Đường dẫn truy cập

Campuchia đối mặt nhiều thách thức để ngăn ngừa HIV/AIDS


Những nỗ lực Campuchia nhằm chặn đứng HIV/AIDS trong 15 năm qua đã được ca ngợi, và đưa quốc gia này đi trước nhiều nước có lợi tức thấp. Tuy nhiên, một số những người có liên hệ đến việc này lo ngại là một loạt các thách thức có thể sẽ phá vỡ những thành quả đã đạt được.

Trong nhiều năm, Campuchia dựa vào các tổ chức và quốc gia cấp viện để tài trợ cho cuộc chiến rất thành công chống lại HIV/AIDS. Chẳng hạn như vào năm 2012, 90% số tiền 50 triệu đô la chi tiêu trong việc chống lại căn bệnh này đến từ các nhà tặng dữ như Quỹ Toàn cầu, chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Australia.

Các công tác phòng ngừa, giáo dục và chữa trị được thực hiện trong nhiều năm đã mang lại kết quả: tỉ lệ dương tính với HIV trong số những người trưởng thành giảm từ 2% trong năm 1998 xuống còn khoảng 0,7%, vượt xa con số 1% trước năm 2015 của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm. Những nỗ lực này nằm dưới sự lãnh đạo của Trung tâm Quốc gia HIV/AIDS, Da liễu và STD hay còn gọi là NCHADS, một cơ quan của chính phủ phụ trách công tác diệt trừ HIV.

Người đứng đầu NCHADS, Bác sĩ Mean Chhivun, còn có những mục tiêu nhiều tham vọng hơn nữa.

Ông nói: “Dựa trên những kinh nghiệm chúng tôi có được trong 15 năm qua, căn cứ trên những bài học chúng tôi học được trong việc phòng chống HIV và chăm sóc tốt hơn cho những người bị lây nhiễm HIV và AIDS, chúng tôi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là hoàn toàn không còn những ca lây nhiễm mới vào năm 2020.”

Tại Campuchia, hầu hết những vụ lây lan HIV xảy ra trong những hoạt động tình dục giữa nam và nữ. Nhóm dân số gặp nhiều rủi ro là khoảng 36,000 những người hoạt động trong lãnh vực giải trí, nhiều người trong số này bán dâm, cũng như những người chích ma túy, đàn ông quan hệ tình dục với đàn ông, và những người chuyển đổi giới tính.

Những nhóm gặp nhiều nguy cơ này có thể khó bị phát hiện, nên NCHADS và những đối tác của họ làm việc với các tổ chức xã hội dân sự đại diện cho những quyền lợi của các nhóm này. Cách đây một năm, NCHADS đưa ra một chương trình thử nghiệm HIV bằng cách lấy máu trên đầu ngón tay và tham vấn cho những người gặp nhiều rủi ro nhất.

Chương trình này hiện đã tiếp xúc được với khoảng 40% những người trong các nhóm này. Bác sĩ Chhivun nói trong vòng một năm, chương trình sẽ tiếp xúc được khoảng 90% số dân các nhóm này.

Những người bị nhiễm HIV tham dự lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS tại một ngôi chùa ở tỉnh Kandal, Campuchia..
Những người bị nhiễm HIV tham dự lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS tại một ngôi chùa ở tỉnh Kandal, Campuchia..

Đó là tất cả những gì mà bác sĩ Chhivun gọi là “đạt được nhiều kết quả với chi phí tối thiểu”. Đây là điều trở thành ngày càng quan trọng giữa lúc các nhà tặng dữ cắt giảm viện trợï.

Bác sĩ Chhivun cho biết: “Do đó chúng tôi phải xác định cho được những biện pháp ít tốn kém nhưng với hiệu quả cao hay kết quả tốt. Điều này rất quan trọng, bởi vì chúng tôi dùng những khả năng mà chúng tôi đã xây dựng được trong 15 năm qua để giữ vững những nỗ lực của chúng tôi và cũng giữ được việc bao phủ toàn diện những người bị lây nhiễm - Đây là thách thức chính chúng tôi phải đối mặt trong tương lai khi có những thiếu hụt tài chánh.”

Tuy nhiên tiền bạc chỉ là một phần của vấn đề. Một vấn đề khác là những nhóm chính vẫn còn ở trong tình trạng bị gạt ra bên lề - một số nhóm còn bị kỳ thị nhiều hơn trước đây. Tổ chức HACC, một nhóm qui tụ khoảng 120 tổ chức bất vụ lợi và xã hội dân sự cho biết đó là 36,000 gái mãi dâm, chiếm gần 15% những người dương tính đối với HIV, những người chích ma túy, và đàn ông giao tiếp tình dục với đàn ông.

Bà Marie-Odile Edmond, người đứng đầu tổ chức UNAIDS Campuchia, nói 83% trong số 76,000 những người dương tính đối với HIV hiện đang dùng thuốc chống HIV/AIDS và tỉ số tử vong do những bệnh có liên hệ đến AIDS giảm 72% trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2013.

Tuy nhiên bà nói thêm những nhóm gặp rủi ro cao không được giúp đỡ đúng mức. Hai đạo luật được ban hành trong những năm gần đây đã làm cho việc tiếp xúc với những nhóm này trở nên khó khăn hơn: một đạo luật chống buôn người, cũng đặt ra ngoài vòng pháp luật những nơi chứa gái mãi dâm, khiến cho những người này phải hoạt động chui; và một đạo luật tăng cường an ninh tại địa phương.

Một bé gái Campuchia bị nhiễm HIV cùng với những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS thắp nến trong một buổi cầu nguyện tại Phnom Penh, Campuchia.
Một bé gái Campuchia bị nhiễm HIV cùng với những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS thắp nến trong một buổi cầu nguyện tại Phnom Penh, Campuchia.

Bà Edmond nói tiếp: “Và hậu quả của những luật này thực sự đã khiến cho nhiều người trong nhóm dân này, những người dễ lây nhiễm HIV - gái mãi dâm hay những người sử dụng ma túy - sợ bị bắt và do đó phải hoạt động chui.”

Bà Edmond nói đây là một vấn đề nghiêm trọng có thể phá hoại những nỗ lực tiêu trừ các vụ lây nhiễm mới.

Giải pháp, ít nhất một phần, là UNAIDS và những tổ chức khác xét lại các mục đích để đảm bảo là những nhóm này biết những dịch vụ nào họ có thể tiếp cận được. Bà Edmond nói Campuchia hiện đang “ở ngả tư đường.”

Bà Edmond nhận định rằng: “Do sẽ có những thay đổi lớn về số tiền tài trợ trong vài năm tới, chúng tôi thực sự hy vọng là chính phủ sẽ gia tăng số tiền tài trợ của nhà nước vì thực sự tất cả những đầu tư và những kết quả đạt được để đối phó với HIV cần phải bền vững.”

Cho đến nay, chính những nỗ lực phối hợp giữa chính phủ, cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự và những nhóm dân gặp nhiều rủi ro giúp cho Campuchia thành công.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu có nhiều tham vọng là không có ca lây nhiễm HIV mới vào năm 2015, chính phủ ít nhất phải gia tăng chi tiêu và đảm bảo là các bộ cũng phải cùng đi một hướng. Cho đến nay, việc này chưa xảy ra.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG