Đường dẫn truy cập

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng và "Khi Ðồng Minh Tháo Chạy"


Nhân dịp 30 năm kỷ niệm 30 tháng Tư, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Giáo sư Kinh Tế tại trường đại học Howard đã cho xuất bản tập sách lấy tên là Khi Đồng Minh Tháo Chạy. Ngoài tư cách là cựu Tổng Trưởng Kế Hoạch của chế độ VNCH từ năm 1973 đến 1975, tác giả tập sách còn là Phụ Tá về Tái Thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ. Trong tư cách này ông đã làm việc tại Dinh Độc Lập, sát kề Tổng Thống Thiệu và Đại sứ Graham Martin. Và sau cùng, một tháng trước khi sụp đổ, Tổng Thống cuối cùng của miền Nam đã trao cho ông toàn bộ hồ sơ mật về bang giao Việt Mỹ trong thời gian từ cuối 1971 tới lúc cuối cùng vào mùa Xuân 1975.

Với con mắt của một giáo sư kinh tế đã từng giảng dạy tại các đại học Hoa Kỳ, ông đã vô cùng bàng hoàng khi đọc các hồ sơ mật này và thấy rõ sự bất công đối với nhân dân miền Nam. Sau đó ông đã dùng những bằng chứng này để đặt vấn đề với chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ, yêu cầu họ đền bù lại bằng cách chấp nhận người tỵ nạn. Huy Phương của ban Việt Ngữ có dịp trao đổi với tác giả và ghi lại như sau.

VOA: Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, tác giả tập sách “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” cho biết: tựa đề của tập sách được gợi hứng từ câu nói của ông Graham Martin, Đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại Saigon. Ông cựu đại sứ này đã nhận định về cuộc chiến tranh Việt Nam bằng một câu nói ngắn gọn: “Rút cuộc, người Mỹ chúng ta chỉ lo tháo chạy”.

Gần 20 năm trước đây, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã có một lần đưa ra trước ánh sáng các hồ sơ mật tại Dinh Độc Lập; nhưng lần này, tập sách mới đã đào sâu hơn nữa, có nhiều chi tiết chính xác hơn nữa, sau khi ông có dịp tiếp xúc với những người trong cuộc, sau khi ông đã nghiên cứu sách vở, hồi ký, tài liệu của những người góp phần đưa đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam; và nhất là, theo lời ông, sau khi tâm tư ông đã lắng đọng qua thời gian.

Tôi có 4 động cơ chính khi viết sách này. Thứ nhất, tôi muốn đặt lại vai trò và trách nhiệm của Hoa Kỳ. Do cơ duyên lịch sử run rủi, tôi đã được chứng kiến những gì đã xảy ra đang sau hậu trường bang giao Việt Mỹ vào những ngày tháng cuối cùng; và nghĩ là đã đến lúc viết ra một cách trung thực những gì mình đã chứng kiến để soi sáng cho lịch sử.

Thứ hai: tôi muốn nói lên tiếng nói về phía Việt Nam. Rất nhiều sách đã được viết về thời gian kết thúc cuộc chiến, phần nhiều rất là thiên lệch, nhất là sách của các tác giả người Mỹ, họ viết theo quan điểm của họ.

Thứ ba: tôi nghĩ đặc biệt đến giới trẻ Việt Nam, họ rất hoang mang, không hiểu rõ lịch sử, không đủ tài liệu để đọc. Nhiều em học sinh và sinh viên viết những bài essay về Việt Nam dựa trên tài liệu của thư viện hoặc Internet, tôi thấy có nhiều bài rất ngây ngô, thiên lệch. Tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục để các em viết như thế này thì lịch sử sẽ không được trung thực. Vì thế tôi đã cố gắng ghi lại các tài liệu bằng tiếng Anh và để trong phần phụ lục cho các em tham khảo. Ví dụ như câu của Tiến Sĩ Kissinger: “biết ơn không phải là đặc tính của người Việt Nam”, nếu chúng ta để các em trích câu đó vào các bài của mình thì làm sao đúng được.

Lý do sau cùng: tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm với chính cá nhân tôi sau khi có cơ hội được gần Tổng Thống Thiệu và Đại sứ Martin trong những ngày tháng cuối cùng, và sau năm 1975, đã được tiếp xúc rất nhiều với hai nhân vật này, đã được nghe và ghi lại nhiều điều tâm huyết.

VOA: Cách nay 30 năm, tác giả đã dốc hết tiền túi, mướn phòng họp của khách sạn May Flower ở thủ đô Washington mở một cuộc họp báo vào đúng ngày 30 tháng Tư năm 1975, để tiết lộ hai bức thư mật của Tổng Thống Nixon gửi Tổng Thống Thiệu, cho thấy là phía chính phủ Mỹ đã bội ước, để đánh động lương tri của nhân dân Hoa Kỳ giúp đỡ người tỵ nạn. Cuộc họp báo này sau đó đã có kết quả thấy rõ, số người tỵ nạn được nhận vào Mỹ có tăng lên, và phát triển thành một cộng đồng lớn như bây giờ.

Về câu hỏi tại sao bây giờ, sau 30 năm, ông lại muốn nhắc lại các hồ sơ mật này?

Có nhiều lý do. Thứ nhất, tôi nghĩ nên chờ một thời gian để mọi người lắng đọng tâm tư, bình tĩnh nhìn lại lịch sử một cách khách quan. Trong các thập niên 70, 80, 90 hầu hết anh chị em chúng ta chưa có cuộc sống ổn định, phải lo cho gia đình con cái, rối nối tiếp là những đoàn thuyền nhân.

Thứ hai, tôi cũng cần thời gian để nghiên cứu thật sâu, càng nghiên cứu thì càng rõ ra, ví dụ như hồi gần đây có những tiết lộ mới về ông Kissinger.

Thứ ba, tôi cũng cần thời gian để cá nhân tôi bớt được cường độ xúc động để viết lại cho trung thực hơn.

VOA: Có nhiều người đã nói rằng miền Nam sụp đổ vì hai lý do, Mỹ bỏ rơi và miền Nam thiếu ý chí tồn tại. Là người trong cuộc, tác giả Nguyễn Tiến Hưng cho biết:

Lý do tại sao miền Nam sụp đổ không thể nào nói hết được vì đó là tổng hợp của nhiều lý do đối nội đối ngoại. Nhưng phải nói rằng trước khi trách người khác mình phải tự trách mình, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Tuy nhiên lý do “Mỹ bỏ rơi” rất đúng vì miền Nam đã được sử dụng như một quân cờ trong ván cờ thế giới. Nhưng một khi đã bắt tay được với Mao Trạch Đông và hòa hoãn được với Liên Sô rồi thì cái “tiền đồn của thế giới tự do” đó không còn cần thiết nữa, và phải tìm cách tháo lui thôi. Câu hỏi đặt ra không phải là “có nên hay không nên bỏ rơi miền Nam” mà là “bỏ rơi như thế nào” thôi. Còn lý do “miền Nam thiếu ý chí” thì chính Đại Sứ Martin đã nói ngược lại là miền Nam không thiếu ý chí. 10 năm sau khi mất miền Nam, chính Đại Sứ Martin đã nói với tờ New York Times: “sau cùng, người Mỹ chúng ta chỉ lo tháo chạy, ở đây, chính là ý chí của Hoa Kỳ đã sụp đổ”.

VOA: Mặc dù bài học sau cuộc chiến Việt Nam không có tính cách phổ quát, không thể áp dụng cho khắp mọi nơi, nhưng tác giả đã dành nguyên một chương để nói về những bài học dành cho những quốc gia nào muốn làm đồng minh với Hoa Kỳ :

Tôi nghĩ có hai bài học. Thứ nhất, quốc gia muốn làm đồng minh với Hoa Kỳ cần nhận định rõ ràng về vấn đề quyền lợi. Quyền lợi là lý do chính để Hoa Kỳ nhảy vào bất cứ quốc gia nào. Còn những lý do khác , như bảo vệ nhân dân, tranh thủ độc lập, xây dựng dân chủ … đều chỉ là thứ yếu. Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara đã nói vào năm 1965 trước khi TQLC Mỹ đổ bộ Việt Nam: không phải để giúp một nước bạn mà để ngăn chận Trung Cộng . Thứ Trưởng Quốc Phòng Mc Naughton đã nói về chuyện đổ quân vào miền Nam Việt Nam: 70% là để tránh thất bại, làm bẽ mặt Mỹ; 20% là để Việt Nam khỏi rơi vào tay Trung Cộng và chỉ có 10% là để cho nhân dân Việt Nam sống trong tự do dân chủ, hòa bình hạnh phúc. Những chuyện này có tài liệu chứng minh rõ ràng.

Bài học thứ hai cho những quốc gia muốn làm đồng minh Hoa Kỳ là trong vấn đề quyền lợi thì quyền lợi kinh tế là lâu dài, còn quyền lợi chính trị hay ngoại giao chỉ là giai đoạn. Chúng ta có thể áp dụng bài học này cho Iraq hiện nay.

VOA: Với tư cách là một chứng nhân của lịch sử, tác giả cho biết những cảm nghĩ cá nhân, sau khi đã trải qua kinh nghiệm của ngày 30 tháng tư , và ông cũng cho biết điều gì có thể tránh được để khỏi xảy ra một kinh nghiệm quá ê chề như thế:

Tôi chỉ mang ra vài suy nghĩ thôi. Thứ nhất, về phía miền Nam, chúng ta không nên khoán trắng chuyện chiến tranh hay hòa bình cho một đồng minh, dù họ mạnh thế nào đi chăng nữa. Chế độ miền Nam đã quá ỷ y vào một đồng minh. Lẽ ra Tổng Thống Thiệu cũng nên uyển chuyển hơn về chính sách “Bốn Không” của ông. Còn về phía Hoa Kỳ tôi thấy có nhiều bài học, nhưng có 2 bài học hết sức quan trọng. Thứ nhất, phải giữ độ tin cậy trên chính trường quốc tế , Hoa Kỳ không nên hứa hẹn nhiều quá để rồi không làm được.

Thứ hai, nếu Hoa Kỳ có cam kết gì với đồng minh thì chớ có làm trong bóng tối, bởi vì ở một chính thể dân chủ trong sáng như Hoa Kỳ những chuyện làm trong bóng tối không thể bền vững được.

VOA: Tác giả Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Ước mong của ông khi viết tập sách này là để trả lại lịch sử những sự thật của lịch sử. Ông không chạy tội, không bênh ai, không lên án ai, mà chỉ ghi lại những gì mà ông đã có cơ duyên chứng kiến.

Ông cũng mong qua tập sách này, người dân miền Nam Việt Nam có được thêm một tài liệu để cắt nghĩa cho chính mình, cho con cháu mình và cho bà con bạn bè biết tại sao mình đã thua trận và tại sao đã phải bỏ nước ra đi.

Ông phân biệt rõ rệt nhân dân khác với người cầm quyền, nhân dân Mỹ nói chung là rất tốt, nhưng người cầm quyền Mỹ có người tốt, có người xấu trong việc bỏ rơi miền Nam Việt Nam.

Qua tập sách này, người đọc có thể thấy rõ là nếu không có những cuộc vận động vào phút chót, thì có lẽ chẳng có bao nhiêu người Việt Nam vào được nước Mỹ để tỵ nạn. Điều đó có nghĩa là, nếu không có những vận động vào phút chót, giờ này có lẽ đã không có khu Bolsa ở miền Nam Cali, khu Lion ở miền Bắc Cali, khu Bellaire ở Houston, hoặc khu Eden ở Washington; giờ này có lẽ cũng chưa có chương trình HO, và cũng không có chuyện gửi tiền về Việt Nam mấy tỉ đôla một năm.

Tác giả Nguyễn Tiến Hưng cũng ước mong rằng giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối công việc mà ông đang làm để trả lại sự thật cho lịch sử, và theo lời ông, để “trả lại cho Cesar những gì thuộc về Cesar”.

Tầm nhìn chiến lược và tấm lòng nhân ái của tác giả cũng được thể hiện, khi ông nói rằng ông hy vọng giới trẻ Việt Nam lớn lên tại Hoa Kỳ; nếu sau này trở thành những nhà lãnh đạo của đất nước Hoa Kỳ--giống như ông Kissinger từ một cậu bé ở ngôi làng Bavaria bên Đức, di cư sang Hoa Kỳ, rồi leo lên đến một chức vụ đầy quyền thế nhất thế giới--thì không nên đối xử tệ bạc với các quốc gia đồng minh, giống như nước Mỹ đã từng đối xử với chế độ miền Nam Việt Nam trước đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG