Đường dẫn truy cập

Nga tìm cách lôi kéo Hy Lạp về phe mình


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bắt tay sau cuộc họp tại điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 8/4/2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bắt tay sau cuộc họp tại điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 8/4/2015.

Trong lúc Hy Lạp tiến hành những cuộc điều đình gay go với các chủ nợ Châu Âu, chuyến viếng thăm Moscow của thủ tướng Alexis Tsipras được xem là một nỗ lực để tăng cường vị thế đàm phán bằng cách đưa nước ông xích lại gần hơn với Nga. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgewell của đài VOA tại London, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư tuyên bố Hy Lạp đã bị Liên hiệp Châu Âu ép buộc để bỏ phiếu tán thành những biện pháp chế tài chống lại Moscow vì vụ khủng hoảng Ukraine, và nhà lãnh đạo Nga đã thảo luận với vị thủ tướng của Hy Lạp về vấn đề thương mại, nhưng không hứa hẹn gì về một kế hoạch cứu nguy tài chánh.

Trong lúc Hy Lạp đang ở bờ vực phá sản, nhiều người đồn đoán Thủ tướng Alexis Tsipras đến Moscow để xin viện trợ tài chánh. Nhưng tại cuộc họp báo hôm thứ Tư sau khi tiếp kiến nhà lãnh đạo Hy Lạp, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sự thể không phải là như vậy.

Ông Putin nói: "Hy Lạp không hề đề cập tới vấn đề viện trợ. Chúng tôi đã thảo luận về sự hợp tác trong nhiều lãnh vực kinh tế, kể cả việc thực hiện những dự án lớn về năng lượng."

Cả hai nhà lãnh đạo nói rằng họ muốn phục hồi hoạt động thương mại song phương, vốn bị giảm 40% sau khi Liên hiệp Châu Âu áp đặt các biện pháp chế tài đối với Nga. Nhưng ông Putin cho biết ông sẽ không tìm cách lợi dụng vụ khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp.

​Ông Putin cho biết: "Tôi muốn bảo đảm với quí vị là chúng tôi sẽ không lợi dụng bất kỳ tình huống nào trong nội bộ của Liên hiệp Châu Âu để giải quyết từng chút từng một vấn đề cải thiện quan hệ với Liên hiệp Châu Âu như một khối."

Ông Putin nói: "Hy Lạp không hề đề cập tới vấn đề viện trợ. Chúng tôi đã thảo luận về sự hợp tác trong nhiều lãnh vực kinh tế, kể cả việc thực hiện những dự án lớn về năng lượng."
Ông Putin nói: "Hy Lạp không hề đề cập tới vấn đề viện trợ. Chúng tôi đã thảo luận về sự hợp tác trong nhiều lãnh vực kinh tế, kể cả việc thực hiện những dự án lớn về năng lượng."

Hy Lạp đang tiến hành những cuộc điều đình gay go với các chủ nợ Liên hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Họ đòi Athens phải thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng hơn nữa thì họ mới cung cấp các khoản tiền trong kế hoạch cứu nguy 260 tỉ đô la.

Ông Andrew Foxall của Hội Henry Jackson, một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Anh, cho rằng việc Hy Lạp tán tỉnh Nga là một phần của canh bạc đó.

Ông Foxall nói: "Những gì mà chúng ta nhận thấy ở đây là Hy Lạp thật sự muốn nói với Liên hiệp Châu Âu là họ có thể đề nghị với Nga là họ sẽ dùng quyền phủ quyết của họ trong Liên hiệp Châu Âu để phủ quyết các biện pháp chế tài vào cuộc họp tháng 7 tới đây để đổi lấy một kế hoạch cứu nguy kinh tế. Nhưng tôi không nghĩ rằng Hy Lạp sẽ thật sự làm như vậy."

Liên hiệp Châu Âu đã cảnh báo Hy Lạp chớ phá vỡ sự đoàn kết của Liên hiệp Châu Âu đối với sự can thiệp của Nga ở Ukraine. Ông Foxall cho rằng Athens đang chơi một trò chơi nguy hiểm.

Ông Foxall nói: "Bất cứ thoả thuận nào đạt được với Nga cũng đều gây thêm thiệt hại cho các mục tiêu của Hy Lạp."

Mặc dù vậy, theo ông Emmanuel Karagiannis của Đại học King’s College ở London, Hy Lạp đang cần đầu tư nước ngoài để chấn hưng kinh tế.

Ông Karagiannis cho biết: "Trong nhiều năm nay các nhà đầu tư Nga đã bị loại một cách không chính thức ra khỏi một số khu vực của nền kinh tế Hy Lạp, như năng lượng và giao thông, vì những sự nghi ngại của Liên hiệp Châu Âu đối với điều được cho là âm mưu của Nga ở bán đảo Balkan. Điều này đã thay đổi."

Trong lúc Hy Lạp đang ở bờ vực phá sản, có nhiều đồn đoán Thủ tướng Alexis Tsipras đến Moscow để xin viện trợ tài chánh.
Trong lúc Hy Lạp đang ở bờ vực phá sản, có nhiều đồn đoán Thủ tướng Alexis Tsipras đến Moscow để xin viện trợ tài chánh.

Hy Lạp, Hungary và Serbia đã tán thành những kế hoạch để xây đường ống dẫn khí đốt của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Moscow đã dành cho đảo Síp một khoản tín dụng 2 tỉ đô la và cho biết họ có thể dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ một số nước hội viên Liên hiệp Châu Âu ở Đông Âu.

Về việc này, nhà phân tích Foxall của Hội Henry Jackson, cho biết như sau: "Chiến lược của Nga trong nhiều năm qua đối với Châu Âu là chia để trị, nhắm vào những thành viên yếu hơn của Liên hiệp Châu Âu."

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Nga bị hạn chế vì vụ khủng hoảng tài chánh của chính họ và do đó Moscow chỉ có thể cung cấp những sự trợ giúp có tính chất bổ sung cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn ở Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG