Đường dẫn truy cập

Các ngân hàng nước ngoài sắp trở lại Myanmar


Nhân viên làm việc tại trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương ở Naypyitaw, Myanmar.
Nhân viên làm việc tại trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương ở Naypyitaw, Myanmar.

Myanmar đang tiến hành các biện pháp cho phép các ngân hàng nước ngoài trở lại vào cuối năm nay, cung cấp một nguồn tài chính chủ yếu trong một quốc gia thiếu vốn để phát triển.

Sau hơn 5 thập niên, các ngân hàng nước ngoài đang sẵn sàng cho việc hoàn toàn trở lại Myanmar vào cuối năm nay, trong khuôn khổ các cải cách chính sách của chính phủ nhằm phát triển nền kinh tế và cơ sở hạ tầng.

Các ngân hàng nước ngoài có mặt tại Myanmar, còn gọi là Miến Ðiện, từ năm 1963, đã bị quốc hữu hóa sau khi quân đội lên nắm quyền.

Nhiều năm cô lập tách khỏi cộng đồng quốc tế và bị chế tài kinh tế và thương mại cũng gây phương hại cho sự phát triển của khu vực ngân hàng.

Kể từ khi Myanmar cởi mở hơn về chính trị vào năm 2011, khoảng 40 ngân hàng quốc tế đã mở các văn phòng đại diện, cung cấp các dịch vụ cố vấn có giới hạn.

Phó thống đốc ngân hàng trung ương, Set Aung, cho hay có tới 10 ngân hàng nước ngoài sẽ được cấp giấy phép và sẽ mở cửa cho các dịch vụ ngân hàng có giới hạn bắt đầu từ tháng 9.

Ðến ngày 6 tháng này, một hội đồng cấp phép, gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Tư pháp, đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF, và một toán tham vấn Ðức, sẽ hoàn tất một cuộc duyệt xét các đơn xin. Ngân hàng Thế giới đề nghị các ngân hàng mới có một số vốn cơ bản là 75 triệu đôla.

Ông Sean Turnell, một giáo sư kinh tế học tại trường Ðại học Macquarie, nói xét tình trạng thiếu phát triển trong khu vực ngân hàng của Myanmar, các ngân hàng nước ngoài có thể đóng một vai trò chủ chốt trong việc cung cấp vốn cấp thiết và tiếp cận với các liên kết thương mại quốc tế.

ÔngTurnell nói: “Myanmar cần gì? Ðiều họ cần nhất là vốn – vì họ không có tí vốn nào. Cơ bản hệ thống ngân hàng có ở đó trong lúc này còn nhỏ hơn là một ngân hàng cỡ trung ở Hoa Kỳ. Vì thế, ta cần có vốn. Lấy vốn ở đâu ra? Ta phải trông cậy vào các ngân hàng nước ngoài – các ngân hàng địa phương lúc này không đủ lớn.”

Khu vực ngân hàng của Myanmar vẫn còn kém phát triển rất nhiều.
Khu vực ngân hàng của Myanmar vẫn còn kém phát triển rất nhiều.

Khu vực ngân hàng của Myanmar vẫn còn kém phát triển rất nhiều. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy chỉ có 4 phần trăm trong số khoảng 61 triệu người có tài khoản ngân hàng hay tài khoản tiết kiệm. Nhiều người trông cậy vào “ngân hàng không chính thức”, trong đó có việc vay mượn của những chủ nợ gọi là cá mập, với tiền lời khủng khiếp.

Myanmar là một trong những nước nghèo nhất ở châu Á với khoảng 43 phần trăm dân chúng sống với mức thu nhập chưa đầy 2 đôla một ngày và 80 phần trăm kiếm được 5 đôla một ngày.

Phát triển khu vực ngân hàng là điều thiết yếu để hỗ trợ cho các cải cách kinh tế, nhưng có những thách thức vì tình trạng thiếu tiến bộ trong mấy thập niên vừa qua, theo ông Kobsack Pootrakool, một phó chủ tịch điều hành tại Ngân hàng Bangkok của Thái Lan.

Ông Pootrakool cho biết: “Trong khu vực ngân hàng, các thách thức chính đối với Myanmar là làm thế nào để khai triển hệ thống ngân hàng của chính mình để có thể hỗ trợ cho việc phát triển các doanh nghiệp cỡ vừa, và công ty địa phương riêng của mình để sau này cạnh tranh với các công ty đa quốc đổ vào nước.”

Các ngân hàng địa phương và những người ủng hộ đã tìm cách gây trở ngại cho việc cải cách luật lệ vì lo sợ trước sự cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài. Nhưng Tổng thống Thein Sein chống lại những lời kêu gọi, và nhấn mạnh việc xúc tiến cải cách.

Các ngân hàng địa phương lo ngại về việc cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế.
Các ngân hàng địa phương lo ngại về việc cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế.

Giáo sư Turnell của trường Ðại học Macquarie nói các ngân hàng địa phương lo ngại về việc cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế tài chính đầy đủ, còn có thể cướp cả nhân viên địa phương của họ. Nhưng ông Turnell nói những nỗi lo ngại đó đã bị thổi phồng.

Ông Turnell nói: “Các ngân hàng địa phương tự mình hoảng sợ trước các ngân hàng nước ngoài. Dù sao, phần lớn khoản vay mượn của các ngân hàng nước ngoài sẽ là do các công ty đa quốc nước ngoài. Tình trạng thiếu một khu vực tài chính có chức năng đang thực sự nằm cao trong danh sách các lý do vì sao các công ty đó không xúc tiến việc đầu tư. Do đó về một phương diện, các ngân hàng nước ngoài làm được việc ấy. Nhưng làm như thế họ đem lại một thứ mà các ngân hàng địa phương dù gì cũng không làm được.”

Các ngân hàng nước ngoài vẫn còn phải đương đầu với những hạn chế. Họ bị giới hạn chỉ được có một chi nhánh cung cấp dịch vụ giới hạn kể cả việc cho các công ty nước ngoài vay tiền. Muốn cho các công ty địa phương vay tiền thì phải có sự hợp tác với các ngân hàng địa phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG