Đường dẫn truy cập

Mỹ theo dõi sát tình hình Iraq


Chiến binh của các bộ lạc liên kết với lực lượng chính phủ Iraq tuần tra các đường phố ở thành phố Fallujah, 50 km về phía tây thủ đô Baghdad, ngày 5/1/2014.
Chiến binh của các bộ lạc liên kết với lực lượng chính phủ Iraq tuần tra các đường phố ở thành phố Fallujah, 50 km về phía tây thủ đô Baghdad, ngày 5/1/2014.
Tổng thống Barack Obama và các cố vấn của ông đang theo dõi sát tình hình ở Iraq, nơi lực lượng chính phủ đang đương đầu với các phần tử chủ chiến có liên hệ với al-Qaida. Washington hiện triển khai các máy bay không người lái và phi đạn cũng như thúc giục chính phủ Iraq do người Shia chiếm đa số cùng các thủ lĩnh bộ tộc Sunni đoàn kết để chống lại các phần tử chủ chiến. Nhưng các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ có ít lựa chọn. Dan Robinson, thông tín viên phụ trách đưa tin chính về Tòa Bạch Ốc, ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tại Ramadi và Fallujah ở tỉnh Anbar miền tây, các binh sĩ của chính phủ Iraq đối mặt với các phần tử chủ chiến Hồi giáo có liên hệ với al-Qaida.

Một mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chính quyền trung ương kể từ khi binh sĩ Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011 là việc các phần tử chủ chiến Sunni đã chiếm quyền kiểm soát một số khu vực tại cả hai thành phố này.

Cuộc nổi dậy hiện thời giống với những gì mà binh sĩ Mỹ phải đối mặt sau cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003. Thủ tướng Nouri al-Maliki đã kêu gọi các thủ lĩnh bộ lạc tại Anbar trục xuất các phần tử al-Qaida.

Nhưng theo ý kiến của chuyên gia phân tích an ninh quốc gia của Viện Brookings Michael O’Hanlon, tình trạng bạo lực có thể gia tăng.

"Nếu ta tiến vào một cách tàn bạo và trấn áp một nhóm nào đó ở một khu vực dân cư nào đó vào một lúc nào đó, thì ta chỉ khuấy động sự oán hận và tức giận của các nhóm khác cùng sắc tộc mà thôi. Và vì thế, ta sẽ tạo ra những kẻ thù mới, ngay cả trong khi ta đã vô hiệu hóa hoặc giết chết những kẻ khác.”

Tổng thống Obama coi việc rút quân khỏi Iraq là một trong những thành tựu lớn của ông, dù hai nước không đạt đồng thuận về việc duy trì sự hiện diện quân sự Mỹ ở nước này.

Ông Obama đã loại bỏ khả năng đưa các lực lượng tác chiến trở lại Iraq, nhưng hiện triển khai các phi đạn không đối đất và máy bay không người lái.

Đáp lại các lời chỉ trích mới về Iraq từ các nhà lập pháp Cộng hòa, phát ngôn viên của ông Obama, Jay Carney, nói rằng không có lý do nào để nghĩ rằng binh sĩ Mỹ có thể đã ngăn chặn được một cuộc xung đột sắc tộc.

“Đã xảy ra xung đột sắc tộc, xung đột sắc tộc đầy bạo lực, tại Iraq khi có sự hiện diện của 150 nghìn binh sĩ Mỹ tại thực địa. Vì thế cho nên ý kiến cho rằng cuộc xung đột như vậy sẽ không xảy ra nếu có 10 nghìn binh sĩ ở Iraq, theo tôi, cần phải xét kỹ”.

Nhà phân tích chính trị Anthony Cordesman nói rằng Anbar nằm trong khuôn khổ một cuộc tranh giành lớn hơn giữa người Hồi giáo Sunni và Shia trong khu vực.

Ông nói rằng Hoa Kỳ cần phải tìm ra lựa chọn ít tệ hại nhất.

“Nhiều điều chúng ta có thể làm, là chỉ rất âm thầm đưa các phe phe phái lại với nhau, thúc đẩy chính phủ của ông Maliki có một quan điểm cân bằng hơn khi xử sự với người Sunni, tôn trọng họ hơn nữa và chấm dứt những kiểu thanh trừng chính trị như thế này”.

Gần 4.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại Iraq trong khoảng thời gian từ năm 2003 tới năm 2011.

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy cuộc xung đột này nằm trong số những cuộc xung đột gây chia rẽ nhất đối với người Mỹ, và nhiều người vẫn còn đặt dấu hỏi là đã đạt được những gì.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG