Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama sẽ đi thăm Miến Điện


Tổng thống Obama gặp lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc ở Washington, ngày 19/9/2012.
Tổng thống Obama gặp lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc ở Washington, ngày 19/9/2012.
Các giới chức Miến Điện nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự trù đến thăm nước họ trong tháng này, trở thành vị nguyên thủ đầu tiên của Mỹ đến thăm quốc gia Đông Nam Á có thời bị cô lập này.

Các giới chức Miến Điện không muốn nêu danh tánh cho báo chí biết rằng Tổng thống Obama sẽ đến Miến Điện vào ngày 18 hoặc ngày 19 tháng 11.

Chính phủ Mỹ chưa xác nhận chuyến đi, nhưng ông Obama dự kiến sẽ đến dự một hội nghị thượng đỉnh của khối ASEAN trong tuần lễ đó ở Campuchia.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Miến Điện đã được cải thiện nhanh chóng từ khi chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền hồi năm ngoái, chấm dứt sự cai trị hà khắc kéo dài 50 năm của chính quyền quân nhân.

Tổng thống Thein Sein, từng là một tướng lãnh trong quân đội, đã thả tù nhân chính trị, nới lỏng các hạn chế đối với giới truyền thông, và để cho các đảng đối lập được phép hoạt động.

Để đáp lại, Washington đã hủy bỏ phần lớn các biện pháp chế tài, bổ nhiệm một vị đại sứ và thực hiện những cuộc họp cấp cao với chính phủ có thời bị nhiều nước xa lánh này.

Nhưng một số các nhà tranh đấu nhân quyền tố cáo Washington hành động quá vội vã. Họ nói rằng Hoa Kỳ không nên từ bỏ những biện pháp gây sức ép trong lúc nhiều sự tiến bộ về nhân quyền ở Miến Điện vẫn còn có thể bị đảo ngược.

Ông Soe Aung, một nhà tranh đấu dân chủ Miến Điện ở Thái Lan, nói với đài VOA rằng ông ủng hộ một cách dè dặt việc Tổng thống Obama đi thăm Miến Điện và hy vọng Washington sẽ chú tâm nhiều hơn tới các vấn đề nhân quyền.

Ông Soe Aung nói thêm rằng điều làm ông lo ngại nhiều nhất hiện nay là cuộc tấn công của quân đội Miến Điện nhắm vào người sắc tộc Kachin ở miền bắc, nơi ông cho biết có khoảng 100.000 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Bên cạnh vấn đề bạo động ở miền bắc, các nhà tranh đấu cũng lo ngại về tình hình ở tiểu bang Rakhine ở miền tây, nơi mà những vụ bạo động vì sắc tộc và tôn giáo trong vài tháng qua đã gây tử vong cho hơn 100 người Rohingya theo Hồi giáo.

Chuyến đi Mỹ của bà Aung San Suu Kyi

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG