Đường dẫn truy cập

'Tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam không phải là mối đe dọa cho xã hội'


Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ngày 24/5/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ngày 24/5/2016.

Trong một bài phát biểu nhìn về phía trước, Tổng thống Barack Obama nói với người dân Việt Nam rằng họ và nhân dân Mỹ đang “cùng nhau bước vào một cuộc hành trình 100 năm.”

Tổng thống Obama tiên đoán, “Với chuyến thăm này, chúng ta đã đặt mối quan hệ của chúng ta vào một nền tảng vững chắc hơn trong nhiều thập niên sắp tới.”

Mối quan hệ có liên quan đến hai nước cựu thù có trở nên vững mạnh hơn hay không, như ước muốn của ông Obama, có thể phụ thuộc vào người kế nhiệm ông ở Tòa Bạch Ốc vào tháng giêng tới.

Ông Simon Tay, chủ tịch Viện Quốc tế Vụ của Singapore, nói: “Dù sao khi còn là Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton đã đóng một vai trò chính trong việc hỗ trợ cho chính sách xoay trục sang châu Á. Nhưng nếu ông Trump lên làm tổng thống thì mọi dự đoán đều sai trật có liên quan đến ASEAN, Việt Nam và khá nhiều vấn đề khác, kể cả thương mại.”

Cử tọa nghe bài phát biểu về nhiều vấn đề của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, gồm hơn 2.000 người, kể cả một số giới chức chính phủ Việt Nam.

Bài phát biểu cũng đề cập đến đề tài rất nhạy cảm là nhân quyền.

Tổng thống Obama nêu ra rằng những quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, cũng như những quyền tự do hội họp đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam. Ông cũng nói về việc mở cửa tiến trình chính trị của Việt Nam cho các ứng cử viên bên ngoài đảng Cộng sản.

Tổng thống Obama nói, “Theo quan điểm của tôi, tôn trọng các quyền này không phải là một mối đe dọa đến sự ổn định.”

Theo các nhà hoạt động, có hơn 100 tù nhân chính trị ở Việt Nam, thêm nhiều người khác đã bị bắt giữ trong tuần qua.

Trước bài phát biểu hôm nay, ông Obama đã gặp 6 thành viên xã hội dân sự Việt Nam, và nói rằng có “những lãnh vực đáng quan ngại đáng kể” về quyền tự do chính trị và ông ca ngợi những người Việt Nam “sẵn sàng lên tiếng.”

Ông Obama nêu ra rằng có “nhiều nhà hoạt động khác được mời đã bị ngăn không đến dự vì nhiều lý do khác nhau.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A chuẩn bị đi gặp Tổng thống Obama. Ông post trên trang Facbook của mình: Có thể bị chặn, bị bắt. Báo trước để bà con được rõ. Khổ các bạn an ninh thức thâu đêm (23 giờ hôm qua cả chục cậu ngồi bên nhà đối diện).
Tiến sĩ Nguyễn Quang A chuẩn bị đi gặp Tổng thống Obama. Ông post trên trang Facbook của mình: Có thể bị chặn, bị bắt. Báo trước để bà con được rõ. Khổ các bạn an ninh thức thâu đêm (23 giờ hôm qua cả chục cậu ngồi bên nhà đối diện).

Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A nói với các phóng viên rằng ông đã bị cảnh sát ép buộc lên một chiếc xe hơi và bị lái ra khỏi Hà Nội và cầm giữ hơn 5 tiếng đồng hồ, ngăn không cho ông gặp tổng thống Hoa Kỳ.

Đối với tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch, các nhận định của tổng thống và bản thông cáo chung chưa đi đủ xa.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh châu Á của Human Rights nói, “Tôi phản đối việc ông mô tả là đã có tiến bộ khiêm nhường tại Việt Nam…đã có rất ít hoặc không có tiến bộ ở Việt Nam.”

Ông Robertson nói với đài VOA rằng các tổ chức nhân quyền đã được Tòa Bạch Ốc và bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hứa là sẽ có tiến bộ đáng kể được Việt Nam chứng minh trước khi lệnh cấm bán vũ khí của Washington đối với Hà Nội được hoàn toàn dỡ bỏ, vừa được thông báo hôm qua.

Ông Robertson khẳng định, “Hoa Kỳ nhận được gì? Họ chẳng nhận được gì cả. Chỉ nhận được một quả trứng ngỗng to khi nói về nhân quyền.”

Ông Robertson cũng chỉ trích những sự đề cập đến nhân quyền trong bản thông cáo chung là “không có mấy thực chất.”

Một đảng tranh đấu cho dân chủ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật của Việt Nam bày tỏ một phản ứng nhiệt thành hơn trước các nhận định của ông Obama ở Hà Nội về nhân quyền, và nói rằng ông đã phác thảo một “triển vọng hướng tới phía trước cho mối quan hệ song phương và một lập luận mạnh cho một nước Việt Nam tự do.”

Bài phát biểu được nhiều người theo dõi và chuyến thăm Việt Nam của tổng thống sẽ gây “khó khăn hơn nữa cho giới lãnh đạo cộng sản biện minh cho hiện trạng, che giấu những vụ vi phạm nhân quyền.” Đó là nhận xét trong một thông cáo của ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên đảng Việt Tân có trụ sở ở Hoa Kỳ, và nhận là có các thành viên ở Việt Nam.

Không nêu đích danh Trung Quốc, Tổng thống Obama cũng lập lại quyền tự do hàng hải và nói Hoa Kỳ sẽ ủng hộ quyền đó của các quốc gia khác.

Tổng thống Hoa Kỳ được hoan hô nồng nhiệt khi tuyên bố, “Các quốc gia lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ.”

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, hôm qua ông Obama đã trao cho chủ nhà một món quà mà họ đã hy vọng: đó là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ.

Tổng thống Obama phủ nhận việc dỡ bỏ lệnh cấm là có liên kết đến những quan ngại ngày càng tăng về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 23/5/2016. Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn còn những bất đồng về nhân quyền và mỗi thương vụ bán vũ khí sẽ được xét duyệt trên căn bản từng trường hợp một.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 23/5/2016. Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn còn những bất đồng về nhân quyền và mỗi thương vụ bán vũ khí sẽ được xét duyệt trên căn bản từng trường hợp một.

Nhưng báo Global Times của Trung Quốc, do đảng Cộng sản điều hành trong số phát hành hôm nay nói rằng lời khẳng định của ông Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không có liên kết với việc kiềm chế Trung Quốc là một lời nói dối.

Báo này nói Hoa Kỳ “đang lợi dụng Việt Nam để khuấy động thêm rắc rối ở Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Một số nhà phân tích gọi chuyến thăm của ông Obama là biểu tượng cho thành công của chính sách “xoay trục sang Châu Á” của chính quyền.

Ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao cho chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược CSIS, nói: “Quyết định của Tổng thống đưa tiến trình bình thường hóa giữa hai nước kình địch ở chiến trường tiến xa thêm một bước và đem lại cho Việt Nam một lá chắn chống lại thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.”

Giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Đại học New South Wales ở Australia, ông Carl Thayer nói việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp bình thường hóa các quan hệ ngoại giao.

Nhưng ông Thayer nói nhân quyền vẫn còn là một yếu tố chủ chốt trong chính sách của Hoa Kỳ, với việc dỡ bệnh lệnh cấm vận là “một sự đáp trả chính trị và ngoại giao cho sự hợp tác của Việt Nam.”

Ông Thayer nói với đài VOA: “Nhưng trong một ý nghĩa thực tế thì chưa có thay đổi nào. Lệnh cấm vận vũ khí nay được dỡ bỏ Việt Nam vẫn phải thông qua những hạn chế giống như bất cứ ai muốn mua vũ khí của Hoa Kỳ, và chính sách của Hoa Kỳ có liên quan đến nhân quyền vẫn có hiệu lực.”

Các lợi ích đối với Việt Nam từ sự thay đổi mang ý nghĩa một sự chấm dứt “kỳ thị chính trị” trong khi Hoa Kỳ gỡ bỏ một trở ngại chính cho công cuộc hợp tác quốc phòng. Nhưng ông Thayer nói ngay lúc này Việt Nam sẽ dựa vào đối tác lâu dài là Nga để mua các khí tài quân sự chính.

“Thiết bị hiện đại nhất của Việt Nam là chiến đấu cơ Sukhoi Su-30, các tàu lớp Gepard, các tàu ngầm lớp Kilo, đều là của Nga.”

Song ông Thayer dự kiến Việt Nam sẽ trông đợi vào Hoa Kỳ về kỹ thuật thông tin liên lạc hiện đại, tình báo và radar ven biển, kỹ thuật thám thính và trinh sát để nắm bắt tình hình trên biển.

Người dân chờ đón Tổng thống Obama bên ngoài chùa Ngọc Hoàng tại TpHCM, ngày 24/5/2016.
Người dân chờ đón Tổng thống Obama bên ngoài chùa Ngọc Hoàng tại TpHCM, ngày 24/5/2016.

Nhà khoa học chính trị người Thái Lan, ông Thitinan Pongsudirak của trường Đại học Chulalongkorn mô tả việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí là “một dấu mốc quan trọng” trong bang giao Việt-Mỹ.

Ông Thitinan nói cả hai nước đều có nhu cầu xây dựng mối bang giao.

Ông nói với đài VOA: “Việt Nam thực sự cần Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc và đồng thời Hoa Kỳ muốn xây dựng và củng cố một di sản mà ông Obama đề ra dưới sách lược tái quân bình. Vì thế theo tôi Hoa Kỳ đang thực sự đẩy mạnh thế bài ở khắp các khu vực, nhất là trong mặt trận hàng hải.”

Nhưng Trung Quốc đã xây dựng ảnh hưởng ngoại giao trên đất liền ở đông nam châu Á, nhất là ở Cambodia, Thái Lan và Lào – trong khuôn khổ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Và Philippin cũng chống lại các khẳng định chủ quyền nhiều hơn của Trung Quốc ở Biển Đông và đã trông đợi vào sự hỗ trợ ngày càng tăng của Hoa Kỳ.

Ông Thitinan nói: “Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ bị đặt thêm dưới áp lực và Bắc Kinh nay có thể bị thúc đẩy phải tìm cách chia rẽ ASEAN nhiều hơn bởi vì Bắc Kinh sẽ cảm thấy bất an hơn từ mối quan hệ được tăng cường và củng cố một mặt giữa Hoa Kỳ và Philippin và mặt khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”

'Nhân quyền, phát triển kinh tế là những phần cấp thiết của tương lai VN'
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:32 0:00

Ông Tay ở Singapore nói với đài VOA: “Trong ý nghĩa đó, thì ASEAN có nguy cơ bị phá vỡ, tầm quan trọng của ASEAN sẽ bỗng dưng bị suy yếu và mỗi nước sẽ trở thành một vệ tinh của một cường quốc này hay cường quốc kia.”

Mặc dầu là một thành viên chủ chốt trong Hiệp định Hợp tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ lãnh đạo, Việt Nam cũng dựa vào Trung Quốc về mậu dịch và đầu tư thương mại và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Ông Thitinan nói: “Trung Quốc là một nước láng giềng khổng lồ mà Việt Nam không thể khiêu khích. Đồng thời, Việt Nam đang dùng TPP như cách thức để bảo hiểm. Vì vậy Việt Nam đã đặt một chân vào phe của Mỹ rồi – đồng thời Việt Nam không muốn công khai khiêu khích phía Trung Quốc – đây là một trò chơi sách lược địa chính của Việt Nam.”

Tổng thống Obama sẽ đến thành phố Hồ Chí Minh, trước khi là Saigon, nơi trọng điểm được chuyển qua thương mại với một bài phát biểu trước các doanh gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG