Đường dẫn truy cập

Người Karen tị nạn ở Thái Lan vẫn mong ngày trở về Miến Ðiện


Những người tị nạn sắc tộc Karen ở Thái Lan.
Những người tị nạn sắc tộc Karen ở Thái Lan.

Miền bắc Thái Lan lâu nay là nơi tị nạn của hàng ngàn người Miến Ðiện chạy trốn cuộc xung đột sắc tộc và chính quyền quân nhân. Sau khi Miến Ðiện cởi mở hơn về mặt chính trị, nhiều người tị nạn đã hồi hương, nhưng vẫn còn nhiều người khác, như những người thuộc nhóm sắc tộc Karen, nói rằng tình hình vẫn chưa an toàn. Từ Mae Sot, Thái Lan, thông tín viên Steve Sandford gởi về bài tường thuật do Tấn Chương trình bày sau đây.

Dọc theo biên giới Thái Lan và Miến Ðiện, 120.000 người tị nạn ở trong 9 trại, trong đó có trại ở Mae Sot – trại tị nạn lớn nhất, đã được lập ra cách nay 30 năm.

Hầu hết những người tạm cư trong trại này đến từ bang Karen ở kế bên. Họ đi lánh nạn chiến tranh và tình trạng bị ngược đãi trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 thập niên qua ở Miến Ðiện.

Những đứa bé Karen tại một lớp học ở trại tị nạn Mae La tại huyện Mae Sot thuộc tỉnh Tak, miền bắc Thái Lan.
Những đứa bé Karen tại một lớp học ở trại tị nạn Mae La tại huyện Mae Sot thuộc tỉnh Tak, miền bắc Thái Lan.


Đối với nhiều người tị nạn, như anh Moe So Fah, 19 tuổi, một thanh niên sống từ nhỏ tới bên biên giới Thái Lan, thì kiếm sống bằng cách làm việc chui bên ngoài trại tị nạn là một việc nguy hiểm.

Anh Moe So Fah nói: “Trước đây chúng tôi được phát đủ gạo để ăn, nhưng bây giờ số gạo được phân phát đã giảm đi. Tôi sợ bị cảnh sát bắt nếu đi làm chui bên ngoài trại. Họ sẽ phạt từ 1.000 đến 2.000 baht.”


Trong lúc những sự thay đổi Miến Ðiện tạo ra những điều kiện tốt hơn để một số người tị nạn hồi hương, các tố chức và quốc gia cấp viện đã giảm bớt ngân khoản tài trợ cho các tổ chức chuyên giúp đỡ người tị nạn, như tổ chức The Border Consortium. Sự thiếu hụt ngân khoản dẫn đến việc những sự trợ giúp cơ bản như khẩu phần gạo bị cắt giảm.

Bà Sally Thompson, Giám đốc của tổ chức Border Consortium, nói rằng sự cắt giảm này xảy ra vào một thời điểm mà người tị nạn cần được giúp dỡ nhiều nhất.

Bà Thompson cho biết: “Trong tình hình mà các dịch vụ bị cắt giảm thêm nữa, thì có nguy cơ là cơ cấu của các trại tị nạn sẽ xuống cấp và sụp đổ, ngay vào lúc mà chúng ta muốn thấy những người tị nạn trong các cộng đồng kết nối với nhau để chuẩn bị cho tương lai của họ.”

Người Karen tại một trại tị nạn ở Limbo, Thái Lan.
Người Karen tại một trại tị nạn ở Limbo, Thái Lan.


Bất chấp những khó khăn dọc theo biên giới, những người tạm cư lâu năm tại các trại tị nạn vẫn có cảm giác ổn định và an ninh.

Và đó là điều vẫn chưa có trên quê hương của họ, nơi mà cuộc chiến tranh 63 năm qua đã biến khu vực này thành một nơi hoang tàn.

Bà Ma Yel Pel, một người Karen tị nạn, cho biết: “Nếu chúng tôi trở về Miến Ðiện, họ phải có đất cho chúng tôi và phải bảo đảm là những vụ chà đạp nhân quyền không xảy ra nữa. Lúc đó chúng tôi mới dám về lại Miến Ðiện.”

Trong lúc này, mặc dù chính trị ở Miến Ðiện đang chuyển biến, tương lại của các nhóm sắc tộc của nước này vẫn chưa rõ ràng trong khi một thế hệ mới tiếp tục lớn lên trong các trại tị nạn ở bên kia biên giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG