Đường dẫn truy cập

Phe bảo thủ và cấp tiến có thể đồng ý với nhau


Tổng thống Obama thuộc đảng Dân chủ và cựu Thống đốc bang Massachusetts thuộc đảng Cộng hòa Mitt Romney
Tổng thống Obama thuộc đảng Dân chủ và cựu Thống đốc bang Massachusetts thuộc đảng Cộng hòa Mitt Romney
Bất kể cuộc tranh luận gay gắt và những chia rẽ sâu xa trong cuộc bầu cử vừa kết thúc tại Hoa Kỳ, một cuộc khảo cứu của Canada cho rằng phe cấp tiến và phe bảo thủ có thể đồng ý với nhau, nhất là về các vấn đề công bằng và chăm lo cho nhân loại. Thông tín viên VOA Joe de Capua ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trợ lý giáo sư tại trường Ðại học Winnipeg, ông Jeremy Frimer nói rằng bất chấp những điều họ nói về nhau, phe cấp tiến và bảo thủ “chia sẻ một mức độ bất ngờ về quan điểm đạo đức chung.”

Ông Frimer không có ý định khảo cứu về các nhóm thường chống đối nhau. Việc đó chỉ xảy diễn sau khi ông bắt đầu tự đặt ra những câu hỏi về cuộc khảo cứu của ông có liên quan đến những gì hình thanh ra các nhà lãnh đạo tinh thần.

Ông Frimer nói: “Trong quá trình khảo cứu các câu hỏi đó, tôi gặp những người làm công tác xét duyệt, và những người khác hỏi tôi rằng nói về lãnh đạo tinh thần phải chăng ý tôi muốn nói là lãnh đạo tinh thần cấp tiến, hay lãnh đạo tinh thần bảo thủ. Và tôi nhận ra rằng tôi không chắc là tôi muốn khảo cứu cái gì ở điểm này. Phải chăng tôi đang khảo cứu về một loại lãnh đạo tinh thần theo đúng với chủ thuyết của tôi, hay phải chăng đây là một thứ mà có thể những người theo một chủ thuyết khác và có thể là cả thế giới đều chia sẻ?”

Khoảng 400 người thuộc mọi quan điểm chính trị được trao cho một danh sách những người có thế lực. Sau đó họ được yêu cầu xếp hạng những người trong danh sách xem liệu họ có là những người đạo đức hay tử tế hay không.

Trong những thập niên 1950 và 1960, ông King lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình bất bạo động nhằm chấm dứt nạn kỳ thị người Mỹ gốc Châu Phi.
Trong những thập niên 1950 và 1960, ông King lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình bất bạo động nhằm chấm dứt nạn kỳ thị người Mỹ gốc Châu Phi.
Ông Frimer nói tiếp: “Vậy là chúng tôi đã khởi sự bằng danh sách những người có thế lực nhất trong thế kỷ 20 do tạp chí Time lập ra, mà có thể là những người tốt hay xấu. Ý tôi muốn nói là gồm cả Hitler và Thánh Gandhi trong đó. Họ có thể khuynh tả hay khuynh hữu. Ta có Reagan, và có cả Harvey Milk trong danh sách. Do đó chúng tôi nghĩ đây là một điểm tốt để xuất phát khi không đặt nặng vào vấn đề chia rẽ. Mà chỉ là về thế lực và ảnh hưởng. Và chúng tôi cảm thấy là chúng tôi đã có một khởi điểm tốt; rằng đó sẽ là một cách tiêu biểu để thử nghiệm tinh thần đạo đức của mọi người, thay vì chỉ bắt đầu bằng những vấn đề gây tranh cãi mà họ muốn nêu rõ, thì họ nhấn mạnh đến sự bất đồng.”

Ông Ronald Reagan, một đảng viên bảo thủ của đảng Cộng hoà, đã phục vụ 2 nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1981 đến năm 1989. Harvey Milk là người đàn ông đồng tính luyến ái đầu tiên được bầu vào một chức vụ công cử. Nhà hoạt động này đã bị một đồng nghiệp bắn chết ở San Francisco vào năm 1978.

Hệ thống chính trị hiện hành của Hoa Kỳ có thể gây chia rẽ giữa những người cấp tiến và những người bảo thủ.

Nguyên tắc của ông Gandhi lấy từ niềm tin của Ấn độ giáo là Chân ý và bất bạo động
Nguyên tắc của ông Gandhi lấy từ niềm tin của Ấn độ giáo là Chân ý và bất bạo động
Ông Frimer cho biết: “Chủ đích của lý thuyết tranh luận là bàn về những bất đồng. Và vì thế chúng tôi luôn hướng sự chú ý vào sự kiện họ khác nhau ra sao và cách suy nghĩ của họ về mọi sự. Bàn luận về những vấn đề gây tranh cãi là điều tốt, song đồng thời những điều chúng ta không bàn luận là những vấn đề không gây tranh cãi mà tất cả đều có thể đồng ý với nhau. Tỷ như những vấn đề có liên quan đến chuyện liệu chăm lo cho con trẻ có đuợc không, và liệu xã hội có nên công minh chính trực hay không. Các loại đề tài này thường không được đưa ra trong các cuộc tranh luận bởi lẽ đương nhiên là chúng ta đồng ý với nhau. Ðó là những loại vấn đề không được xếp loại là tin tức.”

Ông Frimer nói các nền tảng đạo đức về từ tâm và công chính được đồng loạt cho là những dấu hiệu rõ nhất tạo ra bản chất của một người đạo đức. Các nền tảng bất đồng góp phần ít hơn trong việc đưa ra những phán xét về đạo đức.

Ông Frimer cho rằng: “Với những người như Gandhi và Martin Luther King và nữ tu Theresa, thì cả phe cấp tiến và phe bảo thủ đều coi là cực kỳ đạo đức và xem họ như là cực kỳ tử tế.”

Mẹ Teresa chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi... trong hơn 40 năm
Mẹ Teresa chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi... trong hơn 40 năm
Ông Frimer nói “tiến bộ về các vấn đề xã hội gây chia rẽ có nhiều phần chắc hơn khi cuộc thảo luận được đặt trong khuôn khổ một câu hỏi về tính công bằng và từ ái đối với nhân loại.” Ðó là nơi có thể tìm được một lập trường chung.

Ông Frimer giải thích: “Ý nghĩa xuất phát từ cuộc khảo cứu này là nếu chúng ta tập trung vào các vấn đề từ tâm và công chính, thì có nhiều phần chắc là có thể đạt được tiến bộ về đạo đức khi tính tới việc tiến tới, bởi vì đó là điểm chúng ta đồng ý với nhau. Ðó là những thứ mà cả phe cấp tiến lẫn bảo thủ đều nhất trí. Khi chúng ta tập trung vào những vấn đề có liên quan đến quyền lực và đẳng cấp xã hội, những vấn đề tính dục…thì chúng ta phải dự liệu là có sự bất đồng. Ðó là những vấn đề sẽ gay go hơn mới đạt được tiến bộ.”

Cuộc khảo cứu được thực hiện bởi truờng Ðại học British Columbia, nơi ông Frimer là một nhà khảo cứu hậu tiến sĩ. Sau đó ông đã trở thành một trợ lý giáo sư tại trường Winnipeg.

VOA Express

XS
SM
MD
LG