Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo mới của Trung Quốc đối mặt với các thách thức kinh tế


Cảnh sát Trung Quốc đứng gác tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 1/11/2012.
Cảnh sát Trung Quốc đứng gác tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 1/11/2012.
Nền kinh tế Trung Quốc có thời bộc phát mạnh mẽ đang cho thấy các dấu hiệu khựng lại và trên đường tiến vào năm tệ hại nhất về tăng trưởng kinh tế từ hơn 1 thập niên. Lèo lái nền kinh tế nước này theo đúng hướng là một trong các thách thức chủ yếu mà các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc phải ứng phó vào lúc cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm mới có một lần bắt đầu vào ngày 8 tháng này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các thành phố hiện đại của Trung Quốc được xây dựng trên quy mô lớn, với kiến trúc ở những nơi như Bắc Kinh đi từ chỗ cách tân cho tới kỳ diệu. Nhưng ngay trên các góc đường nhộn nhịp của Bắc Kinh là những dấu hiệu của các nguy cơ nền kinh tế Bắc Kinh đang phải ứng phó, theo nhận định của kinh tế gia Patrick Chovanec đang làm việc ở Bắc Kinh.

Ông Chovanec cho biết: “Tôi nghĩ rằng những toà nhà trống trơn mà quý vị thấy là biểu hiệu chính cho cách thức Trung Quốc thúc đẩy sự tăng trưởng trong mấy năm vừa qua. Nó đã là một sự bột phát đầu tư và do đó Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tạo ra khả năng, khả năng về gia cư, về cơ sở hạ tầng, về sản xuất. Và để cho sự tăng trưởng đó trở thành hiện thực, thì phải có một đầu sử dụng và đó là thách thức, ấy là đầu sử dụng đó từ đâu mà ra.”

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phát tác vào năm 2008, Trung Quốc đã tránh khỏi được tình trạng trì trệ bằng cách phát động một chương trình kích hoạt gần 590 tỷ đôla. Nhưng nay, vào lúc tăng trưởng hàng năm dự kiến sẽ sụt xuống dưới mức 8% trong năm nay, các kinh tế gia cảnh báo rằng sách lược đó sẽ không có tác dụng nữa.

Ông Chovanec nói: “Sự bộc phát đầu tư đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trước tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bột phát đầu tư đó đã suy sụp, đã oằn xuống dưới sức nặng của chính nó. Khối nợ xấu và ở một chừng mực nào đó, tình trạng lạm phát do việc bơm phồng nền kinh tế đầy tiền bạc đã tạo ra một tình hình không bền vững.”

Các kinh tế gia cho rằng khoảng 80% trong kế hoạch kích hoạt kinh tế khổng lồ năm 2008 đã đi vào các xí nghiệp quốc doanh, hiện vẫn chế ngự nền kinh tế. Làm suy yếu ảnh hưởng của các xí nghiệp này là một thách thức chủ yếu đối với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, theo nhận định của giáo sư Hồ Tinh Ðẩu. Ông nói các xí nghiệp quốc doanh chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Hồ cho biết: “Nhưng thậm chí với tỷ lệ đó, các xí nghiệp này vẫn dẫn đầu nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dầu chỉ chiếm từ 30 đến 40 phần trăm nền kinh tế Trung Quốc, các xí nghiệp này kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc và tất cả các khu vực làm ra tiền bạc.”

Phá vỡ độc quyền mà các xí nghiệp quốc doanh nắm trong nền kinh tế sẽ không phải là chuyện dễ dàng, nhất là bởi vì sức mạnh và ảnh hưởng chính trị mà chúng chiếm lãnh.

Ông Hồ giải thích: “Bởi vì có hai vấn đề chính trong nền kinh tế Trung Quốc. Một là sức mạnh đó can dự quá nhiều vào các vấn đề kinh tế, vấn đề thứ nhì là các đặc quyền, và tác động của các đặc quyền đó đối với cơ cấu của nền kinh tế.”

Vẫn chưa rõ được các kế hoạch mà giới lãnh đạo mới của Trung Quốc có đối với các xí nghiệp quốc doanh, nhưng các rủi ro rất cao. Duy trì một nền kinh tế ổn định là một lý do chính khiến Trung Quốc vẫn còn sẵn sàng chấp nhận sự độc tôn liên tục của đảng về quyền lực chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG