Đường dẫn truy cập

Vụ tấn công Paris đứng đầu nghị trình Thượng đỉnh G-20


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước cuộc họp ở Antalya, ngày 15 tháng 11, 2015.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước cuộc họp ở Antalya, ngày 15 tháng 11, 2015.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang ở thành phố nghỉ mát Antalya trên bờ Ðịa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ để dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm G-20. Các vụ tấn công ở Pháp hôm thứ Sáu theo trù liệu sẽ là đề tài bao trùm hội nghị này.

Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới theo dự trù trước đó sẽ thảo luận về thương mại, năng lượng và môi trường.

Mặc dù các đề tài này được xếp trên nghị trình chính thức, nhưng sẽ được bàn đến sau yêu cầu cấp bách phải tăng cường chống Nhà nước Hồi giáo, nhóm cực đoan tuyên bố đã thực hiện các vụ tấn công ở Paris hôm thứ Sáu.

Cũng sau những vụ tấn công này, theo trông đợi sẽ có những nỗ lực thúc đẩy mạnh hơn và hợp nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Vài giờ trước khi các cuộc tấn công xảy ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice nói hội nghị G-20 sẽ là một "cơ hội hữu ích" cho các nhà lãnh đạo quan trọng phối hợp nỗ lực về vấn đề Syria. Nhưng bà thận trọng với những trông đợi có bất cứ đột phá nào.

Bà Rice nói: "Tôi nghĩ không ai mong đợi sẽ có ngay một kết quả là bỗng nhiên tất cả sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề khó khăn này. Chúng tôi nhắm đến việc tìm cách dùng những diễn đàn này để tích góp tiến bộ cho những mục tiêu mà chúng tôi đang hướng đến".

Ngay trước khi rời Tòa Bạch Ốc đi dự hội nghị, Tổng thống Obama đã họp với nhóm an ninh quốc gia của ông và nghe các đánh giá tình báo.

Các nhà phân tích nói rằng Tổng thốông Obama bắt buộc phải tăng cường chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, và hội nghị thượng đỉnh hai ngày sẽ tạo cho ông cơ hội thảo luận với lãnh đạo của các nước cũng đang chống nhóm cực đoan này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hủy kế hoạch tham dự hội nghị G-20 ngay sau những vụ tấn công ở Paris hôm thứ Sáu.

Một trong những cuộc họp đầu tiên của Tổng thống Obama tại thành phố Antalya là với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một đối tác chính trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Nhiều tháng qua, các lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường truy quét các sào huyệt của Nhà nước Hồi giáo, phần lớn ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới giữa nước này với Syria và Iraq.

Một quan hệ phức tạp khác cho Tổng thống Obama đó là Nga, nước tiếp tục hậu thuẫn chính phủ Bashar al-Assad trong khi Mỹ muốn ông Assad phải ra đi. Không có cuộc họp nào được sắp đặt cho nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị G-20, nhưng các nhà phân tích nói rằng các cuộc tấn công ở Paris có thể mở ra cơ hội để hai bên làm việc với nhau về một nỗ lực chung chống các phần tử hiếu chiến này.

Một hội nghị bộ trưởng ngoại giao tại Vienna trước hội nghị G-20 hình như đã đặt ra cơ hội cho một sự hợp tác mới, bất chấp những khác biệt. Hai ngoại trưởng – John Kerry của Mỹ và Sergei Lavrov của Nga – tại cuộc họp báo chung hôm thứ Bảy nói rằng Liên hiệp quốc đồng ý mang chính phủ Syria và phe đối lập lại với nhau tại một cuộc đối thoại, và một thỏa thuận ngừng bắn được trông đợi trong vòng 6 tháng.

Ngoại trưởng Nga nói rằng các cuộc tấn công có phối hợp ở Paris cho thấy "vấn đề qúy vị ủng hộ hay chống ông Assad không phải là điều quan trọng," mà "ISIS là kẻ thù của quý vị."

An ninh được bảo vệ nghiêm ngặt cho Hội nghị Thượng đỉnh G-20. 12.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai quanh thành phố khi lãnh đạo của các nước G-20 và các nước khác đến đây họp. 3.000 phóng viên báo chí cũng có mặt tại đây.

Các giới chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hệ thống phòng không được đặt trong tư thế sẵn sàng trong khu vực trong thời gian của hội nghị dài hai ngày này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG