeng cho rằng đảng Pheu Thai cầm quyền có thể buộc phải tham gia một chính phủ liên hiệp. Ông nói:

“Cách tốt nhất là tiếp tục tổ chức bầu cử. Chúng ta phải xúc tiến qua bầu cử và không lo lắng về kết quả bầu cử. Có thể đảng Pheu Thai sẽ không về đầu. Có thể đảng cỡ trung bình sẽ về đầu trong cuộc bầu cử này.”

Người biểu tình chống chính phủ đã đưa ra yêu sách đòi hoãn cuộc bầu cử, đòi thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức, và đòi bổ nhiệm một hội đồng mới không do dân cử để thực hiện các cải cách chính trị.

Bà Yingluck từ chối không chịu rời chức, nhưng đã tuyên bố một hội đồng cải cách có thể được thành lập sau cuộc bầu cử tháng 2.

Phong trào biểu tình chống chính phủ dưới sự lãnh đạo của một nhà cựu lập pháp, ông Suthep Thangsuban cho biết dự trù sẽ đóng cửa mọi hoạt động chính ở thủ đô Bangkok từ ngày 13 tháng 1 để tìm cách buộc chính phủ phải từ chức.

Nhưng các ủng hộ viên thân chính phủ, do Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống Ðộc tài lãnh đạo, còn được gọi là phe Áo Ðỏ, cho hay họ sẽ tiếp tục biểu tình chống biểu tình, dẫn tới những lo ngại sẽ xảy ra xung đột.

Hôm nay, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, cho hay quân lực Thái sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ cho cảnh sát Thái bảo đảm trật tự và hòa bình ở Bangkok.

Ông Titipol Phakdeenwanich, một nhà khoa học chính trị tại trường Ðại học Ubom Ratchathani, ở vùng đông bắc, nói rằng có sự ủng hộ dành cho cuộc bầu cử, kể cả một số ủng hộ viên của đảng Dân chủ do ông Abhisit Vejjajivà lãnh đạo, là những người muốn bảo vệ quyền bầu cử của mình. Ông nói:

“Thực là điều lạ khi nghe những người ủng hộ nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit cũng muốn đi bỏ phiếu vào ngày 2 tháng 2, nhưng lý do họ muốn đi là vì họ muốn bảo vệ quyền của mình, do đó họ sẽ bỏ phiếu CHỐNG.”

Tình trạng bất ổn chính trị ở Thái Lan bắt đầu vào cuối năm ngoái khi chính phủ đề xuất một dự luật ân xá sâu rộng có thể mở đường cho sự trở về của cựu thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong. Dự luật này không được thông qua nhưng đã châm ngòi cho một đợt biểu tình ở Bangkok khiến thủ tướng phải giải tán quốc hội và đề nghị tổ chức bầu cử sớm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG