Đường dẫn truy cập

Một năm sau, các gia đình nạn nhân chìm phà ở Nam Triều Tiên muốn câu phà lên


Ông Kwon Oh-bok đã ở Jindo kể từ ngày 16/4/2014. Ông đang kêu gọi chính phủ câu phà lên. (Jun Michael Park / VOA)
Ông Kwon Oh-bok đã ở Jindo kể từ ngày 16/4/2014. Ông đang kêu gọi chính phủ câu phà lên. (Jun Michael Park / VOA)

Tuần này, Nam Triều Tiên đánh dấu đúng 1 năm ngày xảy ra một trong các tai nạn hàng hải gây nhiều chết chóc nhất ở nước này. Hàng trăm hành khách trên chiếc phà Sewol đã tử nạn sau khi phà lật trong vùng nước ngoài khơi bờ biển phía nam bán đảo này. Một cuộc điều tra phát hiện chiếc phà chở quá tải và đã qua nhiều sửa đổi khiến phà không được ổn định. Phà hiện vẫn nằm dưới đáy đại dương. Nhưng thân nhân của những người mất tích nay muốn câu phà lên.

Cầu tàu bằng bê tông tại cảng Paengmok trải dài vài trăm mét ra biển. Hiện cầu tàu được phủ bằng ngói sơn, cờ và những tấm băng màu vàng – để tưởng niệm nạn nhân của tai nạn phà Sewol.

Chính nơi này, cách đây 1 năm vào ngày 16 tháng 4, nhân viên cứu hộ đã đưa lên bờ 172 người sống sót sau tai nạn và trong những tháng tiếp theo đó, gần 300 thi hài của những người chết đuối khi phà lật và bị đắm.

Đến tháng 11, nỗ lực tìm thêm xác người đã được đình lại, mặc dầu còn 6 thi hài mất tích. Một số gia đình nạn nhân tin rằng xác của họ còn kẹt bên trong xác tàu.

Và một số các người thân đó nay đang ở các lều nhỏ ngay cạnh cảng.

Một trong những người này là ông Kwon Oh-bok, 60 tuổi, có em và người cháu trai chưa được tìm thấy. Ông nói ông cảm thấy rất khó chịu.

Ông nói chính phủ đang chơi trò ú tim với các gia đình nạn nhân. Năm ngoái họ nói họ sẽ nâng tàu lên, nay họ nói họ cần phải duyệt lại kế hoạch. Ông cho biết sự đau khổ tiếp tục kéo dài.

Nâng phà lên và tìm ra xác những người mất tích sẽ giúp đem lại sự kết thúc cho các gia đình, theo bà Lee Geum-hee, 46 tuổi. Cô con gái chưa đầy 20 tuổi của bà là một trong các học sinh trung học đi trên chiếc phà Sewol ngày hôm đó và vẫn chưa tìm được xác.

Bà nói mọi người nhìn hình ảnh con em chết trên truyền hình trực tiếp và ngay tại cảng này. Bà nói thêm là vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Và nay nhiều gia đình nạn nhân phà Sewol cùng những người ủng hộ họ một lần nữa kêu gọi chính phủ Nam Triều Tiên đem lại những câu trả lời về tai nạn – từ đường phố.

Một số thân nhân nạn nhân, đã cạo trọc đầu để phản đối, nói rằng cuộc điều tra năm ngoái về tai nạn đã có nhiều sai sót và không mang đủ tính cách độc lập.

Người biểu tình tên là Chun Myeong-seon, bị mất con trai trên phà Sewol, nói thật là một sự sỉ nhục cho chính phủ khi đề nghị tiền bồi thường trong khi 9 hành khách còn mất tích.

Theo kế hoạch, các gia đình của mỗi học sinh trung học tử nạn sẽ nhận được khoảng 380.000 đôla. Các gia đình nạn nhân khác sẽ được nhiều hơn dựa vào các yếu tố như mất thu nhập.

Một số quan sát viên nói những vụ biểu tình này gây khó khăn cho đất nước đi tới.

Ông Yang Seung-ham, một giáo sư xã hội học tại trường Đại học Yonsei ở Seoul, cũng nói rằng các cải cách giả tạo của chính phủ sau khi xảy ra tai nạn, như giải thể đội tuần duyên, có nhiều phần chắc sẽ không ngăn chặn thêm một tai nạn nữa xảy ra.

Ông nêu ra rằng công chúng Nam Triều Tiên nay cũng không coi trọng vấn đề an toàn một cách nghiêm túc hơn:

“Sau tai nạn, chúng ta cần phải thay đổi tập tục an toàn, nhưng dân chúng, họ mau chóng quên đi thảm họa.”

Trở lại căn lều ở cảng Jindo, ông Kwon Oh-bok nói ông sẽ không đi đâu bây giờ.

Ông nói ông sẽ không rời khỏi nơi đây cho đến khi nào có một kế hoạch vững chắc để tìm ra những thi hài mất tích.

Ông Kwon nói thêm ông hy vọng sẽ rời khỏi cảng nay mai. Ông nói ông gần như phá sản và đã uống rượu quá nhiều vì đau buồn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG